Phân tích bài thơ Đồng chí ta thấy được vẻ đẹp của tình người, tình đồng chí, đồng đội giữa chiến tranh, đạn lạc. Đó là đoạn tình cảm chẳng thể nào quên, cũng không có gì sánh nổi.
Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu chuẩn theo bài giảng
Đã có rất nhiều bài phân tích bài thơ Đồng chí của Chính Hữu. Dường như những ngôn từ mộc mạc, gần gũi mà tác giả sử dụng đã khiến người đọc thấy được sự chân thành và tình cảm đáng quý của những người đồng chí. Càng đi sâu phân tích, ta càng thấy được cái tình, cái nghĩa của những con người bỏ ước mơ, hoài bão cá nhân để cùng nhau hướng tới chân lý cao cả hơn.
Mở bài phân tích bài thơ Đồng chí
Chính Hữu (1926 – 2007) tên thật là Trần Đình Đắc là một nhà thơ chiến sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Thơ ông mang sự giản dị và vô cùng hàm xúc, thường là những cảm xúc chân thật về chiến tranh và hình ảnh người lính. Đồng chí là một trong những tác phẩm tiêu biểu và thanh công của ông khi khai thác hình tượng người lính trong kháng chiến.
Đồng chí được Chính Hữu sáng tác vào đầu năm 1948, sau chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947. Bài thơ như một lời cảm ơn chân thành tác giả gửi tới những người đồng đội – những người đã cùng vào sinh ra tử với mình. Bài thơ được in trong tập “Đầu súng trăng treo” năm 1966.
Thân bài phân tích bài thơ Đồng chí
Mở đầu bài thơ, Chính Hữu đã cho ta thấy được sự đồng điệu của những người chiến sĩ. Họ – những người lính từ mọi miền tổ quốc, cùng chung chí hướng, đồng điệu về hoàn cảnh cùng gặp nhau:
Quê hương anh nước mặt đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Sử dụng cấu trúc thơ song hành, cùng thành ngữ dân gian, tác giả đã gợi lên được bức tranh tâm tình của những người lính. Với giọng thơ thủ thỉ tâm tình, tác giả càng làm cho người đọc thấy được sự gần gũi, chân thật. Đó là những con người từ vùng quê nghèo khó, họ từ nơi miền biển “nước mặn đồng chua”, từ miền trung du “đất cày lên sỏi đá”. Chính quê hương của họ càng làm nên nền tảng vững chắc cho tình đồng chí.
Anh với tôi đôi người xa lạ,
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau
Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!
Từ những người xa lạ, nhưng chung hoàn cảnh, cùng lý tưởng với cách mạng, những người thanh niên ấy đã gặp nhau, cùng nhau thực hiện những hoài bão lớn. Chính vì sự đồng điệu cả trong hoàn cảnh, tâm hồn nên chẳng biết tự khi nào những người lính ấy đã trở thành tri kỷ của nhau.
Những người đồng chí đã cùng nhau sát cánh trên mọi mặt trận, trong từng đêm canh gác, từng giấc ngủ. Họ luôn đồng hành cùng nhau trải qua bao khó khăn, gian khổ. Chính hình ảnh “súng bên súng đầu sát bên đầu” đã cho ta thấy được sự gắn bó ấy. Ở đây, tác giả liên tục sử dụng những từ ngữ thể hiện sự gắn bó như “sát, bên, chung” để thể hiện tình đồng chí keo sơn, gắn kết. Hình ảnh “đêm rét chung chăn” trở thành biểu tượng mang đầy ý nghĩa. Ở đó ta thấy được sự khó khăn, vất vả nhưng cũng thấy luôn được sự trân quý trong đoạn tình cảm của những người lính. Tấm chăn dù mỏng nhưng lại ấm tình đồng chí – đó là điều chẳng có thứ gì có thể sánh nổi.
“Đồng chí”! là một câu đặc biệt, nó giống như một lời thủ thỉ, cũng là tiếng gọi tự sâu trong lòng của tác giả. Đó là tiếng gọi thiêng liêng tác giả dành cho những người tri kỷ của mình. Tình đồng chí ở đây đã trở thành cội nguồn sức mạnh cho người lính, nó là sự kết tinh của mọi tình cảm. Hai tiếng “đồng chí” nghe gần gũi mà cảm động đến nao lòng.
Mười câu thơ tiếp theo chính là sự khẳng định của sức mạnh tình đồng chí. Trải qua những khó khăn, gian khổ, tình đồng chí đã giúp người lính càng thêm thấu hiểu nhau. Để rồi, những thủ thỉ tâm tình nhẹ nhàng được gợi mở.
“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
Những người lính cùng kể nhau nghe câu chuyện quê nhà với nỗi nhớ bâng khuâng, da diết nhớ. Hình ảnh những người lính nông dân quen với chân lấm tay bùn cũng từ đó dần dần hiện ra. Ấy thế nhưng, khi tổ quốc cần, các anh sẵn sàng bỏ lại quê hương, ruộng vườn để ra đi. Chính Hữu sử dụng những từ ngữ vô cùng khéo léo, thể hiện được quyết tâm của người lính. Gói gọn tất cả những gì thân thuộc nhất vào trong tim, những chàng trai ấy ra chiến trường dành tình yêu cho tổ quốc. Đó chính là quyết tâm của cả dân tộc, cả thời đại ấy.
Nhắc tới quê hương chính là nhắc tới đoạn kỷ niệm gắn bó với những người lính. Và chính quê hương – nơi có cha mẹ, có “bạn thân cày”, có dân làng lại chính là nguồn động lực tiếp thêm sức mạnh cho các anh.
Những người đồng chí chẳng những thấu hiểu, cảm thông về hoàn cảnh của nhau, họ còn cùng nhau chia sẻ những thiếu thốn.
“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Rét run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
Trong đoạn này, Chính Hữu đã khéo léo sử dụng bút pháp hiện thực với những hình ảnh sóng đôi đối xứng tạo nên sự gắn kết của những người lính. Họ luôn kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ trong mọi đoạn đường. Chính sự sẻ chia, ấm áp của tình đồng chí, các anh đã cùng vượt qua được những cơn sốt rét rừng, những thiếu thốn về vật chất. Dù thiếu thốn mọi bề, hiểm nguy rình rập, bằng niềm lạc quan “miệng cười buốt giá” các anh vẫn vượt qua. Các anh đã cùng “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” để động viên nhau, truyền hơi ấm để cùng nhau vượt qua khó khăn. Đó chính là cái nắm tay suốt cuộc đời người lính chẳng thể nào quên.
Giữa hoàn cảnh đầy khắc nghiệt, bằng sự giản dị, mộc mạc, Chính Hữu đã vẽ nên bức tranh vô cùng tuyệt đẹp:
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo
Ở những câu thơ cuối, hình ảnh hiên ngang của những người lính được khắc họa rõ nét. Những người lính chủ động đối mặt với nguy hiểm, khó khăn bằng một tâm thế chủ động, hiên ngang. Đêm nay cũng như nhiều đêm khác, người lính vẫn đứng giữa “rừng hoang sương muối”. Hình ảnh “rừng hoang” thể hiện sự mênh mông, bát ngát. Dường như thiên nhiên như muốn nuốt chửng những người lính nhỏ bé ấy. Nhưng, điều ấy chẳng làm khó được những người lính, bởi các anh đang cùng “đứng cạnh bên nhau” thể hiện sự ấm áp và kiên cường.
Khép lại bài thơ, tác giả đã để lại một hình ảnh tuyệt đẹp “đầu súng trăng treo”. Dường như đó chính là phát hiện của người lính trong đêm đông giá lạnh ấy. Tác giả đã sử dụng 2 hình ảnh “súng” – hình ảnh hiện thực “trăng” – hình ảnh lãng mạn để sóng đôi với nhau. Súng – trăng vừa gần lại vừa xa, đó là thực tại và mộng mơ của người lính, là hiện thực và lãng mạn. Nếu súng gắn liền với cuộc sống của người chiến sĩ, là biểu tượng cho trận chiến, thì trăng lại mang một chút gì đó lãng mạn, nên thơ, chất chứa ước mơ, hoài bão. Ánh trăng chính là ánh sáng lạc quan của người lính về một ngày mai tươi sáng.
Kết bài
Đồng chí là một lời ca nhẹ nhàng, trong trẻo được Chính Hữu viết nên bởi tấm lòng trân trọng. Đó là một bức tranh đẹp về người lính trong cuộc chiến khốc liệt. Bằng ngôn từ bình dị, tự nhiên, lồng ghép khéo léo những tục ngữ, tác giả đã giúp cho bài thơ trở nên gần gũi, mộc mạc, chạm thẳng đến trái tim người đọc. Phân tích bài thơ Đồng chí ta mới hiểu rằng vì sao tác phẩm này lại đi cùng năm tháng, là “bài ca không quên” của nhiều người đọc đến vậy.