Phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du chi tiết

Đọc Tiểu Thanh kí là bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Du. Phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí, ta sẽ thấy được tấm lòng cảm thông, yêu thương của tác giả.

Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du chi tiết

Bài mẫu phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

Mở bài

Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc với hàng trăm bài thơ độc đáo. Trong đó, Đọc Tiểu Thanh kí là tác phẩm nổi bật của ông viết về đề tài người phụ nữ chỉ sau “Truyện Kiều”. Phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí, ta sẽ thấy được tấm lòng bao dung, yêu thương con người của Nguyễn Du. 

Thân bài

Khái quát về nhân vật

Nhân vật của bài thơ “Đọc Tiểu Thanh kí” có tên Tiểu Thanh. Đây là nhân vật có thật trong lịch sử, sống cách Nguyễn Du 300 năm trước ở thời Minh (Trung Hoa). Nàng nổi tiếng là người rất thông minh và có nhiều tài nghệ. Mặc dù vừa xinh đẹp lại vừa tài năng, thế nhưng nàng lại phải chịu số phận làm lẽ cô đơn, bất hạnh, hẩm hiu. Vì được sủng ái, Tiểu Thanh đã bị vợ cả ghen, đày nàng ra sống ở Cô Sơn cạnh Tây Hồ. Nàng đã trải qua quãng đời còn lại trong côi cút, đơn độc.

Tác giả Nguyễn Du
Nàng vì quá buồn rầu mà chết khi còn rất trẻ, chỉ mới 18 tuổi. Trước khi lâm bệnh, nàng có để lại một tập thơ tự mình sáng tác. Tập thơ ấy về sau đã bị vợ cả đốt, hiện chỉ còn sót lại một số bài được tập hợp lại, gọi là “phần dư”. Qua giai thoại về nàng, ta có thể thấy đây người con gái tài hoa nhưng “bạc phận”. Đó cũng chính là số phận chung cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến bấy giờ.

Phân tích bài thơ

  • Luận điểm 1: Đọc phần dư cảo, thương cảm cho Tiểu Thanh

Trước hết, tác giả đã đọc phần dư cảo Tiểu Thanh để lại và vô cùng thương cảm cho số phận của nàng:

“Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư”

Tác giả đã miêu tả không gian nơi đọc được bản dư cảo. Đó là “Tây Hồ hoa uyển” (vườn hoa bên Tây Hồ), một nơi đẹp đẽ, tươi sáng. Thế nhưng đối lập với đó lại là “thành khư” (gò hoang), nơi âm khí tràn đầy, âm u và tối tăm. Điều này là tạo nên sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại. Ở đây, tác giả sử dụng từ “tẫn” để miêu tả cái thay đổi rất lớn của không gian cảnh vật. Hồ Tây xưa kia vốn là một cảnh đẹp thì giờ đây trở thành một bãi gò hoang. Điều đó đã cho thấy sự ngậm ngùi, xót xa của Nguyễn Du cho những vẻ đẹp nay chỉ còn trong dĩ vãng.

Giữa không gian đó, Nguyễn Du đã “độc điếu” đến viếng nàng. Ông mang tâm trạng “thổn thức”, thể hiện trạng thái thương xót, đồng cảm với Tiểu Thanh. Hình ảnh “nhất chỉ thư” với “mảnh giấy tàn” ám chỉ bài viếng nàng Tiểu Thanh của Nguyễn Du. Nhà thơ đã ngậm ngùi đọc di cảo của nàng một mình. Dường như người xưa lẫn người nay đều cô độc như nhau. Lời thơ vì vậy nhấn mạnh sự cô đơn, xót thương và đồng cảm của nhà thơ với người xưa. Người con gái tài sắc vẹn toàn ấy lại phải chịu một cuộc đời bạc bẽo, bất hạnh. Và khi nàng mất đi rồi, cảnh đẹp cũng điêu tàn theo, như tiếc thương cho số phận của Tiểu Thanh.

Nàng Tiểu Thanh xinh đẹp, tài hoa nhưng lại có số phận éo le, ngang trái
  • Luận điểm 2: Số phận bi thương, uất hận của Tiểu Thanh

Tiếp theo đó, tác giả đi sâu vào khắc hoạ số phận bi thương, uất hận của Tiểu Thanh:

“Chi phấn hữu thần liên tử hậu

Văn chương vô mệnh lụy phần dư”

“Son phấn” vốn là vật trang điểm của phụ nữ, tượng trưng cho vẻ đẹp, sắc đẹp của người phụ nữ. Sử dụng hình ảnh ẩn dụ ấy, Nguyễn Du muốn làm bật lên sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành của Tiểu Thanh. Nàng có một vẻ đẹp lương thiện, thông minh, lại giỏi “văn chương”. Người con gái hiện lên với vẻ đẹp cả ngoại hình lẫn tài năng.

