Đoạn trích đã được xây dựng bằng tình huống xung đột kịch tính từ đó chứa đầy sự hồi hộp, hấp dẫn người đọc. Tính cách nhân vật như thế nào và tình huynh đệ giữa họ khắng khít ra sao có lẽ khi phân tích bài Hồi trống cổ thành xong chúng ta đều đã hiểu được.
Bạn đang đọc: Phân tích bài Hồi trống cổ thành kịch tính, hấp dẫn,
Trong nền văn học thời Minh – Thanh ở Trung Quốc, có thể nói tiểu thuyết chương hồi là thể loại đạt được nhiều thành tựu nổi bật nhất. Có những đóng góp xuất sắc vào thời kỳ này là La Quán Trung, đặc biệt với tác phẩm nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa, kể về tình nghĩa anh em, quân thần vào thời điểm lúc bấy giờ, trong đó Hồi trống cổ thành là một trong những trường đoạn hay, để lại cho người đọc nhiều suy ngẫm. Phân tích bài Hồi trống cổ thành để hiểu rõ phẩm chất của những vị anh hùng và tình nghĩa huynh đệ sâu đậm giữa họ.
La Quán Trung tên thật là La Bản, ông sống vào thời đại mà mâu thuẫn giai cấp và mâu thuẫn dân tộc diễn ra cực kỳ gay gắt và phức tạp. Mang tư tưởng Nho giáo và tôn thờ tinh thần trung quân ái quốc, ông mong muốn có thể làm điều gì đó cho chính trị nhưng không thực hiện được thế nên đành gửi gắm tất cả vào những tác phẩm của mình, qua đó phản ánh bản chất của cái xã hội “dân đen chết đói nơi thôn xóm, anh tài mai một trong rừng sâu, người trung lương chết oan dưới gươm giáo…”. Hồi trống cổ thành là đoạn trích thuộc hồi thứ hai mươi tám của Tam quốc diễn nghĩa, kể về việc Quan Công đưa hai chị dâu của mình đến Cổ Thành thì được tin Trương Phi đang ở đây nên vô cùng mừng rỡ, sai Tôn Càn báo tin để Trương Phi ra đón hai chị. Thế nhưng vì hiểu lầm Quan Công phản bội theo giặc mà Trương Phi không chần chừ lao vào tấn công Quan Công. Đang trong lúc phân trần cho Trương Phi hiểu thì quân Tào kéo đến, làm mâu thuẫn giữa hai anh em lên đến đỉnh điểm, để chứng tỏ sự trong sạch của mình, Quan Công đã lấy đầu tên tướng cầm đầu quân Tào là Sái Dương, sự tình được làm rõ, Trương Phi tạ lỗi với Quan Công và “mời hai chị vào thành”.
- Luận điểm 1: Trương Phi và sự hiểu lầm đối với Quan Công
Lưu Bị, Trương Phi, Quan Công là ba anh em kết nghĩa, từng thề sống chết có nhau, cùng chung chí hướng khôi phục lại nhà Hán, cống hiến sức mình với mong muốn đất nước được thái bình, nhân dân có thể sống trong yên ấm vì vậy nếu có người phản bội lại lời thề ấy thì đó là kẻ bất trung với nước, bất nghĩa với huynh đệ. Trước đó cả ba người họ đều nương náu dưới trướng của Tào Tháo nhưng khi nhận ra bản chất gian hùng của hắn ta, họ đã bỏ đi, tìm cho mình một con đường quang minh chính đại mà bảo vệ nhân dân. Bước vào đoạn trích, khi nghe xong lời của Tôn Càn, Trương Phi chẳng nói chẳng rằng lập tức mặc áo giáp, vác mâu lên ngựa, hùng hổ dẫn một nghìn quân đi tắt ra cửa Bắc. Hành động này của Trương Phi là bột phát, rõ ràng là đang trong tâm thế chiến đấu với kẻ thù chứ chẳng phải đón tiếp huynh đệ. Khi chạm mặt Quan Công trước cổng Cổ Thành, Trương Phi “mắt trợn tròn xoe, râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm, múa xà mâu chạy lại đâm Quan Công”. Quan Công có lẽ dù tưởng tượng cách mấy cũng không ngờ cảnh hội ngộ người huynh đệ kết nghĩa vườn đào năm xưa sẽ như thế này.
Trương Phi tiếp tục “hầm hầm quát” vào người đối diện: “Mày đã bội nghĩa, còn mặt nào đến gặp tao nữa?” sau đó ngay lập tức lao vào Quan Công, quyết chiến một trận sống còn. Mặc dù Quan Công ra sức giải bày và My phu nhân, Cam phu nhân, Tôn Càn can ngăn nhưng Trương Phi không nghe bất cứ ai, không những xưng hô tao – mày với Quan Công, ông còn gọi người huynh đệ của mình là “nó”, là “thằng phụ nghĩa”. Nguyên nhân cho thái độ và hành động này của Trương Phi là vì ông đã hiểu lầm, tưởng Quan Công đã đầu hàng và theo phe giặc, phản bội lại mình, phản bội lại lời thề trung nghĩa năm xưa. Qua đây, La Quán Trung đã cho người đọc thấy rằng Trương Phi là con người thẳng thắn, cứng cỏi, không bao giờ dung thứ cho kẻ hai lòng. Quan điểm, sự dứt khoát của Trương Phi thể hiện rất rõ ràng qua lời ông nói “Hai chị bị lừa dối đấy. Trung thần thà chịu chết chứ không chịu nhục. Có lẽ đâu đại trượng phu lại thờ hai chủ?” Đối với một người như Trương Phi, đã là bậc bề tôi đi theo vua thì quyết trung thành với vua, thà chết chứ không bao giờ chịu đầu hàng, đi theo kẻ thù. Trước một Trương Phi bộc trực, nóng nảy, hừng hực như lửa đốt như vậy, mọi hành động, lời lẽ của Quan Công làm cho người đọc hết sức khâm phục và yên lòng. Đầu tiên khi gặp được Trương Phi, ông “mừng rỡ vô cùng, giao long đao cho Châu Thương cầm, tế ngựa lại đón”. Nếu là người dễ mất bình tĩnh, có lẽ khi nghe Trương Phi gọi mình là “mày”, “thằng”, “nó”, bị Trương Phi múa mâu vào người, Quan Công đã vào trận chiến với Trương Phi thế nhưng ông vẫn giữ cách xử sự đúng mực, độ lượng, vẫn gọi Trương Phi là “em”, là “hiền đệ”. Ông bình tĩnh “tránh mũi mâu” của người anh em mình, nhờ hai chị dâu giải thích hộ.
- Luận điểm 2: Sự xuất hiện của Sái Dương làm hiềm nghi được hóa giải, anh em đoàn tụ
Khi mâu thuẫn giữa hai anh em chưa có dấu hiệu giảm nhiệt thì quân Tào Tháo do Sái Dương cầm đầu “vác đao tế ngựa xông đến”, làm cho cơn đại hồng thủy của Trương Phi lên đến đỉnh điểm, trở nên cuồng nộ hơn bao giờ hết. Với suy nghĩ Quan Công đem quân đến bắt mình, Trương Phi càng thêm tức giận, thù hằn, tiếp tục “múa bát xà mâu hăm hở xông lại đâm Quan Công”. Trước tình hình gay go sắp không thể cứu vãn được như thế, Quan Công nói với Trương Phi hãy để bản thân ông giết Sái Dương, chứng minh cho sự trong sạch của mình, nghe xong Trương Phi ra điều kiện “Nếu mày quả có lòng thực, ta đánh ba hồi trống, mày phải chém được tên tướng ấy”, đây chính là thái độ kiên quyết, dứt khoát của con người ngay thẳng và cũng như Trương Phi, Quan Công không ngần ngại chấp nhận thử thách. Khi chưa dứt hồi trống sinh tử đầu tiên “đầu Sái Dương đã lăn dưới đất”, mất tướng quân Tào như rắn mất đầu, chạy tan tác khắp nơi thế nhưng kết quả này cũng chưa làm Trương Phi có lại niềm tin lúc trước. Chỉ đến khi nghe một tên lính kể lại đầu đuôi sự tình rằng Sái Dương khi biết được Quan Công giết cháu ngoại của mình liền muốn sang Hà Bắc đánh Quan Công nhưng bị Tào Tháo ngăn cản, “nhân sai Nhữ Nam đánh Lưu Tích”, không ngờ đi đến Cổ Thành thì lại gặp Quan Công ở đó. Lúc bấy giờ Trương Phi nhận ra mình đã hiểu lầm huynh đệ, về sau khi nghe hai chị kể về những chuyện Quan Công đã làm, đã trải qua, ông “rỏ nước mắt khóc, thụp lạy Vân Trường”. Việc xuất hiện của Sái Dương đã đẩy mâu thuẫn giữa hai anh em lên đến cao trào nhưng đồng thời cũng chính là sự mở nút minh oan cho Quan Công, hơn thế qua đó phẩm chất của hai vị anh hùng đã được bộc lộ rõ nét.
Trương Phi tuy hấp tấp, nóng nảy nhưng là người thẳng thắn, dứt khoát, cương trực, bên cạnh đó còn là một người giàu tình cảm, phục thiện, khôn ngoan và trọng lẽ phải. Giống nhau ở chỗ đều là người trung nghĩa nhưng Quan Công khác Trương Phi ở chỗ ông bình tĩnh hơn, từ tốn và độ lượng. Cả hai đều là mẫu anh hùng lý tưởng mà La Quán Trung hướng đến.
Đoạn trích đã được xây dựng bằng tình huống xung đột kịch tính từ đó chứa đầy sự hồi hộp, hấp dẫn người đọc. Tính cách nhân vật như thế nào và tình huynh đệ giữa họ khắng khít ra sao có lẽ khi phân tích bài Hồi trống cổ thành xong chúng ta đều đã hiểu được. Tìm hiểu tác phẩm, ta còn biết được lý do mà Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung có ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.