Phân tích Thu điếu của Nguyễn Khuyến chuẩn từng luận điểm

Phân tích Thu điếu ta thấy được bức tranh thiên nhiên mùa thu ở đồng bằng Bắc Bộ chân thực, rõ nét dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Khuyến.

Bạn đang đọc: Phân tích Thu điếu của Nguyễn Khuyến chuẩn từng luận điểm

Mở bài

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) là một nhà thơ lớn của nền văn học trung đại. Với cốt cách thanh cao, yêu nước, thương dân, nên các tác phẩm của ông mang đậm dấu ấn cá nhân. Thu điếu nằm trong chùm 3 bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến. Bài thơ miêu tả chân thực nét đẹp mùa thu tĩnh lặng nơi làng quê xưa. Phân tích Thu điếu ta thấy được vẻ đẹp buồn, cô đơn của một nhà nho nặng tình với quê hương. 

Cũng như Thu ẩm, Thu vịnh, Thu điếu được viết vào khoảng thời gian sau khi Nguyễn Khuyến từ quan về quê nhà. Bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật. Với ngôn ngữ tinh tế, cảnh thu, trời thu của làng quê Việt Nam được hiện lên đẹp đẽ vô cùng. 

Thu điếu nằm trong chùm 3 bài thơ thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến

Thân bài phân tích Thu điếu

  • Luận điểm 1 – Phân tích Thu điếu: Cảnh mùa thu ở vùng quê Bắc bộ

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Khuyến đã đưa người đọc đi ngay vào cảnh sắc mùa thu ở đồng quê Việt Nam. Dường như toàn bộ cảnh vật đều đã được bao trùm bởi sắc thu. Ngay cả chiếc ao thu cũng chuyển sang làn nước trong veo đến mức có thể nhìn thấy rong rêu tận đáy. Ở đó khí thu tỏa ra lạnh lẽo đến giật mình. 

Ở  hai cầu đề này, tác giả miêu tả cảnh sắc thu phân, thu mạt chứ không còn là cái se lạnh đầu thu nữa. Một không gian bé nhỏ được mở ra trong hình ảnh của chiếc thuyền câu “bé tẻo teo”. Dường như trong không gian thu ấy, chiếc thuyền trở nên nhỏ bé tới mức chẳng thể nhận ra thể hiện sự hun hút của cảnh vật. Đó có lẽ là một cảnh sắc thu đẹp và êm đềm. 

Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,

Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo

Trong hai câu thực này, Nguyễn Khuyến đã vẽ ra một không gian hai chiều tinh tế. Ở đây, tác giả dùng những cặp từ ngữ đối xứng để vẽ nên bức tranh quê đơn sơ và thấm đượm giá trị nghệ thuật. Những cụm đối được sử dụng như “sóng biếc” với “lá vàng”, lá bay trước gió với tốc độ “vèo” trong khi sóng chỉ “hơi gợn tí”. Bằng sự đối lập, tác giả đưa người đọc vào bức tranh thu càng sống động hơn. Qua đó ta thấy được sự tinh tế của Nguyễn Khuyến trong việc dùng từ và cảm nhận. 

Cảnh vật trong bức tranh thu được đặc tả rõ nét

Đến hai câu luận, nét thu càng được miêu tả rõ nét hơn. Dường như ở đây tác giả muốn người đọc phải sử dụng hết tất cả giác quan để cảm nhận cái không khí thu ấy:

Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

Bức tranh thu ở đây đã được Nguyễn Khuyến vẽ với chiều sâu thăm thẳm của bầu trời “xanh ngắt”. Thay vì bầu trời xám đặc trưng của mùa thu, Nguyễn Khuyến lại miêu tả bầu trời xanh ngắt như mùa hè. Không phải tự nhiên tác giả lại miêu tả như vậy, đó là ý đồ vẽ nên bức tranh thu có chiều sâu. Cái xanh ngắt của bầu trời đã gợi ra cái sâu, cái lắng của không gian. Dường như trong ánh mắt của một nhà nho, bầu trời thu luôn có cái gì đó hun hút, sâu thẳm. Để rồi khi nhìn về làng quê, tác giả nhận ra sự tĩnh lặng đến bất ngờ. Cái không gian tĩnh lặng ấy bao trùm mọi vật đến mức các ngõ ngách đều “vắng teo” không một vắng người. 

Trong bức tranh thu ấy, cảnh vật vốn đang êm đềm. Nhưng trong thoáng chốc, một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt lại vây quanh. Những cảnh vật của làng quê trong tiết trời thu ấy đã quá quen thuộc với tác giả. Từ màu sắc, âm thanh đến đường nét,… mọi thứ đều mang lại một cảm giác mơ hồ bâng khuâng nhưng lại thực sự gần gũi. 

  • Luận điểm 2 – Tình thu

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được

Cá đâu đớp động dưới chân bèo

Trong hai câu kết này ta mới hiểu rõ ý đồ của Nguyễn Khuyến, tưởng rằng nói chuyện câu cá mùa thu, nhưng thực ra tác giả đang tự mình đón nhận cảnh thu, trời thu vào cõi lòng. Hình ảnh “tựa gối ôm cần” cho ta thấy tâm thế nhàn nhã của nhà thơ trước cảnh vật. Dường như chính vì đã thoát khỏi vòng danh lợi, không quan tâm thế thái nhân tình nên tác giả ngắm nhìn cảnh thu bằng một con mắt thật thoải mái. 

Giấc mộng trời thu của Nguyễn Khuyến ẩn chứa sau bức tranh thu tĩnh mịch

Tưởng đâu tác giả ngồi trầm ngâm câu cá, hóa ra tâm hồn của nhà thơ lại đang đắm chìm trong giấc mộng trời thu. Chính âm thanh “cá đâu đớp động” đã khiến tác giả chợt tỉnh và trở về thực tại. Sự êm đềm, vắng lặng của cảnh vật ao thu, trời thu như chính nỗi lòng của nhà thơ vậy. Đó là nỗi cô đơn, trống vắng giữa cuộc đời. Tiếng cá đớp động không chỉ thức tỉnh nhà thơ mà còn phá tan khung cảnh tĩnh mịch của ao thu. 

Dường như thiên nhiên với Nguyễn Khuyến đã gắn bó như người bạn tri kỷ. Thế nên, mọi tâm tư, tình cảm ông đều gửi gắm vào thiên nhiên, với sắc vàng của lá thu, vào bầu trời thu xanh ngắt,… Những gửi gắm ấy như muốn tìm đâu đó lời an ủi cho tâm hồn vốn cô đơn, trống vắng. 

Kết bài

Thu điếu là một bài thơ tả cảnh ngụ tình xuất sắc của Nguyễn Khuyến. Bằng những gam màu đậm nhạt, những nét vẽ xa gần, những âm thanh to nhỏ, Nguyễn Khuyến đã vẽ nên bức tranh thu quê hương thực sự rõ nét. Những điều thân thuộc nhất đều được ông đưa vào thơ của mình khiến gợi lên bao hoài niệm đẹp về quê hương. 

Bài thơ không chỉ đơn thuần là miêu tả cảnh sắc thiên nhiên, nó còn là sự cách điệu của tâm hồn. Trong từng câu chữ của Thu điếu chất chứa bao nỗi niềm của tác giả. Bằng tình yêu quê hương, đất nước, Nguyễn Khuyến đã vẽ nên bức tranh thu thật đẹp. Càng phân tích Thu điếu, ta càng hiểu rõ vì sao Nguyễn Khuyến lại chiếm một địa vị quan trọng như vậy trong nền thơ ca cổ điển Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *