Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính cho ta cảm nhận những cảm xúc chân thực, mộc mạc, thấm đẫm hồn quê.
Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính chân thật, mộc mạc
Tương tư là một trong những tác phẩm của Nguyễn Bính được lưu truyền rộng rãi. Những vần thơ trong Tương tư còn được khai thác làm đề tài trong thi, ca, nhạc, họa. Vì thế có rất nhiều người đã phân tích bài thơ Tương tư để thấy được cái hồn đẹp đẽ trong đó. Đó là thứ tình cảm chân thực, có phần mộc mạc nhưng lại vô cùng sâu sắc.
Mở bài
Nguyễn Bính (1918 – 1966) là một nhà thơ nổi tiếng trong phong trào thơ mới. Các tác phẩm của ông thường mang màu sắc dân dã, thấm đẫm hồn quê. “Tương tư” là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho màu sắc thơ ca bình dị của Nguyễn Bính. Bài thơ được sáng tác năm 1939 tại Hoàng Mai, và được in trong tập thơ Lỡ bước sang ngang. Tương tự là hội tụ những cung bậc cảm xúc chân thực nhất, gần gũi nhất và cũng là cái nhìn của tác giả về cuộc sống.
Thân bài Phân tích bài thơ Tương tư
- Luận điểm 1: Chàng trai bày tỏ nỗi tương tư của mình
Mở đầu bài thơ, Nguyễn Bính đưa người ta tới những cung bậc cảm xúc gần gũi nhất của tình yêu. Bằng những lời thơ vô cùng mộc mạc, chân thành:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Nắng mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng
Ở đây, tác giả đã sử dụng ngay địa danh để thể hiện nỗi nhớ trong tình yêu. Có lẽ người mà chàng trai đang tương tư ở thôn Đông, còn chàng trai thì đang ở thôn Đoài ngày nhớ đêm mong. Sự ẩn dụ ấy càng làm nổi bật lên vẻ bình dị, chân thật của tình yêu đôi lứa ở vùng đồng quê. Tình yêu mà chàng trai dành cho cô gái chắc hẳn đã rất sâu sắc. Thế nên ở câu tiếp theo, tác giả sử dụng ngay thành ngữ “chín nhớ mười mong” để thể hiện sự háo hức, gấp gáp muốn được gặp người mình yêu.
Nguyễn Bính còn sâu sắc hơn nữa khi mượn chuyện nắng mưa của trời để trải lòng. Tác giả coi “tương tư” là một căn bệnh, đó là căn bệnh rất đỗi bình thường giống như chuyện nắng mưa của trời. Thế nên “tôi yêu nàng” thì phải tương tư thôi. Chỉ vỏn vẹn 4 câu mở đầu ấy thôi, Nguyễn Bính đã khiến người ta muốn tìm hiểu sâu hơn về mối tương tư của chàng trai thôn Đoài và cô nàng thôn Đông.
Trạng thái “tương tư” của chàng trai ngay tức khắc đã chuyển sang những than thở, hờn dỗi. Chàng trai trách cô gái hững hờ, sự hờn dỗi, trách móc ấy xuất phát từ tình yêu sâu sắc.
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành
Nhưng đây cách một đầu đình
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi
Sự hờn trách của chàng trai nghe có vẻ vô lý. Bởi trong tình yêu, thường con trai sẽ là người chủ động. Nhưng ở đây, chàng trai lại là một người bị động, chỉ biết ngồi than trách mà không tự mình đi tìm tình yêu. Có lẽ sự ngược ở đây lại là ý đồ của Nguyễn Bính khi muốn tạo ra một tình huống trữ tình để bày tỏ nỗi niềm. Thế nên, chàng trai mới có thể bộc bạch được nỗi tương tư rõ nét hơn.
Chàng trai trách cô gái sao chẳng thấy sang thăm dù giờ đây “hai thôn chung lại một làng” chỉ cách một đầu đình. Ấy vậy mà thời gian trôi qua, đến nỗi cây đã chuyển từ lá xanh sang lá vàng, từ mùa xuân sang thu vẫn chẳng thấy bóng dáng nàng đâu. Phải chăng không vì do đường xa cách trở mà do tình cách trở. Tâm trạng của chàng trai mang vẻ hờn dỗi, trách móc, nhưng sâu trong tim lại là tình yêu sâu sắc. Bởi có yêu sâu sắc mới có thể có được những cảm xúc tương tư thật đến như vậy.
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho
Bao giờ bến mới gặp đò
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Tâm trạng tương tư của chàng trai thật nhiều cung bậc. Từ trách móc, hờn giận, chàng trai đã chuyển sang những ước vọng xa xôi về tình yêu. Nỗi tương tư của chàng trai trằn trọc bao đêm dài, nhưng chẳng biết tỏ cùng ai bởi “biết cho ai, hỏi ai người biết cho”. Có lẽ nỗi tương tư của chàng trai chỉ có một lời giải duy nhất. Thế nên, chàng trai chỉ chờ đợi “bao giờ bến mới gặp đò” để có thể hóa giải nỗi điềm ấy. Ở đây, Nguyễn Bính đã sử dụng từ ngữ ẩn dụ “bến” và “đò” để miêu tả hình ảnh chàng trai và cô gái trong tình hình. Hình ảnh “bến”, “đò” cũng đã được dùng rất nhiều trong thơ ca Việt Nam khi nhắc tới tình yêu. Tác giả cũng dùng hình ảnh “hoa khuê các”, “bướm giang hồ” để miêu tả chàng và nàng. Có lẽ nàng là tiểu thư khuê các nhà giàu, nên dù chỉ cách nhau một đầu đình, nhưng vì cách trở, vì ngăn cấm nên đã không sang gặp chàng được.
- Luận điểm 2: Phân tích bài thơ Tương tư – Khao khát về hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn
Chính nỗi tương tư ám ảnh suốt bao đêm liền, nó khiến chàng trai phải đặt ra băn khoăn cho mối tình:
Nhà em có một giàn trầu
Nhà anh có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
Ở đây, Nguyễn Bính đã sử dụng hình ảnh “cau” “trầu” để thể hiện khát khao hạnh phúc của chàng trai. “Cau” và “trầu” là hình ảnh gắn liền với tình yêu, “miếng trầu là đầu câu chuyện” để bắt đầu cuộc sống gia đình. Có lẽ chàng trai đang khao khát về một đám cưới, khi hai trái tim về chung một nhà.
Trầu nhà em đã có sẵn, cau nhà anh cũng sẵn sàng. Điều duy nhất còn chờ đợi đó chính là sự công nhận về tình yêu của hai người. Ở đây, tác giả cũng mạnh dạn thay đổi cách xưng hô. Thay vì xưng ngang, giờ đây, tác giả đã gọi thân mật hơn là “anh” và “em”. Sự chuyển biến này chẳng phải chốc lát, có lẽ mối tình của chàng thôn Đoài, nàng thôn Đông đã không còn “tương tư” mà đã trở nên sâu sắc. Giờ đây, chàng trai chỉ muốn giãi bày trực tiếp với cô gái mình thương yêu. Và chàng trai cũng thể hiện rõ tình yêu của mình “thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông”. Đó như sự khẳng định: anh đã trót mang lòng yêu em rồi, còn “cau thôn Đoài ngồi nhớ trầu không thôn nào”?
Tình cảm mà tác giả dành đến cho cô gái thôn Đoài vô cùng chân thành, nhưng không kém phần mãnh liệt. Dù bày tỏ tình yêu một cách trực tiếp nhưng lại vô cùng tế nhị đủ để thấy tình yêu mà chàng trai dành đến cho cô gái sâu sắc thế nào. Tình cảm của chàng trai là thật, nhưng chàng trai cũng không ép buộc cô gái phải trả lời ngay mà rất nhẹ nhàng để cô gái có thể tự bày tỏ lòng mình.
Lời kết
Bằng những từ ngữ gần gũi, Nguyễn Bính đã cho người đọc cảm nhận sâu sắc tâm trạng tương tư của một chàng trai quê. Đó là tình cảm chân thành bắt nguồn từ sâu con tim. Tình yêu của chàng trai quê ấy được hòa quyện với cảnh quê, mối duyên quê tạo nên sự đồng điệu, ấn tượng.
Tương tư chính là một tác phẩm ghi đậm phong cách thơ Nguyễn Bính. Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng lại mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc nhất. Phân tích bài thơ Tương tư ta thấy được sự tinh tế của Nguyễn Bính trong việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, so sánh vô cùng đặc biệt. Có lẽ bởi vậy Tương tư của Nguyễn Bính trở thành lời tỏ tình quốc dân được sử dụng qua bao thế hệ.