Phân tích “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật

Phân tích tiểu đội xe không kính để thấy sự khốc liệt của cuộc chiến chống Mỹ và tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của những người lính.

Bạn đang đọc: Phân tích “Tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật

Phân tích tiểu đội xe không kính chi tiết

Mở bài

Nhà thơ Phạm Tiến Duật là một nhà thơ lớn, trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với nhiều sáng tác tiêu biểu. Trong đó chùm thơ: “Bài thơ tiểu đội xe không kính”, “Nhớ”, “Gửi em cô gái thanh niên xung phong” của ông đã đạt giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969.

“Bài thơ tiểu đội xe không kính” được sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn cả dân tộc đang sục sôi khí thế xẻ dọc Trường Sơn cứu nước. Những đoàn quân nối nhau ra tiền tuyến và Phạm Tiến Duật cũng hiện diện trong đội ngũ đó. 

“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” mang âm điệu sống động, tự nhiên, táo bạo và rất độc đáo. Bài thơ được xem là tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Phạm Tiến Duật. Phân tích tiểu đội xe không kính ta sẽ thầy, qua bài thơ, Phạm Tiến Duật muốn ca ngợi tinh thần dũng cảm, dám đương đầu với khó khăn, tư thế chiến đấu hiên ngang cũng như nhiệt huyết tuổi trẻ của các chiến sĩ đang hướng về miền Nam ruột thịt.

Thân bài Phân tích tiểu đội xe không kính

Trên đường ra chiến tuyến, Phạm Tiến Duật đã quan sát và ghi lại những hình ảnh ấn tượng nơi Trường Sơn khói lửa. Và dù hình ảnh những chiếc xe không kính được dùng làm nhan đề bài thơ, những hình ảnh mà tác giả muốn khắc họa là chân dung những người chiến sĩ lái xe. Vì vậy, khi phân tích tiểu đội xe không kính, ta cần làm rõ nét hai hình ảnh chính của bài thơ là hình ảnh những chiếc xe không kính và hình ảnh những người lính.

  • Luận điểm 1: Những chiếc xe không kính vì “bom giật, bom rung”

Có thể nói, những chiếc xe không kính đã tạo nên nét riêng biệt, độc đáo cho bài thơ của Phạm Tiến Duật. Những chiếc xe ô tô vận tải ấy, dù không còn kính chắn gió vẫn băng băng ra trận. Và bên trong cái vỏ ngoài không hoàn thiện của chiếc xe, là những người lính sáng ngời tình yêu đất nước, niềm tin chiến đấu và kinh nghiệm dày dặn của những người lính dù tuổi đời còn rất trẻ.

Bài thơ mở đầu thật bất ngờ và ấn tượng. Câu thơ đầu cũng là lời giải thích tự nhiên, giản dị cho việc vì sao chiếc xe không có kính: 

Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi

Lý do thật quá rõ ràng. Không phải vì xe vốn không có kính mà kính xe đã bị những trận bom Mỹ ác liệt làm cho vỡ, cho rụng rơi hết rồi. Chỉ một câu thơ đơn sơ, nhưng lại có sức gợi rất lớn, giúp người đọc dễ dàng hiểu ra rằng, chiến trường Trường Sơn đã nguy hiểm, khốc liệt ra sao và những chiếc xe này đã phải trải qua gian khổ thế nào trên đường ra chiến trận. Cái hay ở đây là ở việc, giới thiệu về chiếc xe nhưng đồng thời cũng thời hình ảnh của chủ nhân chiếc xe, của những người lính trẻ cũng đang dần hiện ra.

  •  Luận điểm 2: Hình ảnh người lính lái xe với tư thế hiên ngang, lạc quan, tươi trẻ

Chiếc xe không cánh là hình ảnh thực nhưng đồng thời cũng là cái cớ như để độc giả dần dần bước vào cuộc sống nơi chiến trường của những người lính.

Và từ câu thơ thứ ba trở đi, hình ảnh người chiến sĩ lái xe trở thành nhân vật chính. Những chiếc xe không kính lúc này là cái nền làm nổi bật phẩm cách cao đẹp của họ. Khi xe lăn bánh, cuộc đời của những người lính cũng đang “lăn” theo. Lúc này, sự sống và cái chết chỉ cách nhau vài giây, cách nhau trong gang tấc. Nhưng những người lính trẻ vẫn giữ niềm lạc quan, sự tự tin và tư thế hiên ngang của những người đang đi theo lẽ phải:

Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Câu thơ với tình từ “ung dung” ở đầu câu nhằm nhấn mạnh tư thế chủ động, lạc quan của người lính. Họ nhìn trời, nhìn đất với sự tự tin của người làm chủ cục diện, không run sợ trước hiểm nguy. Và tinh thần ấy xuất phát từ niềm tin tất thắng về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, về tình yêu mến dành cho miền Nam, là chân lý “Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ“. 

Có lẽ chỉ những ai đã từng đặt trên đến chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ mới hiểu thấu những gian khổ, nguy hiểm rình rập mỗi phút giây những người lính lái xe. Đường Trường Sơn nổi tiếng gập ghềnh, hiểm trở. Mùa mưa thì mưa như thác đổ, mùa khô thì bụi phủ kín bầu trời. Còn những ngày trời quang mây tạnh, giặc Mỹ lại liên tục trút bom. Với những khó khăn này, xe có kính đã nguy hiểm làm sao, những chiếc xe không có kính lại thêm phần rủi ro. Nhưng trong hoàn cảnh ấy, với tinh thần lạc quan của người lính, tác giả đã viết nên những câu thơ thật đẹp với bút pháp lãng mạn.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa như ùa vào buồng lái.

Băng băng ra trận trên một chiếc xe không kính được nhà thơ ghi lại thật sinh động. Xe không có kính, gió lùa vào buồng lái khiến người lính tưởng như nhìn được thấy gió. Khi gió làm cay đến chảy nước mắt, nhưng người lính nói gió vào xoa mắt đắng. Thật hóm hỉnh và cũng thật duyên dáng. 

Phân tích tiểu đội xe không kính ta hiểu rằng, điều dũng cảm hơn, ngạo nghễ hơn là khi những người lính thích nghi với hoàn cảnh xe không kính những người đang gần gũi, giao hòa với tự nhiên. Họ thấy sao trời ban đêm, những cánh chim ban ngày như ùa vào buồng lái. Rồi khi xe lao về phía trước, con đường Trường Sơn dài tít tắp bị bỏ lại phía sau, người lính lại như thấy “con đường chạy thẳng vào tim”. Không chỉ tả thực, câu thơ còn mang ý nghĩa tượng trưng, rằng con đường đến với chiến trường miền Nam là nơi mà trái tim người lính hướng tới, là đích đến của trái tim người lính.

Nhưng dù lạc quan tới đâu cũng cần nhìn vào thực tế, vì vậy tác giả trực tiếp diễn tả vào nỗi gian nan, vất vả mà người lính phải trải qua:

Không có kính, ừ thì có bụi,

Bụi phun tóc trắng như người già

Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc

Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo

Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời

Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa

Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Đoạn thơ tả thực từng chi tiết, từng hình ảnh, lời thơ như lợi tự sự, lời kể giản dị, chân thật. 

Hai đoạn thơ tả thực đến từng chi tiết, từng hình ảnh và thật cả trong cách diễn tả. Câu thơ đậm chất văn xuôi, mộc mạc như lời nói thường ngày. Xe không có kính thì tất nhiên bụi sẽ sẽ bám đầy, tóc đen thành tóc trắng như người già. Xe không kính thì sao tránh được mưa tuôn. Nhưng rồi lái trăm cây số nữa, áo sẽ lại khô thôi. Tinh thần lạc quan ấy, thật đáng khâm phục làm sao. Gian khổ là thế, hiểm nguy là thế, nhưng những người lính không quên “phì phèo châm điếu thuốc” rồi “nhìn nhau mặt lấm cười haha”

Phân tích tiểu đội xe không kính mới thấy, điều đáng quý hơn cả là trong gian lao, trong khói lửa chiến tranh, tình đồng chí, đồng đội trở nên gắn bó máu thịt, thiêng liêng hơn bao giờ hết. Thiếu thốn vật chất được an ủi, được thay thế bởi tình yêu thương đồng đội nồng ấm: 

Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời

Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy

Võng mắc chông chênh đường xe chạy

Lại đi, lại đi trời xanh thêm.

Mọi khó khăn lúc này có xá gì, nó chỉ là cái cớ để những người chiến sĩ tụ họp để trở thành tiểu đội xe không kính. Tụ họp để cùng chiến đấu vì miền Nam thân yêu, vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Tình đồng chí thiêng liêng ấy dường như không ngôn từ nào diễn tả hết. Họ đã cùng nhau ăn những bữa cơm nấu vội, cùng ngủ chập chờn trên chiếc võng chông chênh gập ghềnh đường xe chạy. Nhưng có lẽ, chỉ Phạm Tiến Duật mới nhìn ra được cái độc đáo, thú vị giữa gian lao, nguy hiểm; khi mà những chiếc xe không kính tưởng nguy hiểm làm sao lại trở nên tiện lợi khi những người lính gặp nhau trên đường ra mặt trận:

Gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới

Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi.

Có khó khăn nào ngăn được tinh thần chiến đấu đang rực cháy, ngăn được tình yêu thương đồng đội và có lẽ cũng không gì làm mất đi sự lạc quan, bay bổng của những người lính. Họ gặp nhau trên đường, bắt tay nhau qua cửa kính đã vỡ, hỏi thăm nhau đôi chút rồi lại lên đường. Niềm tin chiến thắng đang ở gần, đi một đoạn đường là đến gần hơn với sự đoàn tụ.

Và Phạm Tiến Duật đã kết bài thơ bằng những hình ảnh thật đẹp, những tâm hồn thật đẹp, hiện thực và lãng mãn hòa quyện với nhau: 

Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Để thắng lợi phải trải qua nhiều gian nan và càng gần chiến thắng, thách thức càng cam go. Bởi vậy xe không có kính rồi lại không đèn, không mui và đến thùng xe cũng xước hết cả vì bom đạn của giặc. Nhưng quan trọng hơn, lòng yêu nước, thương mến đồng bào mãnh liệt khiến những khó khăn, những điều “không có” trở thành động lực to lớn để người lính tiến về phía trước. Và dù chiếc xe đã bị bom đánh tan tành, không còn nhiều thứ để che chở cho người lính, điều quan trọng hơn cả là Chỉ cần trong xe có một trái tim thì mọi gian lao không phải là trở ngại.

Kết luận

Sau khi phân tích tiểu đội xe không kính có thể khẳng định rằng, tinh thần dũng cảm, lạc quan, nhiệt huyết của những chiến sĩ lái xe giữa cuộc chiến khốc liệt trong thơ Phạm Tiến Duật thật xứng đáng đại diện cho chủ nghĩa anh hùng của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mỹ.

Bài thơ nhưng được viết như lời tự sự, phản ánh hiện thực nghiệt ngã nhưng không quên thể hiện vẻ đẹp trữ tình lãng mạn của hình tượng nhân vật người lính.

>> Xem thêm: Phân tích bài Chí phèo của nhà văn hiện thực Nam Cao

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *