Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa – Văn mẫu chuẩn nhất 2021

“Tiếng gà trưa” là tác phẩm nổi bật của Xuân Quỳnh. Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa sẽ thấy được tình yêu quê hương, đất nước của tác giả.

Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Tiếng gà trưa – Văn mẫu chuẩn nhất 2021

Mở bài phân tích bài thơ Tiếng gà trưa

Xuân Quỳnh (1942-1988), là một trong những nhà thơ nữ hàng đầu của nền văn học Việt Nam thế kỉ XX. Xuân Quỳnh để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, có ý nghĩa lớn về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Năm 2017, Xuân Quỳnh được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, Xuân Quỳnh đã để lại hàng trăm bài thơ với đủ đề tài, ý nghĩa khác nhau. Bên cạnh những bài thơ tình đặc sắc, có một mảng đề tài về quê hương, tình cảm gia đình cũng được tác giả rất yêu thích. Trong đó, “Tiếng gà trưa” được đánh giá cao. Bài thơ được sáng tác vào thời kì kháng chiến chống Mỹ, in lần đầu trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Phân tích bài thơ tiếng gà trưa ta sẽ thấy được tiếng lòng của tác giả về kỉ niệm tuổi thơ tươi đẹp và tình cảm bà cháu tha thiết, đằm thắm.

Nhà thơ Xuân Quỳnh

Thân bài

  • Tiếng gà trưa trên đường hành quân

“Tiếng gà trưa” ra đời khi đất nước đang chìm trong máu lửa của cuộc chiến giành độc lập, tự do. Lớp lớp, người người cùng nhau xung phong ra nơi chiến hào để bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, phần lớn là thanh niên trẻ, trái tim còn tràn đầy máu nóng của tình yêu và khát vọng. Bọn họ dễ dàng rung động và nhớ thương dù chỉ với những hình ảnh gợi nhớ nhỏ bé. Mở đầu bài thơ, tác giả miêu tả tiếng gà trưa trên đường hành quân của mình:

“Trên đường hành quân xa

Dừng chân bên xóm nhỏ

Tiếng gà ai nhảy ổ:

“Cục… cục tác cục ta”

Nghe xao động nắng trưa

Nghe bàn chân đỡ mỏi

Nghe gọi về tuổi thơ”

Ở đây, chỉ một tiếng gà nhảy ổ ban trưa đã làm dấy lên nỗi nhớ thiết tha của người lính trẻ khi đang “hành quân”. Tiếng gà “Cục…cục tác cục ta” hiện lên tự nhiên, chân thực, khiến trái tim con người dấy lên cảm giác nhớ nhung. Điệp từ “nghe” nhắc lại ba lần cùng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác thể hiện được nỗi nhớ khắc khoải, luôn luôn thường trực trong trái tim nhà thơ.

  • Âm thanh tiếng gà trưa gợi lại những kỉ niệm của thời thơ ấu

Sau tiếng gà bất chợt ấy, những kỉ niệm tuổi thơ ùa về trong tâm trí tác giả. Những hình ảnh thân thương, quen thuộc lần lượt sống dậy trong hồi tưởng:

“Tiếng gà trưa

Ổ rơm hồng những trứng 

Này con gà mái mơ 

Khắp mình hoa đốm trắng 

Này con gà mái vàng 

Lông óng như màu nắng”

Quê nhà đã hiện lên trước mắt của tác giả từ “ổ rơm đầy những trứng” của những chị gà mái mơ, mái vàng xinh xắn. Chỉ là những quả trứng nhỏ bé, mà như một bầu trời tuổi thơ ùa về. Ngày xưa ấy, có đứa trẻ trưa nắng đi đếm những quả trứng trong ổ, khoe với bạn bè với niềm tự hào sáng ngời. Có cô học trò nhỏ ngồi ngắm từng chú gà, dùng lời văn ngô nghê của mình miêu tả lại từng chi tiết, “lông óng như màu nắng”, xinh xẻo và đáng yêu.

Hình ảnh người bà là kỉ niệm tươi đẹp nhất

Để rồi, từ hình ảnh những chú gà mái mơ, mái vàng ấy, tác giả lại hồi tưởng về người bà tảo tần, đáng kính của mình:

“Tiếng gà trưa 

Có tiếng bà vẫn mắng: 

– Gà đẻ mà mày nhìn 

Rồi sau này lang mặt! 

Cháu về lấy gương soi 

Lòng dại thơ lo lắng”

Tuổi thơ có đứa trẻ nào không tò mò, trốn bà trốn mẹ xem gà đẻ trứng? Rồi khi nghe lời mắng, “rồi sau này lang mặt”, lại lo lắng, sợ rằng sẽ thành sự thật. Lấy gương soi để xem có bị thật không, rồi hôm sau vẫn tiếp tục trò nghịch dại khờ ấy. Giờ đây, khi cháu đã trưởng thành, đang dấn thân cho cuộc chiến của đất nước, lại thèm lạ lùng lời mắng yêu của người bà khi xưa. Và tác giả như ước thầm, được nhìn dáng người tần tảo, chịu thương chịu khó, “khum soi trứng”, “chắt chiu” cho người cháu bé bỏng của mình những gì tốt đẹp nhất. 

“Cứ hàng năm hàng năm

Khi gió mùa đông tới

Bà lo đàn gà toi

Mong trời đừng sương muối

Để cuối năm bán gà

Cháu được quần áo mới

Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh chúc bâu

Đi qua nghe sột soạt”

Hình ảnh người bà lam lũ, tần tảo một đời lo nghĩ cho con cháu hiện lên rất rõ rệt. Bà chẳng bao giờ nghĩ đến mình, lúc nào cũng lo lắng cho người cháu được đầy đủ, ấm êm nhất. Bà mong “trời đừng sương muối” để đàn gà khỏe mạnh, cuối năm bán đi có thể sắm cho cháu gái mình những bộ quần áo mới. Người cháu ngây ngô ấy ước được “cái quần chéo go”, cái “áo cánh chúc bầu” còn nguyên vẹn lần hồ, sột soạt theo từng di chuyển. Mùi vải mới như hiện lên đâu đây, làm ùa về bao nỗi nhớ, làm sống mũi cay cay. Chỉ thế thôi mà cháu đã có thể hạnh phúc và vui sướng tột cùng. 

  • Suy tư, suy nghĩ về hiện tại

Niềm hạnh phúc nhỏ bé của tuổi thơ ngỡ tưởng sẽ mau chóng phôi phai với tâm hồn non dại. Thế nhưng không, nó vẫn tồn tại và len lỏi vào từng giấc ngủ của người lính trẻ:

“Tiếng gà trưa

Mang bao nhiêu hạnh phúc,

Đêm cháu về nằm mơ

Giấc ngủ hồng sắc trứng.”

Đây là lần thứ tư “tiếng gà trưa” cất lên trong toàn bộ tác phẩm. Tiếng gà ấy như gợi lên những giấc mơ của người lính, về hiện tại lẫn tương lai. Âm thanh bình dị mà thân thương, chứa đựng bao tình cảm thiêng liêng trong lòng người chiến sĩ đang trên đường hành quân ra trận. Tiếng gà trưa giờ đây không còn là âm thanh của một con vật nhỏ bé nữa. Đó là âm thanh của gia đình, quê hương, Tổ quốc, là âm thanh của bao kí ức tươi đẹp, đáng trân trọng trong cuộc đời mỗi người. Nó đã, đang và sẽ theo người cháu đến suốt cuộc đời, ám ảnh và day dứt khôn nguôi. Để rồi trở thành nguồn động lực lớn lao cho người cháu với lí tưởng cao đẹp:

“Cháu chiến đấu hôm nay 

Vì lòng yêu Tổ quốc 

Vì xóm làng thân thuộc 

Bà ơi, cũng vì bà 

Vì tiếng gà cục tác 

Ổ trứng hồng tuổi thơ.”

Điệp từ “vì” được lặp lại bốn lần liên tiếp, nhằm nhấn mạnh lí tưởng và mục đích cao đẹp của người lính trẻ. Chiến đấu, trước hết xuất phát từ Tổ quốc, quê hương, xóm làng. Nhưng hơn cả, thẳm sâu trong trái tim người cháu là hình ảnh người bà với những kỉ niệm nhỏ bé nhưng lại có sức sống mãnh liệt. Chúng ta hay nói về những cái lớn lao mà bỏ quên đi những điều thân thuộc bên mình. Biết bao người lính ra đi rồi ngã xuống, vì một tình yêu đất nước và khát vọng tự do. Nhưng họ cũng chiến đấu vì bà, vì mẹ, vì vợ, vì những người thân yêu của mình. Tác giả đã sử dụng các hình ảnh ngày càng được cụ thể hóa, từ mục đích cao cả, thiêng liêng, rộng lớn đến điều nhỏ bé thường ngày giản dị, gần gũi. Có thể thấy, chính tình cảm gia đình đã làm phong phú và sâu sắc hơn tình yêu quê hương, đất nước.

Với mạch thơ từ hiện tại, quá khứ đến tương lai, tiếng gà trưa như sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm, khơi gợi những kỉ niệm rồi tiếp thêm sức mạnh ý chí cho mục tiêu tương lai của người chiến sĩ. Bằng giọng thơ giản dị mà trìu mến, sử dụng các hình ảnh quen thuộc và các thủ pháp nghệ thuật độc đáo, Xuân Quỳnh đã đưa độc giả đi từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Từng lời thơ như xuất phát từ chính tiếng lòng và kỉ niệm của tác giả lại như chính những kỉ niệm của mỗi người, làm sống mũi ta cay cay và khát khao sống lại tuổi thơ cơ cực mà ấm áp bên bà, bên mẹ, bên những người thân yêu.

Kết bài phân tích bài thơ Tiếng gà trưa

Từ âm thanh tiếng gà đến những kỉ niệm ùa về trong tâm trí; từ kỉ niệm tuổi thơ hội tụ thành tình yêu quê hương, đất nước; từ hạnh phúc đơn giản nâng tầm thành khát vọng tương lai rộng mở, tất cả được thi sĩ Xuân Quỳnh truyền tải hết sức nhẹ nhàng. Tiếng gà trưa đơn sơ ấy cũng chính là tiếng gọi của Tổ quốc đến những người lính trẻ, chiến đấu và cống hiến cho bình yên của quê hương, cho tiếng gà không bao giờ ngớt trên bản đồ nước Việt.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *