Dưới đây là bài phân tích Trăng ơi từ đâu đến của nhà thơ Trần Đăng Khoa hay nhất mà các bạn đang tìm kiếm. Với những luận cứ, luận điểm đầy đủ các bạn có thể vận dụng vào bài làm văn của mình. Nhưng hãy nhớ, các bạn hãy vận dụng một cách sáng tạo để bài viết của mình đạt hiệu quả cao nhất nhé!
Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của Trần Đăng Khoa chi tiết nhất
Ánh trăng luôn là một trong những đề tài khơi gợi nhiều nguồn cảm hứng nhất cho các thi sĩ sáng táng nên những tác phẩm độc đáo. Trăng không chỉ dành cho người lớn mà trong mắt trẻ con cũng thật đẹp đẽ và đầy bí ẩn. Phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của nhà thơ Trần Đăng Khoa để hiểu hơn về điều này.
Mở bài chi tiết phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến
Trần Đăng Khoa là nhà thơ người Hải Dương, nhưng sinh sống chủ yếu tại Hà Nội. Ông sinh ngày 24-4-1958. Ông là một trong những nhà thơ thiếu nhi nổi tiếng nhất trên thi đàn thơ văn của Việt Nam. Ông còn được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”. Không những thế, ông còn là một nhà báo, nhà văn có tiếng nói và được độc giả yêu mến.
Tác giả Trần Đăng Khoa bắt đầu sáng tác những bài thơ đầu tiên từ rất sớm. Khi nhà thơ 8 tuổi, ông đã có những tác hấp dẫn được in trên báo. Đặc biệt, lúc nhà thơ 10 tuổi, tác giả Trần Đăng Khoa đã có tập thơ đầu tiên xuất bản với tựa đề “Từ góc sân nhà em” (1968). Và cũng chính trong năm đó, tác giả Trần Đăng Khoa đã tiếp tục ra tập thơ mới với nhan đề “Góc sân và khoảng trời”. Trong tập thơ này có những tác phẩm được độc giả yêu mến như Hạt gạo làng ta, Trăng ơi… từ đâu đến?…
Khi phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của nhà thơ, chúng ta sẽ bắt gặp một ánh trăng thật kỳ diệu trong mắt trẻ thơ. Qua bài thơ, độc giả sẽ lý giải được ánh trăng từ đâu đến, ánh trăng có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào trong đời sống của con người.
Thân bài chi tiết
Luận điểm 1: khổ thơ 1
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ cánh rừng xa
Trăng hồng như quả chín
Lửng lơ lên trước nhà
Không hổ danh thần đồng vì đã sáng tác thơ khi còn nhỏ tuổi. Nếu như các bạn đồng trang lứa vẫn đang mải mê chơi đùa với các trò khác thì nhà thơ Trần Đăng Khoa đã dành thời gian quan sát thiên nhiên, mọi sự vật để rồi đặt ra những câu hỏi thú vị và biến chúng thành những câu thơ vô cùng sáng tạo và độc đáo.
Khi nhìn thấy ánh trăng, tác giả đã tự hỏi trăng từ đâu đến để rồi tự nghĩ ra, có lẽ trăng đến từ cánh rừng xa. Thú vị hơn cả, ông đã liên tưởng ánh trắng như quả hồng chín. Đó là một thứ có thể cầm được, thấy rõ và có mùi có vị. Đúng là tâm lý trẻ con, dường như mọi thứ đều có thể ăn được và rất gần gũi. Ngoài ra, quả hồng ánh trăng ấy còn treo lơ lửng trước nhà. Nghĩa là ánh trăng trong mắt nhà thơ thật gần. Dù đến từ nơi xa xôi nhưng lại rất gần gũi với các bạn nhỏ. Cách dùng từ láy “lửng lơ” ở đây thật hay ho và thú vị. Hơn nữa, tác giả còn biết cách đảo ngữ để thấy được vị trí của ánh trăng là không cố định ở nơi nào cả mà lơ lửng trên không trung trước nhà. Không phải nơi nào khác mà là trước nhà của nhà thơ. Thật là một ánh trăng ngọt ngào.
Luận điểm 2: khổ thơ 2
Phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến ở khổ hai, chúng ta tiếp tục bắt gặp một lý giải hấp dẫn của nhà thơ về nguồn gốc cũng như vẻ đẹp của ánh trăng. Nhà thơ viết:
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay biển xanh diệu kỳ
Trăng tròn như mắt cá
Chẳng bao giờ chớp mi
Từ khu rừng xa xôi, tầm hồn người bạn nhỏ bỗng nhiên vòng xuống biển sâu. Cậu cho rằng có lẽ trăng tới từ biển xanh xa xôi và diệu kỳ. Và cụ thể hơn, ánh trăng ấy tròn xoay như mắt cá và bạn cá thì chẳng bao giờ ngủ. Thật là một sự ví von khác lạ đậm chất trẻ thơ. Với người lớn, ánh trăng luôn mang vẻ đẹp buồn thương và lãng mạn. Nhưng trong mắt của cậu bé Trần Đăng Khoa lúc này, ánh trăng như người bạn cá thân thiết. Đặc biệt, nhà thơ phát hiện ra một điều thú vị đó là cá không có lông mi nên cũng không bao giờ chớp mi. Điều này chứng tỏ nhà thơ có khả năng quan sát rất tốt và một tâm hồn nhạy cảm mới có thể liên tưởng và đưa ra những ví von tài tình tinh tế như vậy.
Luận điểm 3: phân tích khổ thơ 3
Tiếp đến khổ thơ 3, độc giả có lẽ phải bật cười khi nghe liên tưởng ví von của tác giả. Lúc này, nhà thơ không tưởng tưởng ánh trăng đến từ cánh rừng hay từ biển xanh nữa, mà trăng là quả bóng mà lũ trẻ hay chơi. Sở dĩ trăng lơ lửng trên trời bởi do bạn nào đá lên trời. Thật là một hình ảnh đáng yêu và không phải ai cũng nghĩ đến. Bởi ánh trăng lúc này không còn là cái gì đó vi diệu, xa xôi không cầm được mà nó là thứ mà các bạn nhỏ sở hữu, có thể điều khiển được.
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ một sân chơi
Trăng bay như quả bóng
Đứa nào đá lên trời
Có lẽ cũng chỉ có nhà thơ Trần Đăng Khoa mới nghĩ, ánh trăng đến từ một sân chơi, và bay như quả bóng do các bạn nhỏ đá lên trời. Có lẽ, chính nhà thơ cũng sẽ mỉm cười khi viết ra những dòng thơ độc đáo và thú vị này. Ngôn từ ở đây nhà thơ dùng không hề hoa mỹ, cũng không quá cao siêu nhưng lại khiến độc giả dễ nhớ, dễ thuộc và dễ hiểu.
Luận điểm 4: phân tích khổ thơ 4
Phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của Trần Đăng Khoa, độc giả nhận thấy trong tâm hồn của nhà thơ, luôn chất chứa những câu hỏi thật bất ngờ. Nếu như những khổ trên, nhà thơ cho rằng trăng đến từ cánh rừng, từ biển, từ sân chơi, thì đến đây, tác giả đã nghĩ sâu xa hơn, trăng đến từ lời mẹ ru. Thật là một sự liên tưởng đặc biệt vừa ý nghĩa vừa nên thơ.
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ lời mẹ ru
Thương Cuội không được học
Hú gọi trâu đến giờ!
Từ ngàn xưa, mỗi đứa trẻ đều được lớn lên trong những lời ru ngọt ngào của mẹ. Qua những lời ru, các bạn nhỏ sẽ được nghe những câu chuyện cổ tích, những sự tích với những bài học làm người sâu sắc. Và câu chuyện về chú Cuội phải ngồi chăn trâu ở gốc cây đa vì tội nói dối đã trở nên rất quen thuộc với các bạn nhỏ. Có lẽ vì thế, mà nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng nhớ rất rõ câu chuyện cùng bài học về sự thật thà trung thực. Nhưng điều đáng nhớ ở đây, nhà thơ không chỉ nhớ câu chuyện về Cuội mà còn tỏ ra thương Cuội vì không được đi học. Bên cạnh những bài học làm người thì trong con mắt nhà thơ, chú Cuội cũng giống như bao bạn nhỏ khác, rất cần được tới trường nhưng mãi đến giờ vẫn chưa được đi học. Cũng giống như nhiều trẻ em Việt Nam, vì chiến tranh mà không được tới lớp. Thật là một cách ví von, suy nghĩ ấn tượng và sâu sắc mà không phải bạn trẻ nhỏ nào cũng nghĩ tới.
Luận điểm 5: phân tích khổ thơ 5
Trăng ơi… từ đâu đến?
Hay từ đường hành quân
Trăng soi chú bộ đội
Và soi vàng góc sân
Dường như vẫn chưa thỏa mãn, nhà thơ Trần Đăng Khoa vẫn ngồi suy tư và tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trăng từ đâu đến. Và lúc này, ông chợt nhớ tới và nghĩ ra rằng, ánh trăng đến từ đường hành quân để soi sáng cho các chú bộ đội, và soi vàng cả góc sân. Lúc này, chúng ta nhận thấy, dường như nhà thơ có những suy nghĩ rất người lớn. Ánh trăng của nhà thơ giờ đây không chỉ là trò chơi, là một phần của thiên nhiên tô điểm cho cuộc sống mà còn làm nhiệm vụ quan trọng soi sáng đường hành quân cho các chú bộ đội. Ánh trăng không chỉ là bạn của các bạn nhỏ mà còn là người bạn đồng hành của các chú bộ đội. Ánh trăng ấy đã cùng các chú vượt qua mọi chặng đường. Không những thế, trăng còn tỏa sáng, soi vàng góc sân để các bạn nhỏ vui chơi và sân nhà trở nên đẹp đẽ.
Luận điểm 6: phân tích khổ thơ 6
Phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của nhà thơ Trần Đăng Khoa đến khổ cuối, độc giả không khỏi ngạc nhiên trước câu kết đầy ý nghĩa sâu sắc. Sau những lý giải xa xôi rồi đến gần gũi, nhà thơ đúc kết và khẳng định chắc nịch, dù trăng có đến từ đâu, trăng có đi khắp mọi miền thì trăng ở nước Việt Nam, ở “đất nước em” vẫn là ánh trăng sáng nhất. Bởi đó là ánh trăng hòa bình, trăng của tình yêu thương. Ánh trăng gắn liền với sự thanh bình yên ả ở những làng quê Việt đầy dân giã. Có thể thấy, nhà thơ rất tự hào về quê hương đất nước. Bởi thế, ngay cả ánh trăng là của thiên nhiên vũ trụ, ông cũng thấy tự hào vì nó ở nước Việt Nam chứ không phải ở nơi khác.
Trăng ơi… từ đâu đến?
Trăng đi khắp mọi miền
Trăng ơi có nơi nào
Sáng hơn đất nước em…
Bằng tuổi của nhà thơ, không phải bạn nhỏ nào cũng nghĩ được như tác giả. Bởi lúc ấy, các bạn nhỏ còn đang mải mê với bao trò chơi đuổi bắt, hoặc với những việc làm nông. Nhưng nhà thơ đã quan sát, đã mang những sự vật ngoài vũ trụ tưởng chừng như vô tận vào trong thơ ca. Thu vào tầm mắt trẻ thơ trở thành một thứ thật gần gũi và thân thiết.
Kết bài phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến
Chẳng rõ, nhà thơ viết tác phẩm này vào lúc nào nhưng khi đọc lên, độc giả dường như đều mường tượng ra hình ảnh một cậu bé đang ngồi trước hiên nhà và ngắm nhìn ánh trăng rồi tuôn trào những lời thơ lay động lòng người.
Phân tích bài thơ Trăng ơi từ đâu đến của nhà thơ Trần Đăng Khoa, chúng ta càng khâm phục hơn tài sử dụng ngôn ngữ của cậu bé 8 tuổi lúc bấy giờ. Có thể thấy, ông không chỉ là một người hiểu sâu biết rộng, có vốn từ phong phú, giàu có mà còn là một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm và óc quan sát tinh tế. Bằng những vần thơ vô cùng mộc mạc, đậm chất trẻ thơ nhưng lại chan chứa những thông điệp ý nghĩa nhân văn sâu sắc.