Những động từ “hận, vương” trong lời thơ đã diễn tả cảm xúc một cách mạnh mẽ. Cùng với các từ “chôn”, “đốt” đã cho thấy sự ghen ghét, sự vùi dập phũ phàng của người vợ cả đối với nàng Tiểu Thanh. Kể cả khi nàng không còn trên cuộc đời này nữa thì vẫn bị người ta ghét bỏ, ganh đua. Nguyễn Du từ đó đã đưa ra triết lí về số phận con người: tài hoa bạc mệnh, tài mệnh tương đố, hồng nhan đa truân…. Cái tài, cái đẹp thường bị vùi dập bởi những điều xấu xa, ích kỉ. Qua đó ta cũng thấy rõ được thái độ của xã hội xưa với những người con gái tài sắc. Đó là sự xem thường, không chấp nhận họ, buộc họ phải sống trong sự vùi dập. Nguyễn Du đã có cái nhìn cảm thông, tiến bộ, đi trước thời đại.

  • Luận điểm 3: Niềm suy tư và mối đồng cảm của tác giả

Sau những xót xa, thương cảm cho Tiểu Thanh, Nguyễn Du gửi gắm những suy tư và đồng cảm của mình với nàng:

“Cổ kim hận sự thiên nan vấn

Phong vận kỳ oan ngã tự cư”

Cụm từ “cổ kim hận sự” dùng để chỉ mối hận xưa và nay. Đó là mối hận muôn đời, kéo dài truyền kiếp. Là mối hận của những người tài hoa mà bạc mệnh với cuộc đời và xã hội bất công. Tác giả như thay cho nhân vật của mình mà “thiên nan vấn” để hỏi trời xanh, nhưng nỗi niềm này khó mà hỏi trời được. Qua câu thơ, tác giả đã làm nổi bật nỗi oan khuất của thân phận người phụ nữ tài hoa trong xã hội phong kiến cũ với đầy rẫy những bất công. Người đẹp thì bất hạnh, nghệ sĩ có tài lại thường đơn độc. Đó chính là cái oan trái khó thấu trời xanh.

Thêm đó, Nguyễn Du còn chỉ ra nỗi “kì oan” của người xưa. Có những nỗi oan lạ lùng chỉ vì quá tài hoa mà mắc phải. Qua lời thơ,  ta thấy được tác giả không chỉ xót thương cho nàng Tiểu Thanh mà còn bàn ra tới nỗi hận của muôn người, muôn đời mà trong đó có chính bản thân nhà thơ. Từ đó, thể hiện tình thương và lòng cảm thông sâu sâu sắc của tác giả đến độ trở thành “tri âm tri kỉ”.

  • Luận điểm 4: Xót thương cho chính mình

Từ những lời thơ xót thương cho Tiểu Thanh, Nguyễn Du đã viết lên những câu thơ cuối để thương chính bản thân mình:

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hà hà nhân khấp Tố Như”

Nguyễn Du đã sử dụng thời gian “tam bách dư niên”, là con số mang tính ước lệ, ý chỉ khoảng thời gian rất dài. 300 năm sau khi Tiểu Thanh mất với nỗi oan khuất khôn nguôi, tác giả đã đến, xót thương và đồng cảm với nàng. Vậy còn bản thân thì sao, liệu đời sau có ai còn nhớ đến, khóc thương cho mình hay không? Tác giả đã chuyển đột ngột ý thơ từ “thương người” sang “thương mình” với khát vọng tìm được sự đồng cảm nơi hậu thế dành cho bản thân.

Với việc sử dụng câu hỏi tu từ: “Người đời ai khóc Tố Như chăng”, tác giả đã thể hiện nỗi da diết, nhức nhối của mình. Đó là nỗi buồn thống thiết, ngậm ngùi cho sự cô độc của chính nhà thơ trong hiện tại. Nguyễn Du luôn khao khát tìm gặp được tấm lòng tri kỉ giữa cuộc đời nhưng có lẽ là không thể. Chắc rằng phải đến vài trăm năm sau, tâm hồn nhà thơ mới có thể tìm được sợi dây đồng điệu với mình.

Lời thơ da diết, vang vọng đã khắc họa rõ nét tâm trạng hoài nghi, đau khổ, thương người, thương mình của tác giả Nguyễn Du. Đó là tấm lòng nhân đạo, cái nhìn bao dung và yêu thương tha thiết của tác giả với con người và cuộc đời đầy éo le, khổ ải. Đồng thời cũng thay cho tiếng nói khát khao hạnh phúc của người phụ nữ nói riêng và cả xã hội nói chung.

Kết bài phân tích bài thơ Đọc Tiểu Thanh kí

“Đọc Tiểu Thanh kí” dù không phải tác phẩm đồ sộ như “Truyện Kiều” song giá trị mà nó đem lại thì vô cùng lớn. Qua bài thơ, ta thêm lần nữa thấu hiểu con người và trái tim của Nguyễn Du với tình thương sâu sắc với những số phận đáng thương, bạc phận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *