Bài văn mẫu phân tích bài Khăn thương nhớ ai

Trong chương trình Ngữ văn 10, có rất nhiều bài ca dao tục ngữ thú vị. Trong đó phân tích bài Khăn thương nhớ ai là một trong những bài làm khá dễ dàng và hấp dẫn. Dưới đây là bài văn mẫu với đầy đủ ý, các bạn có thể vận dụng để tham khảo cho bài làm văn của mình thêm sinh động và sáng tạo nhé!

Bạn đang đọc: Bài văn mẫu phân tích bài Khăn thương nhớ ai

Trong nền văn học Việt Nam, ca dao tục ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đó là một thể loại văn học mang tới cho người đọc những xúc cảm vô cùng phong phú và ấn tượng. Với những hình ảnh gần gũi, với những cách nói ẩn dụ vô cùng đa dạng giúp độc giả có những bài học vô cùng ý nghĩa. Phân tích bài Khăn thương nhớ ai, các bạn sẽ cảm nhận hơn rõ hơn về thể loại thú vị này.

Chi tiết mở bài phân tích Khăn thương nhớ ai

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam, một trong những chủ đề được nói đến nhiều nhất đó chính là những câu chuyện về tình yêu đôi lứa. Từ những câu ca dao tục ngữ hài hước cho đến những câu ca xúc động. Cùng với đó là hình ảnh của người phụ nữ trong tình yêu, trong xã hội cũ. Đó là những con người có thân phận thấp hèn, chịu nhiều tủi nhục bất công trong cuộc sống nhưng lại có tâm hồn thanh cao, trong sáng luôn khát khao một cuộc sống hạnh phúc, tình yêu tự do lứa đôi.

Phân tích bài Khăn thương nhớ ai, độc giả sẽ cảm nhận rõ hơn thứ tình cảm diệu kỳ đôi lứa của con người. Đồng thời thấu cảm nỗi niềm của người phụ nữ, người con gái trong những mối tình chân thành, sâu sắc đó.

“Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt.

Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt.

Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên.

Đêm qua em những lo phiền,

Lo vì một nỗi không yên một bề…”

Chi tiết phần thân bài

Luận điểm 1: khái quát nội dung bài ca dao

Bài ca dao là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho xúc cảm trong tình yêu đôi lứa. Nó là những tâm sự nỗi niềm của người con gái đang ngóng trông, chời đợi người con trai. Đó là nỗi nhớ mong, nhớ thương chờ đợi của người con gái. Và rồi nỗi nhớ nâng lên từng bước, và ngày càng trở nên da diết. Từ là nỗi lòng âm thầm, không thể hiện để rồi trở thành tiếng than khóc nghẹn ngào.

Luận điểm 2: hình ảnh chiếc khăn

Khi phân tích bài Khăn thương nhớ ai, chúng ta càng thấy rõ, hình ảnh chiếc khăn tay luôn là một trong những biểu tượng của tình yêu. Đó không chỉ là tín vật trao duyên mà còn là kỷ niệm, ký ức ngọt ngào với những lời thề non hẹn biển của những đôi trai gái. Ngay như Thúy Kiều và Kim Trọng cũng sử dụng “Chiếc thoa”, chiếc khăn tay để làm tín vật tình yêu. “Chiếc thoa với bức tờ mây/ Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Như vậy có thể thấy, tầm quan trọng và ý nghĩa lớn lao của chiếc khăn bé nhỏ, mỏng manh ấy.

“Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt.

Chiếc khăn trong ca dao hay trong cuộc sống vốn dĩ gắn liền với người phụ nữ. Đó là vật dụng thường được các cô gái thể hiện nghệ thuật thêu thùa. Chiếc khăn còn là vật dụng để cô gái dấu diếm, gói ghém những bí bật thâm kín. Chiếc khăn cũng là vật dụng để cô lau những giọt nước mắt buồn thương. Nó vừa mềm mại mỏng manh như thân phận của người phụ nữ. Nhưng cũng rất quan trọng cao quý thanh cao như người con gái.

Trong bài ca dao này, tác giả dân gian đã mượn hình ảnh cái khăn để nhân hóa cho hình ảnh người con gái. Chiếc khăn cũng mang nỗi nhớ mong, chờ đợi yêu thương của người con gái với người con trai. Đó là một thứ xúc cảm xốn xang, đứng ngồi không yên. Khăn rơi xuống đất, rồi lại vắt lên vai. Hành động cứ lặp đi lặp lại một cách vô thức. Càng nhấn mạnh hơn tâm trạng ngóng chờ, rạo rực của người con gái. Nỗi niềm ấy mới đầu cứ day dứt trong lòng. Cứ âm thầm gặm nhấm tâm hồn của người con gái. Để rồi cuối cùng, quá buồn thương, nhung nhớ, cô gái đã bật khóc. Và chiếc khăn trở thành người tri kỷ bên cạnh chùi nước mắt, an ủi, chia sẻ nỗi đau với người con gái khi phải chờ đợi, ngóng đợi người con trai. Chữ “khăn”  được lặp đi lặp lại cùng cụm từ “thương nhớ ai” càng chứng tỏ tâm trạng buồn thương, nhớ mong của người con gái lặp đi lặp lại nhiều ngày nhiều lần mỗi ngày, chứ không phải ngày một ngày hai.

Hình ảnh chiếc khăn tay cũng xuất hiện trong nhiều bài ca dao về tình yêu đôi lứa. Ví dụ như: “Em về anh mượn khăn tay/ Gói câu tình nghĩa lâu ngày sợ quên”; “Nhớ ai lệ chảy ngùi ngùi/ Khăn lau chẳng sạch, áo chùi chẳng khô”.

Luận điểm 2: hình ảnh cây đèn

Nếu như bên trên là hình ảnh chiếc khăn thì bên dưới, tác giả dân gian lại sử dụng hình ảnh cái đèn làm ẩn dụ cho tình cảm của người con gái. Nói đến ánh đèn là nói tới buổi tối, đêm khuya thanh vắng. Khi mọi vạn vật đã chìm vào giấc ngủ, chỉ còn cô gái ngồi chong đèn với nỗi nhớ thương của mình.

“Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt”

Qua hình tượng chiếc đèn, độc giả càng cảm nhận rõ hơn nỗi nhớ đong đầy, chất chứa của người con gái. Nỗi ngóng đợi ấy không chỉ khiến cô gái đứng ngồi không yên ban ngày mà cả ban đêm cũng lo lắng không ngủ được.

Để rồi mắt cứ thao láo không tài nào nhắm lại được:

“Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên”.

Nếu như những câu trên, tác giả dân gian sử dụng những vật dụng bên ngoài để miêu tả tâm trạng của người con gái thì đến hai câu này đã xuất hiện nhân vật trữ tình. Tác giả đã bộc lộ rõ hơn nỗi thương nhớ ai của người con gái qua đôi mắt. Ánh mắt đấy không khóc nhưng lại cứ nhìn trân trối về nơi xa xăm, nơi có bóng hình của người con trai.

Luận điểm 3: phân tích hai câu thơ cuối

Phân tích bài Khăn thương nhớ ai tới đây, chúng ta thấy được sự bùng nổ trong nỗi lòng của người con gái.

“Đêm qua em những lo phiền,

Lo vì một nỗi không yên một bề”.

Tới đây, cô gái không thể giấu được nỗi lòng mình nữa mà đành để nó tràn ra ngoài, để người con trai có thể nghe thấy. Cô gái chia sẻ rằng mình luôn lo phiền, lo vì tình yêu liệu có trọn vẹn, liệu cả hai có được về một bề, về một nhà. Liệu cả hai có được cuộc sống hạnh phúc viên mãn.  Có lẽ trong tình yêu, người con gái luôn là người phải chịu nhiều thiệt thòi nhất. Nhưng cũng chính họ là người cao thượng và luôn suy nghĩa cho tình yêu.

Ngoài bài thơ trên còn có nhiều bài ca dao thể hiện tình yêu đôi lứa và tâm trạng của người con gái. Ví dụ như:

“Một chờ, hai đợi, ba trông,

Bốn thương, năm nhớ, bảy tán chín mong, mười tìm”

Hay:

“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống rơm”.

“Ai làm cho dạ em buồn

Cho con bướm lụy, chuồn chuồn lụy theo”.

Luận điểm 4: nghệ thuật đặc sắc của bài ca dao

Phân tích bài Khăn thương nhớ ai, không thể không nhắc đến nghệ thuật đặc sắc được dùng trong tác phẩm. Đầu tiên, về ngôn ngữ. Bài ca dao đã thành công trong việc vận dụng tin hoa của ngôn ngữ dân tộc. Đó thực sự là một loại ngôn ngữ đẹp đẽ, giản dị và trong sáng, thể hiện sâu sắc tâm hồn thuần hậu, phong phú và hóm hỉnh của con người. Kết hợp với lời ăn tiếng nói hàng ngày của đời sống, khiến cho ca dao nói chung và bài thơ Khăn thương nhớ ai trở nên thân gần gũi và dễ nhớ, dễ thuộc.

Chính vì sử dụng những ngôn ngữ nói hàng ngày nên ca dao hay bài thơ trên đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với người nghe, đặc biệt là người dân lao động. Bởi toàn bộ bài thơ toát lên vẻ đẹp dung dị, mộc mạc và hết sức chân thực, khiến hình ảnh, tứ thơ dễ đi vào lòng người, dễ trở thành những câu ca giúp người đời vận dụng vào trong đời sống. Quả thực, ca dao nói chung cũng như bài Khăn thương nhớ ai nói riêng vô cùng giàu sức biểu cảm và mang tính nghệ thuật cao, nó nghe có vẻ rất đơn thuần nhưng thực chất lại rất tinh túy và thâm sâu.

Tiếp đến, ca dao hay bài Khăn thương nhớ ai là sáng tác của tập thể, là bài ca được truyền từ đời này sang đời khác nên đôi lúc ngôn ngữ còn mang tính địa phương. Bài ca dao Khăn thương nhớ ai mang phong cách vùng Bắc Bộ nên được sáng tác một cách tỉ mỉ, trau chuốt. Trong đó sử dụng nhiều hình ảnh ví von, ẩn dụ nói bóng gió hơn những ca dao mang tính địa phương miền Trung không quá trói buộc bởi quy tắc mà rất phóng khoáng.

Tiếp đến, bài Khăn thương nhớ ai cũng như trong các bài ca dao khác, tác giả dân gian sử dụng đại từ nhân xưng “em – ai”. Ngoài ra còn có những đại từ nhân xưng như “mình – ta”, “thiếp – chàng”, “anh – em”, nhằm nhấn mạnh lối đối đáp, giao duyên trong tình cảm lứa đôi. Nhờ đó càng khiến bài thơ trở nên hấp dẫn và vô cùng thú vị.

Chi tiết phần kết bài

Có thể nói, tình yêu đôi lứa cùng tình yêu của người con gái, con trai trở thành để tài khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tác cho không chỉ tác giả thời nay mà còn tác giả dân gian ngày xưa. Những xúc cảm da diết, bâng khuâng rạo rực nhớ thương của người con gái dành cho con trai được miêu tả thật độc đáo và ấn tượng trong từng bài ca dao.

Phân tích bài Khăn thương nhớ ai, độc giả sẽ càng cảm nhận rõ hơn tình yêu tha thiết, mãnh liệt của người con gái. Đó là thứ tình yêu son sắt, thủy chung. Mặc dù người phụ nữ luôn phải chịu số phận bất hạnh, tủi cực, nhưng họ luôn khao khát hạnh phúc, tự do trong tình yêu đôi lứa.

Bài Khăn thương nhớ ai đã sử dụng những nét nghệ thuật đặc sắc vốn có của ca dao. Những hình ảnh ví von, sự ẩn dụ nhân hóa qua hình ảnh chiếc khăn tay, qua chiếc đèn đã mang tới cho người đọc một cái tình độc đáo về tình cảm nhớ thương, ngóng đợi trong tình yêu của người phụ nữ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *