Dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục chi tiết nhất 2021

Tài liệu dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục chi tiết dưới đây sẽ giúp các bạn làm bài phân tích hiệu quả hơn. Hãy vận dụng một cách khoa học để có được bài làm ấn tượng và sáng tạo nhất nhé!

Bạn đang đọc: Dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục chi tiết nhất 2021

Mỗi tác phẩm văn học đều ghi dấu ấn trong lòng độc giả không chỉ bởi cốt truyện đặc sắc mà còn bởi ở hệ thống nhân vật vô cùng độc đáo. Lập dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục trong tác phẩm Chữ người tử tù, là cách để các bạn dễ dàng làm bài phân tích nhân vật này tốt hơn. Đồng thời cũng giúp các bạn không bị bỏ sót ý khi làm bài.

Mở bài dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục

Luận điểm 1: Giới thiệu khái quát về tác giả và tác phẩm:

  • Đầu tiên là tác giả Nguyễn Tuân. Ông được biết đến là một nhà văn có “tính tài hoa và cái giọng khinh bạc đệ nhất trong giới Việt Nam hiện đại”. Trước Cách mạng tháng 8, những sáng tác của ông thể hiện qua chữ “ngông”, và chỉ xoay quanh các chủ đề như “xê dịch”, “vang bóng một thời”, đời sống trụy lạc”. Nhưng sau Cách mạng, văn ông đã có thay đổi lớn. Những tác phẩm của ông hướng về các chủ đề như tình yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào dân tộc, vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong lao động. Nhà văn Nguyễn Tuân là một người cực kỳ yêu cái đẹp. Với ông, những ai yêu cái đẹp đều có tâm hồn lương thiện và tử tế. Cái đẹp có sức mạng phi thường, có thể cứu rỗi tâm hồn của con người.

  • Chữ người tử tù được rút ra trong tập truyện “Vang bóng một thời”. Đây là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn Nguyễn Tuân. Tác phẩm có nội dung xoay quanh hai nhân vật chính là tử tù Huấn Cao và viên quản ngục. Câu chuyện gây ấn tượng với tình huông truyện độc đáo khi viên quản ngục khúm núm, xin chữ của tên tử tù. Và một cảnh tượng xưa nay hiếm đã diễn ra trong cảnh ngục tối.

Luận điểm 2: Giới thiệu nhân vật quản ngục

  • Dàn ý phân tích nhân vật viên quan ngục, nhất thiết chúng ta cần phải quát về nhân vật này. Ông là viên quan có chức có quyền. Nhưng đặc biệt, ông có tấm lòng yêu cái đẹp và biết quý trọng người tài. Dù sống trong cảnh ngục tù tăm tối nhưng viên quản ngục vẫn giữ cho mình tấm lòng thanh cao.
  • Viên quản ngục luôn khao khát và trân quý cái đẹp. Thể hiện qua hành động và tình huống ông dày công tìm cách để xin được chữ của Huấn Cao treo trong nhà. Nếu không được thì ông sẽ hối hận cả đời.

Chi tiết thân bài dàn ý phân tích nhân vật

Luận điểm 1: Tấm lòng biệt nhỡn liên tài

– Khi lập dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục, đầu tiên, chúng ta cần nói tới tấm lòng biệt nhỡn liên tài của ông. Khi xem danh sách tử tù, thay vì khinh rẻ, ghét bỏ, coi thường thì ông lại nói về tử tù với một thái độ vô cùng kính trọng mà không hề che giấu “Trái với phong tục nhận tù mọi ngày, hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao”.

– Không những thế, trong những ngày tử tù Huấn Cao ở trong ngục, viên quản ngục đã luôn thể hiện thái độ khiêm nhường, nghiêm kính. Mặc dù bị Huấn Cao coi khinh, đối xử tàn nhẫn, nhưng viên quản ngục vẫn dũng cảm, kiên nhẫn biệt đãi Huấn Cao. Dù Huấn Cao tức giận, phỉ báng vào hành động biệt đãi đó nhưng viên quản ngục không hề tức giận, mà ngược lại lại càng nhã nhặn đối đãi ân cần.

“Suốt nửa tháng, ở trong buồng tối, ông Huấn Cao vẫn thấy một người thơ lại gầy gò đem rượu đến cho mình uống trước giờ ăn bữa cơm tù”. “Rồi đến một hôm, quản ngục mở khoá cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn: – Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền luỵ riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất.

– Không chỉ có vậy, viên quản ngục còn cảm thấy nuối tiếc khi nhận được tin báo ngày mai Huấn Cao phải giải lên kinh để chịu xử tử.  “Một buổi chiều lạnh, viên quản ngục tái nhợt người đi sau khi tiếp đọc công văn Quan Hình bộ Thượng thư trong kinh bắt giải ông Huấn Cao và các bạn đồng chí ông vào kinh. Pháp trường lập ở trong ấy kia. Ngày mai, tinh mơ, sẽ có người đến giải tù đi”. Quả thực, qua hành động và thái độ của viên quản ngục, cho thấy ông là một con người tử tế, biết phân biệt trái phải, đúng sai, điều xấu, điều ác và có tấm lòng biệt nhỡn liên tài.

Luận điểm 2: Sự khát khao và trân trọng cái đẹp

– Lập dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục, chúng ta không thể không nói tới niềm khao khát và trân trọng cái đẹp. “Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Có thể thấy, viên quản ngục không chỉ yêu cái đẹp mà còn là người ham đọc sách thánh hiền, nhờ đó mà trong tâm hồn ông đã nảy nở tốt đẹp.

– Viên quản ngục được tác giả Nguyễn Tuân ví như một đóa sen trong bùn chốn bùn đen. Dù sống trong nơi dơ bẩn nhưng vẫn thanh cao, tâm hồn thánh thiện. “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”.

– Với tâm hồn tử tế và thái độ trân trọng người tài nên viên quản ngục khát khao cái đẹp. Ông có một ước mong lớn trong đời đó là “được treo ở nhà riêng một đôi câu đối” do chính tay Huấn Cao viết. Niềm khao khát đó thể hiện ở việc ông có thể bất chấp địa vị, tính mạng để mong sao có được chữ của tử tù.

– Viên quản ngục mặc dù hiểu tính ông Huấn Cao là “vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỉ, ông ít chịu cho chữ”. Nhưng ông vẫn trăn trở, lo lắng nếu như không xin được chữ của tử tù Huấn Cao trước khi bị xử tử hình thì “ân hận suốt đời mất”.

– Điều này có thể thấy, viên quản ngục thực sự là một người vô cùng yêu và trân trọng cái đẹp vô cùng. Chỉ có tâm hồn tử tế, lương thiện mới có thể làm mọi cách để nâng niu trân quý cái đẹp như thế.

Luận điểm 3: Tâm hồn thanh cao, tử tế và biệt nhỡn liên tài thể hiện qua cảnh cho chữ

– Trong phần dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục các bạn cần nói tới cảnh cho chữ. Đây là một cảnh tượng được tác giả khẳng định là xưa nay hiếm, xưa nay chưa từng có. Bởi cảnh cho chữ ấy diễn ra giữa hai con người khác biệt. Một là một tên tử tù trong tư thế cùm gồng, xiềng xích cho chữ. Một là viên quản ngục, chức cao vọng trọng, tự do lại quỳ khúm núm chờ xin chữ.

– Cảnh tượng ấy diễn ra ở một không gian đặc biệt. Đó là giữa một buồng giam ẩm thấp, với đầy mùi hôi thối của phân chuột phân gián, không gian chật hẹp, tăm tối. Trong thời gian là một đêm khuya thanh vắng. Thế nhưng cảnh tưởng ấy lại được tác giả vẽ lên thật thanh cao, đẹp đẽ. “Trong một không khí khói toả như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc toả cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa”.

– Trong lúc chờ cho chữ, viên quản ngục “khúm núm, run run” . Nhưng đó không phải là thái độ thể hiện sự hèn nhát mà là biểu hiện của sự kính trọng và nể phục, trân trọng trước cái tài và cái đẹp.

– Lúc này, chúng ta có thể thấy, viên quản ngục đã không còn ở trong vài trò của một người quản tù mà là một người cũng có tâm hồn đồng điệu, say mê cái đẹp như tử tù Huấn Cao.

– Đặc biệt, thông qua chi tiết viên quản ngục đã cúi đầu vái lạy người tử tù Huấn Cao một cách kính cẩn, với giọt nước mắt rỉ ra, đã cho thấy, viên quản ngục đã thức tỉnh trước cái đẹp. Ông nhận ra mình là một kẻ mê muội, và đã có thể thoát ra sự tầm thường để vươn tới cái cao đẹp. “Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Luận điểm 4: Nghệ thuật xây dựng nhân vật

– Để làm bài phân tích nhân vật viên quản ngục đầy đủ chi tiết, ở phần dàn ý, các bạn phải chú ý khái quát lại các biện pháp nghệ thuật đặc sắc. Đầu tiên là thủ pháp tương phản đối lập, giữa hoàn cảnh của hai nhân vật, giữa ánh sáng của bó đuốc với ngục tù tăm tối, giữa sự tự do với sự xiềng xích…

– Kết hợp với đó là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế mà tác giả Nguyễn Tuân sử dụng. Tâm lý của viên quản ngục được nhà văn khắc họa qua những hành động, lời nói. Dù không vẽ ra dáng vẻ quả viên quản ngục, nhưng độc giả vẫn thấy ở đấy một tâm hồn tử tế và thiện lương.

– Đồng thời, nhân vật viên quản ngục được đặc tả thành công, rõ rệt khi được đặt vài tình huống giàu kịch tính. Đó là tình huống khao khát xin chữ.

Phần kết bài dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục

Luận điểm 1: Khái quát lại hình tượng nhân vật viên quản ngục

  • Trong phần kết của dàn ý phân tích nhân vật viên quản ngục, các bạn khái quát lại những nét đặc sắc nhất về hình tượng nhân vật viên quản ngục như biệt nhỡn liên tài, say mê và trân trọng cái đẹp, tâm hồn thanh cao và tử tế.

Luận điểm 2: quan điểm nghệ thuật và nhân văn của tác giả

  • Thông qua tác phẩm cùng nhân vật viên quản ngục, nhà văn Nguyễn Tuân muốn gửi gắm thông điệp của mình đó là theo ông, cái đẹp luôn tồn tại, có sẵn cả trong hoàn cảnh sống xấu và tốt. Nhưng dù nó sống ở đâu thì nó cũng không thể bị chà đẹp, tàn lụi mà ngược lại nó còn mang sức mạnh tiềm ẩn và bền bỉ. Giống như hoa sen trong bùn đen, gần bùn mà không hôi tanh mùi bùn vậy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *