Các phương châm hội thoại (tiếp theo) – Ngữ văn 9 tập 1 chuẩn nhất

Các phương châm hội thoại (tiếp theo) là phần luyện tập hội thoại em cần lưu ý. Bài soạn dưới đây sẽ giúp em hiểu và nắm chắc kiến thức này hơn

Bạn đang đọc: Các phương châm hội thoại (tiếp theo) – Ngữ văn 9 tập 1 chuẩn nhất

Để nắm chắc kiến thức về các phương châm hội thoại (tiếp theo) cần phải luyện tập thường xuyên. Em có thể tham khảo bài dưới đây để chuẩn bị bài tốt nhất có thể.

I. Phương châm quan hệ

Câu hỏi: Trong tiếng Việt có thành ngữ ông nói gà, bà nói vịt. Thành ngữ này dùng để chỉ tình huống hội thoại như thế nào? Thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu xuất hiện những tình huống hội thoại như vậy. Qua đó có thể rút ra bài học gì trong giao tiếp?

Trả lời:

– Thành ngữ Ông nói gà, bà nói vịt dùng để chỉ tình huống khi giao tiếp không hiểu ý nhau làm cho cuộc hội thoại bị trật khớp.

– Nếu xuất hiện những tình huống hội thoại như vậy thì hai người nói chuyện với nhau sẽ không hiểu được nhau đang muốn nói gì, làm lạc đề tài giao tiếp.

– Qua đó, rút ra được bài học: Khi giao tiếp phải nói đúng vào đề tài, chủ đề và phải nói đúng vào vấn đề đang bàn bạc.

II. Phương châm cách thức

Câu 1: Trong tiếng Việt có những thành ngữ như: dây cà ra dây muống, lúng búng như ngậm hột thị. Hai thành ngữ này dùng để chỉ những cách nói như thế nào? Những cách nói đó ảnh hưởng đến giao tiếp ra sao? Qua đó có thể rút ra bài học gì trong giao tiếp?

Trả lời:

– Hai thành ngữ dây cà ra dây muống, lúng búng như ngậm hột thị dùng để chỉ những cách nói:

+ Dây cà ra dây muống: cách nói lan man, dài dòng, không đúng chủ đề giao tiếp.

+ Lúng búng như ngậm hột thị: cách nói không rành mạch, ấp úng.

– Những cách nói này làm cho cuộc giao tiếp không thể truyền tải được đúng nội dung, gây khó khăn cho người nghe, hoặc đối tượng giao tiếp.

– Qua đó có thể rút ra bài học khi giao tiếp cần nói ngắn gọn, đúng trọng tâm vấn đề, nói to, rõ ràng, rành mạch.

Câu 2: Có thể hiểu câu sau đây theo mấy cách? (Chú ý: cách hiểu tùy thuộc vào việc xác định tổ hợp từ ông ấy bổ nghĩa cho từ ngữ nào).

Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy.

Để người nghe không hiểu lầm, phải nói như thế nào? Như vậy, trong giao tiếp cần phải tuân thủ điều gì?

Trả lời:

– Có thể hiểu câu Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy theo hai cách khác nhau là:

+ Tôi đồng ý những nhận định mà ông ấy bàn về các truyện ngắn khác.

+ Tôi đồng ý với những nhận định về tác phẩm của ông ấy viết.

– Để người nghe không hiểu lầm, người nói cần chọn những từ ngữ dễ hiểu, rõ ràng hơn.

+ Tôi đồng ý với những nhận định của ông ấy về các tác phẩm truyện ngắn.

+ Tôi đồng ý với những nhận định về truyện ngắn của ông ấy mới xuất bản.

– Như vậy, trong giao tiếp cần phải tuân thủ việc nói trọn vẹn từ ngữ, không được nói mập mờ gây khó hiểu.

III. Phương châm lịch sự

Câu hỏi: Đọc truyện sau và trả lời câu hỏi:

NGƯỜI ĂN XIN

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt bàn tay run rẩy của ông:

– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:

– Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc-ghê-nhép)

Vì sao người ăn xin và cậu bé trong truyện đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một cái gì đó? Có thể rút ra bài học gì từ câu chuyện này?

Trả lời:

– Người ăn xin và cậu bé trong truyện đều cảm thấy mình đã nhận được từ người kia một cái gì đó vì:

+ Cậu bé không tỏ vẻ khinh thường, miệt thị với những người có cuộc sống cơ cực như ông lão, thay vào đó lại đồng cảm, yêu thương.

+ Ông lão thì nhận được sự đồng cảm, tôn trọng từ cậu bé.

– Từ câu chuyện này, có thể rút ra bài học là: Trong những cuộc giao tiếp, chúng ta cần ăn nói lịch sự, tế nhị, phù hợp với hoàn cảnh.

IV. Luyện tập Các phương châm hội thoại (tiếp theo)

Câu 1: Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam có nhiều câu như:

a) Lời chào cao hơn mâm cỗ.

b) Lời nói chẳng mất tiền mua,

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

c) Kim vàng ai nỡ uốn câu,

Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời.

Qua những câu tục ngữ, ca dao đó, cha ông khuyên dạy chúng ta điều gì? Hãy tìm thêm một số câu tục ngữ, ca dao có nội dung tương tự.

Trả lời:

– Qua những câu tục ngữ, ca dao đó, cha ông khuyên dạy chúng ta phải ứng xử một cách tế nhị, lịch sự khi giao tiếp.

+ Lời chào cao hơn mâm cỗ: câu nói lịch sự, nhã nhặn còn đáng giá hơn vậy chất.

+ Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa nói mà nói cho vừa lòng nhau: Lời nói nhẹ nhàng, tế nhị sẽ gắn kết người với người.

+ Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người không ai nỡ nói nhau nặng lời: Những con người lịch sự cần biết cách ăn nói cho dễ nghe.

– Một số câu tục ngữ, ca dao có nội dung tương tự:

+ Vàng thì thử lửa thử than,

Chuông thì thử tiếng, người ngoan thử lời.

+ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,

Người không nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Câu 2: Phép tu từ từ vựng nào đã học (so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, hoán dụ, điệp ngữ, nói quá, nói giảm nói tránh) có liên quan trực tiếp đến phương châm hội thoại lịch sự? Cho ví dụ.

Trả lời:

– Các phép tu từ từ vựng đã học có liên quan trực tiếp đến phương châm hội thoại lịch sự là: nói giảm nói tránh.

– Ví dụ:

+ Bác Hồ đã ra đi mãi mãi => Sử dụng nói giảm nói tránh ra đi thay cho chết, tử để thể hiện sự đau thương, lòng kính trọng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại. Nếu sử dụng các từ chết, tử sẽ không mang ý nghĩa trang nghiêm, thành kính. Đồng thời làm gia tăng nỗi đau, nỗi mất mát khi bác đã mãi ra đi.

+ Bạn An là người khuyết tật => Sử dụng nói giảm nói tránh khuyết tật thay cho tàn tật, câm điếc, mù lòa để thể hiện sự tôn trọng đối tượng được nhắc đến. Nếu sử dụng các từ khác sẽ mang tính xúc phạm, gây tổn thương đến đối tượng. 

Đây là một trong Các phương châm hội thoại (tiếp theo) vận dụng rất nhiều trong sinh hoạt. Em cần lưu ý.

Câu 3: Chọn từ ngữ thích hợp với mỗi chỗ trống.

a) Nói rành mạch, cặn kẽ, có trước có sau là /…/

b) Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý là /…/

c) Nói trước lời mà người khác chưa kịp nói là /…/

d) Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến là /…/

e) Nói dịu nhẹ như khen, nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách là /…/

(nói móc, nói ra đầu ra đũa, nói leo, nói mát, nói hớt)

Cho biết mỗi từ ngữ trên chỉ cách nói liên quan đến phương châm hội thoại nào.

Trả lời:

– Chọn từ thích hợp vào chỗ trống:

a) Nói rành mạch, cặn kẽ, có trước có sau là nói ra đầu ra đũa.

b) Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý là nói móc.

c) Nói trước lời mà người khác chưa kịp nói là nói hớt.

d) Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến là nói leo.

e) Nói dịu nhẹ như khen, nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách là nói mát.

– Mỗi từ ngữ trên chỉ cách nói liên quan đến phương châm cách thức và phương châm lịch sự.

Câu 4: Vận dụng những phương châm hội thoại đã học để giải thích vì sao người nói đôi khi phải dùng những cách nói như:

a) đừng nói leo; đừng nói ngắt lời như thế; đừng nói cái giọng đó với tôi;

b) nhân tiện đây xin hỏi;

c) cực chẳng đã tôi phải nói; tôi nói điều này có gì không phải anh bỏ qua cho; biết là làm anh không vui, nhưng…; xin lỗi, có thể anh không hài lòng nhưng tôi cũng phải thành thực mà nói là…;

Trả lời:

– Người nói đôi khi phải dùng những cách nói như sau vì:

a) đừng nói leo; đừng nói ngắt lời như thế; đừng nói cái giọng đó với tôi: Cách thông báo người giao tiếp đang vi phạm phương châm lịch sự.

b) nhân tiện đây xin hỏi: Cách bày tỏ muốn hỏi về một chủ đề khác mà không làm cho người đối diện hiểu lầm bản thân vi phạm phương châm quan hệ.

c) cực chẳng đã tôi phải nói; tôi nói điều này có gì không phải anh bỏ qua cho; biết là làm anh không vui, nhưng…; xin lỗi, có thể anh không hài lòng nhưng tôi cũng phải thành thực mà nói là…: Cách thông báo nhẹ nhàng, tránh làm người đối diện mất bình tượng và giúp bản thân không vi phạm phương châm lịch sự.

Câu 5: Giải thích nghĩa của các thành ngữ sau và cho biết mỗi thành ngữ liên quan đến phương châm hội thoại nào: nói băm nói bổ; nói như đấm vào tai; điều nặng tiếng nhẹ; nửa úp nửa mở; mồm loa mép giải; đánh trống lảng; nói như dùi đục chấm mắm cáy.

Trả lời:

– Giải thích nghĩa của cách thành ngữ và cho biết chúng thuộc phương châm hội thoại nào:

+ Nói băm nói bổ: nói xỉa xói, thô bạo, nóng nảy => Phương châm lịch sự.

+ Nói như đấm vào tai: nói những điều khó nghe => Phương châm lịch sự.

+ Điều nặng tiếng nhẹ: nói kiểu trách móc, nặng lời => Phương châm lịch sự.

+ Nửa úp, nửa mở: nói mập mờ, không rõ ràng => Phương châm cách thức.

+ Mồm loa tép nhảy: nói nhiều, nói chen vào lời người khác => Phương châm lịch sự.

+ Đánh trống lảng: nói né tránh, vòng vo chủ đề đang bàn => Phương châm quan hệ.

+ Nói như dùi đục chấm mắm cáy: ăn nói khó nghe, khó ngửi => Phương châm lịch sự.

Trên đây là bài tham khảo nội dung Các phương châm hội thoại (tiếp theo). Em cần luyện tập thường xuyên để có thể sử dụng thành thạo. Từ đó đưa vào vận dụng trong làm văn cũng như đời sống.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *