Phân tích vợ chồng A Phủ để thấy được tài năng của Tô Hoài khi xây dựng thành công nhân vật và vạch rõ những hố đen của cuộc sống.
Bạn đang đọc: Phân tích vợ chồng A Phủ chi tiết nhất
Đã có nhiều bài phân tích vợ chồng A Phủ, mỗi bài là một góc tiếp cận khác nhau. Nhưng dù là tiếp cận theo hướng nào đi chăng nữa thì hình ảnh nhân vật Mị và A Phủ cũng hiện ra rõ nét. Cùng với đó là những cái nhìn thực tế của Tô Hoài với cuộc sống. Dường như ông muốn mở ra một cuộc sống tự do, hạnh phúc cho những con người nghèo khổ ấy.
Mở bài phân tích vợ chồng A Phủ
Tô Hoài (1920 – 2014) là một nhà văn lỗi lạc của nền văn học Việt Nam. Ông đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam rất nhiều giá trị to lớn, trong đó là gần 200 đầu sách nhiều thể loại. Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm nổi bật của Tô Hoài. Tác phẩm được sáng tác năm 1952 và in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Vợ chồng A Phủ là câu chuyện khắc họa cuộc sống của người dân lao động vùng núi Tây Bắc – những người sống dưới ánh thống trị của bọn thực dân, chúa đất. Thế nhưng, những con người ấy không cam chịu sự kìm hãm trong cuộc sống tối tăm, họ vùng lên phản kháng để đi tìm ánh sáng cuộc sống.
Thân bài
- Luận điểm 1: Phân tích vợ chồng A Phủ – xuất thân của Mị và A Phủ
Mị và A Phủ là những nhân vật trung tâm được Tô Hoài khắc họa rõ nét. Họ là đại diện cho tầng lớp người lao động nghèo, không có tiếng nói, sống cuộc sống cùng cực ở vùng núi Tây Bắc. Mị là cô gái dân tộc Mông xinh đẹp, giỏi dang. Cô gái ấy chất chứa trong lòng biết bao tâm tư, tình cảm và khát vọng tự do. Ấy thế nhưng vì gia đình quá nghè, cô đã phải làm dâu gạt nợ cho nhà Thống lí Pá Tra.
Khát vọng được sống cuộc đời tự do của Mị được tác giả thể hiện ngay trong hội thoại giữa cô và bố khi biết tin bố sẽ bán mình cho nhà Thống lí “Con đã biết cuốc nương làm ngô, còn làm nương ngô trả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Dường như trong lòng Mị đã có một sự thức tỉnh. Mị biết chỉ cần gả cho nhà Thống lí thôi, cuộc đời Mị sẽ rơi vào tăm tối.
A Phủ cũng có hoàn cảnh chẳng khác gì Mị. Là một chàng trai dân tộc Mông, sức vóc khỏe mạnh, A Phủ mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp. Chàng trai ấy một mình học hỏi đủ thứ nghề để kiếm sống “A Phủ đã lớn, biết đúc lưỡi cày, biết đục cuốc, lại cày giỏi và đi săn bò tót rất bạo”. Thế rồi bị bắt vạ mà phải làm người ở trừ nợ cho nhà quan thống lí.
- Luận điểm 2: Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mạnh mẽ của Mị
Mị là một cô gái trẻ trung đang căng tràn sức sống, cô có tài thổi sáo và làm gì cũng giỏi. Cô gái ấy cũng có những khao khát về tình yêu, khi nghe tiếng gõ vách hẹn của người yêu “Mị hồi hộp”. Đó là cảm giác rất chân thật của một cô gái khao khát yêu đương. Tô Hoài còn khắc họa Mị trong hình ảnh một người con hiếu thảo, chăm chỉ. Trong lòng cô luôn thức tỉnh giá trị cuộc sống tự do, nên cô không muốn ràng buộc, mà ngày ngày chăm chỉ, sẵn sàng làm nương ngô để trả nợ thay bố. Nhưng cô gái bé nhỏ ấy chẳng thể nào chống lại được cả cường quyền và thần quyền.
Khi trở thành con dâu nhà thống lý, Mị cũng đã có những phản kháng để thể hiện mong muốn và khát khao thoát ra khỏi cuộc sống ấy. Mị phản kháng bằng cách khóc “có đến mấy tháng, đêm nào Mị cũng khóc”. Có lúc cô còn nắm lá ngón trong tay định tự tử. Nhưng, có lẽ lòng hiếu thảo, sự yêu thương gia đình đã khiến Mị từ bỏ ý định. Mị không đành lòng chết. Mị chết thì bố Mị còn khổ hơn bao nhiêu lần bấy giờ”. Thế rồi, Mị lại trở về địa ngục tăm tối nhà thống lý.
Nhưng cuộc sống kìm kẹp, khổ cực ấy đã khiến Mị trở nên chai sạn, không còn cảm xúc. Ngay cả khi bố Mị chết, Mị không còn nghĩ đến cái chết nữa, bởi “ở lâu trong cái khổ, Mị cũng quen khổ rồi”. Hình ảnh Mị được Tô Hoài khắc họa chân thực một cách xót xa. Từ một cô gái vốn vui vẻ, yêu đời giờ đây Mị “như con trâu, con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết đi làm mà thôi”. Những khát khao, hoài bão của cô trước đấy dường như cũng đã tan biến. Ở đây, Tô Hoài đã sử dụng biện pháp so sánh để cho người đọc thấy được nỗi khổ đến cùng cực của Mị.
“Mỗi ngày Mị không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Cuộc sống của Mị ngày càng tăm tối đến mức, ở buồng cô ở chỉ “có một chiếc cửa sổ là một lỗ vuông bằng bàn tay. Hình ảnh ấy chính là hiện thực nghiệt ngã nhất. Cái nơi cho một cô gái sống lại chẳng khác nào nấm mồ chôn vùi thanh xuân, tuổi trẻ. Tác giả đã cho người đọc thấy được hiện thực đương thời thối nát một cách rõ nét nhất. Nhưng cái lỗ vuông ánh sáng đấy có lẽ cũng là tia hy vọng cho Mị, cho cuộc sống của Mị. Cô đã phải chịu những đau khổ về thể xác và cả tinh thần. Thế nên chưa bao giờ người ta thấy Mị cười kể từ ngày về nhà thống lý, họ chỉ thấy một cô gái “lúc nào cũng cúi mặt, buồn rười rượi”.
Dù cuộc sống khắc nghiệt, nhưng dường như bên trong Mị vẫn âm ỉ sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Sức sống ấy dường như đã được đánh thức vào đêm tình mùa xuân. Những âm thanh của ngày xuân, tiếng trẻ con chơi quay, tiếng sáo gọi bạn tình,… đã làm Mị thức tỉnh. Mị đã ý thức được sự tồn tại của bản thân, vậy nên “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm tết ngày trước. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Khao khát tự do trong lòng Mị đã được thắp sáng lên. Dường như đó còn là khao khát được chấm dứt sự tù đày.
Ngay cả khi bị A Sử trói Mị vào cột nhà, Mị vẫn muốn vùng bước đi. Thay vì lầm lũi một mình trong góc nhà, giờ đây Mị muốn được là Mị của những năm trước, được đi chơi. Giờ đây, khát khao được sống, khát khao tự do đã bùng lên trong tâm hồn Mị. Thế nên khi bị A Sử tró cả đêm, khi tỉnh dậy “Mị sợ quá, Mị cựa quậy xem mình còn sống hay đã chết”. Giờ đây Mị sợ cái chết, sợ không có cơ hội để sống cuộc sống tự do nữa.
Dù vẫn là cái xác không hồn, nhưng giờ đây trong Mị vẫn âm ỉ cháy những khát khao. Chỉ chực chờ có cơ hội, sự âm ỉ trong lòng Mị sẽ bùng lên thành ngọn lửa lớn. Và khi nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen” của A Phủ, Mị đã nhớ về mình cũng những ngày trước.
Có lẽ, giọt nước mắt của A Phủ là mồi lửa nhóm lên trong lòng Mị. Để rồi dân tới hành động “Mị rón rén bước lại, rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”. Dường như hành động giải thoát cho A Phủ cũng chính là khát khao trong lòng Mị. Cô muốn thoát khỏi cuộc sống này, muốn được tự do. Thế nên, khi A Phủ chạy đi, “Mị đứng lặng trong bóng tối. Trời tối lắm. Mị vẫn băng đi.” Giây phút ấy Mị đã quyết định phải tự giải thoát cho bản thân khỏi sự cầm tù này. Đó chính là khát khao cháy bỏng của Mị, cũng là khát khao của những người dân bị đọa đày lúc bấy giờ.
Chẳng ai có thể nghĩ được người con gái mỏng manh, phải chịu đựng bao sự đọa đày cả thể xác lẫn tinh thần lại có thể mạnh mẽ đến vậy. Sức mạnh trong Mị vốn đã có sẵn và cơ hội để sức mạnh đó trỗi dậy chính là mối lương duyên khi gặp A Phủ. Mị đã đạp đổ cường quyền, thần quyền của bè lũ thống trị để vươn lên tìm hạnh phúc cho mình.
- Luận điểm 3: Sức sống và khát vọng mãnh liệt của A Phủ
Số phận của A Phủ được Tô Hoài khắc họa bằng những hình ảnh đau thương. A Phủ là một chàng trai mô côi cha mẹ, là người còn sót lại cuối cùng của làng Hằng Bìa sau một trận bệnh đậu mùa. Mặc dù một thân một mình nhưng chàng trai người Mông ấy không khuất phục trước số phận, chàng đi làm thuê từ mùa này sang mùa khác. Đặc biệt A Phủ luôn ham học hỏi, thế nên biết làm nhiều việc. Vừa khỏe mạnh, tháo vát nên “con gái trong làng nhiều cô mê”. Nhưng vì không có bố mẹ, không có ruộng, không có bạc nên việc mơ về hạnh phúc gia đình với A Phủ là rất xa vời.
Vì một trận đánh nhau ở Hồng Ngài, đánh con quan và thua trong vụ xử kiện nên A Phủ đã phải gạt nợ cho nhà thống lý. Mặc dù biết A Sử là con quan, nhưng A Phủ vẫn đánh cho thấy chàng là người bất bình trước những bất công của xã hội. Ở đây, Tô Hoài đã làm rõ tình cảnh đáng thương của những người dân đen “thấp cổ bé họng”. Vì không có bạc, không có quyền nên bị đàn áp, ức hiếp một cách công khai.
Khi trở thành người ở nhà thống lý, A Phủ đã chịu nhiều sự đọa đày về mặt thể chất mà tinh thần. Chàng trai ấy bị kìm kẹp, phải làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, săn bò tót, đốt rừng, cày nương. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự tự do của A Phủ giờ đây đã không còn nữa.
Đặc biệt, Tô Hoài còn khắc họa A Phủ là một người không có giá trị, không được coi trọng. A Phủ bị xem không bằng một con bò. Thế nên khi làm để hổ ăn mất bò, A Phủ đã bị trói đứng “bao giờ chúng nó bắn được con hổ về thì mày khỏi phải chết. Nếu không được con hổ thì tao cho mày đứng chết ở đấy”. Dường như ở đây, con người không được xem là con người nữa, họ chỉ như những con vật được nuôi trong nhà. Qua đó ta thấy được sự hà khắc, thiếu tính người của bọn thống lý – đại diện cho giai cấp thống trị lúc bấy giờ.
Cũng như Mị, sống trong sự kìm kẹp của ách thống trị ấy, nhưng A Phủ vẫn khát khao được tự do. Thế nên, khi được Mị cắt dây trói, “trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy”. Đó là sự thức tỉnh và chớp cơ hội để đến với ánh sáng cuộc đời.
Lời kết
Bằng ngòi bút sâu sắc, cái nhìn tinh tế, Tô Hoài đã xây dựng Mị và A Phủ là đại diện cho một tầng lớp thống khổ dưới ách áp bức của cường quyền và thần quyền. Trong những con người ấy luôn ấp ủ những khát vọng vươn lên, thay đổi cuộc đời. Và cuộc chạy trốn của Mị, A Phủ chính là để kiếm tìm ánh sáng cuộc đời.
Vợ chồng A Phủ chính là sự kết tinh hoàn hảo của giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo mà Tô Hoài đã xây dựng. Tác phẩm là tiếng nói lên án chế độ phong kiến miền núi hà khắc, áp bức và bóc lột quyền được sống, được hạnh phúc của con người. Đồng thời, qua đó Tô Hoài cũng cảm thương cho số phận của những người lao động nghèo ở tận cùng của xã hội. Họ bị tước bỏ mọi quyền làm người, bị hành hạ đến cùng cực. Nhưng sâu bên trong tâm hồn của những con người ấy chính là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt.