Phân tích 18 câu đầu bài Trao duyên, ta sẽ thấy được phong cách nghệ thuật và tình yêu thương con người sâu sắc của tác giả Nguyễn Du.
Bạn đang đọc: Phân tích 18 câu đầu bài Trao duyên cực hay của Đại thi hào Nguyễn Du
Chi tiết phân tích 18 câu đầu bài Trao duyên
Mở bài
Tác giả Nguyễn Du được xem là đại thi hào của dân tộc với nhiều tác phẩm đồ sộ. Trong đó, “Truyện Kiều” được đánh giá là tác phẩm nổi bật nhất của ông, đồng thời chiếm vai trò rất quan trọng trong dòng chảy văn học Việt Nam. Phân tích 18 câu đầu bài Trao duyên, ta sẽ thấy được cái nhìn nhân sinh và lòng yêu thương con người của tác giả.
Thân bài
Nguyễn Du, với tài năng và trái tim yêu thương sâu sắc đã luôn thổi vào các tác phẩm của mình những tình cảm đặc biệt. Ông đã biến một tiểu thuyết rất đỗi bình thường trở thành áng thơ để đời, với nhiều tầng ý nghĩa lớn. Nếu như “Kim Vân Kiều truyện” chỉ đơn giản là một câu chuyện “tình khổ” thì “Truyện Kiều” của Nguyễn Du lại mang những nỗi niềm rất khác. Đó là một khúc ca chứa chan tình thương con người, khắc họa bức tranh toàn cảnh về một giai đoạn lịch sử đầy biến động của dân tộc.
Đoạn trích “Trao duyên” nằm ở câu thơ 723 đến câu 756, trong phần Gia biến và lưu lạc. Đây cũng chính là phần mở đầu cho chuỗi đau khổ dài dằng dặc của Kiều trong suốt 15 năm sắp tới.
- Luận điểm 1: Phân tích nhan đề
Nhan đề đoạn trích là “Trao duyên” nhưng trớ trêu thay đây không phải là cảnh trao duyên thơ mộng của những đôi nam nữ mà ta thường gặp trong ca dao xưa. Có đọc mới hiểu được, “Trao duyên”, ở đây là gửi duyên, gửi tình của mình cho người khác, nhờ người khác chắp nối mối tình dang dở của mình. Thúy Kiều trước phút dấn thân vào quãng đời lưu lạc, bán mình cứu cha, nghĩ mình không giữ trọn lời đính ước với người yêu, đã nhờ cậy em là Thúy Vân thay mình gắn bó với chàng Kim. Đoạn thơ không chỉ có chuyện trao duyên mà còn chất chứa bao tâm tư trĩu nặng của Thúy Kiều.
- Luận điểm 2: Lời nhờ cậy của Kiều
Trước hết, tác giả đã đưa ra bối cảnh của câu chuyện với lời nhờ cậy của Kiều với em gái:
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.”
Phân tích 18 câu đầu bài Trao duyên để hiểu không phải “nhờ” mà là “cậy”. Từ “cậy” bao hàm ý nghĩa gửi gắm, mong đợi, tin tưởng về sự giúp đỡ ấy. Chị nhờ em giúp chị với tất cả lòng tin của mình. Nhờ em nhưng cũng là gửi gắm vào em. Và mong mỏi như vậy, chỉ mong sao em có thể “chịu lời”. Tác giả lại một lần nữa sử dụng từ đồng nghĩa, với sắc thái biểu cảm mạnh mẽ hơn. “Nhận lời” còn có thể từ chối, nhưng “chịu lời” là bắt buộc phải chấp nhận, không thể từ chối. Từ “chịu lời” mang đậm sắc thái nài nỉ, nài ép của người nhờ cậy.
Bên cạnh lời nói, Kiều còn có hành động “lạy, thưa” với em của mình. Đây đáng lẽ là hành động của người bề dưới với người bề trên, nhưng ở đây Kiều là chị lại lạy, thưa với em mình. Hành động ấy tưởng chừng là bất thường nhưng lại hoàn toàn bình thường trong hoàn cảnh này. Bởi lẽ hành động của Thúy Kiều là lạy đức hi sinh cao cả của Thúy Vân. Bởi vậy, việc Thúy Kiều nhún nhường, hạ mình van nài Thúy Vân là hoàn toàn hợp lý. Tác giả đã các hành động bất thường đặt trong mối quan hệ với các từ ngữ đặc biệt, từ đó nhấn mạnh tình thế éo le của Thúy Kiều. Đó là việc Kiều phải tha thiết cầu xin Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Kiều biết rằng việc mình đang nhờ Vân ảnh hưởng lớn đến cuộc đời em sau này, bởi giữa Thúy Vân và Kim Trọng không hề có tình yêu. Tâm trạng của Kiều lúc này vô cùng đau khổ, tuyệt vọng. Bởi lẽ người ta có thể trao cho nhau kỉ niệm hay đồ vật chứ không ai lại trao đi tình yêu của mình.
Rõ ràng, Thúy Vân cũng phải hy sinh tình yêu của mình để giúp chị. Trong hoàn cảnh bi thương của mình, Thúy Kiều không chỉ trao duyên mà còn trao cả nỗi đau của mình cho em gái. Tuy nhiên, Thúy Vân vốn là cô gái vô tư, ngây thơ. Thế nên Thúy Kiều phải giành cho mình phần hi sinh lớn hơn; không chỉ hy sinh tình yêu mà hi sinh cả cuộc đời để cứu gia đình, cứu cha, cứu em.
- Luận điểm 3: Lí lẽ trao duyên của Kiều
Tiếp theo đó, Liều đã đưa ra những lí lẽ trao duyên của mình:
“Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”
Thành ngữ “đứt gánh tương tư” ám chỉ tình cảnh tình duyên dang dở của Kiều. Nàng đã bị đẩy vào bước đường cùng không lối thoát giữa một bên là chữ hiếu một bên là chữ tình. Vì thế nên trao duyên là lựa chọn duy nhất của nàng lúc này. Ở đây, Kiều dùng từ “mặc” để chỉ sự phó mặc, ủy thác, ủy nhiệm. Kiều đã giao toàn bộ trọng trách cho Vân trả nghĩa cho Kim Trọng. Dù đau đớn, xót xa, Kiều vẫn phải đưa ra quyết định ấy một cách dứt khoát. Đó lời thuyết phục khôn khéo của Kiều, làm dấy lên tình thương và trách nhiệm của người em đối với chị của Thúy Vân, khiến nàng không thể từ chối.
Tiếp theo đó, Kiểu kể về lời ước hẹn của mình với chàng Kim:
“Kể từ khi gặp chàng Kim ,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?”
“Quạt ước, chén thề” là những hình ảnh tượng trưng cho những kỉ niệm đẹp, ấm êm, hạnh phúc của Kim và Kiều. Họ đã trao nhau những lời thề nguyền, đính ước gắn bó, thủy chung một đời. Thế nhưng vì gặp “sóng gió bất kì”, Kiều bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, phải chọn giữa tình và hiếu. Giữa tình cảm các nhân và sự an yên cho gia đình, nàng đã chọn hi sinh chữ tình dù rất đau đớn. Mối tình Kim – Kiều là mối tình đẹp nhưng lại mong manh, dễ vỡ. Những câu thơ chua xót ấy vừa giúp bộc lộ tâm trạng đau đớn, xót xa của Kiều lại vừa khiến Vân xúc động mà nhận lời ủy thác của chị.
Trong lời tâm tình, Kiều còn nhắc đến tuổi trẻ và tình máu mủ, cũng như sự hữu hạn của cuộc đời con người:
“Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.”
“Ngày xuân” là ẩn dụ cho tuổi trẻ, cho tương lai rộng dài đang chờ phía trước của Vân. “Tình máu mủ” là tình cảm ruột thịt, sâu sắc của những người cùng huyết thống. Kiều đã rất khéo léo thuyết phục em bằng tình cảm ruột thịt. Trên hết giữa chị với em là tình máu mủ; vì tình máu mủ ai nỡ chối nhau? Thành ngữ “Thịt nát xương mòn” và “ Ngậm cười chín suối” đã giúp Kiều nói về cái chết đầy mãn nguyện của mình. Dù không thực hiện được lời thề, nhưng nàng sẽ vẫn “thơm lây” bởi sự hi sinh của em, bởi bản thân đã không thất hứa. Kiều đã viện đến cả cái chết để thể hiện sự cảm kích thật sự của mình khi Vân nhận lời giúp mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Lí lẽ của Kiều vừa thấu tình vừa đạt lí khiến Vân không thể không nhận lời. Điều này đã cho thấy Kiều là một người con gái thông minh, sắc sảo và đong đầy tình cảm.
- Luận điểm 4: Kiều trao kỉ vật
Cuối cùng, Kiều đã trao cho em kỉ vật tình yêu của mình:
“Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung”
Kỉ vật đó là chiếc vành, bức tờ mây đơn sơ mà thiêng liêng, gợi lại quá khứ hạnh phúc. Các từ “giữ – của chung – của tin” thể hiện sự giằng xé trong nội tâm Thúy Kiều. Kiều chỉ có thể gửi gắm mối duyên dang dở cho Vân chứ không thể trao hết tình yêu mặn nồng xưa kia giữa nàng và Kim Trọng. Nàng phải xót xa, đau đớn lắm, nhưng vẫn xin giữ lại chút ích kỉ cho bản thân, làm nơi nương tựa cho tâm hồn trong những tháng ngày lưu lạc sắp tới.
Kết bài
Phân tích 18 câu đầu bài Trao duyên với cách sử dụng ngôn từ, thành ngữ, hình ảnh tinh tế cùng giọng điệu tha thiết, tác giả Nguyễn Du đã khắc họa lên những nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Đồng thời cũng đã lên án một xã hội đương thời thối nát, một xã hội mà đồng tiền với sức mạnh của nó đã dồn nén con người tới tận cùng nỗi đau mà chẳng thể làm sao để thoát ra. Từ đó cho thấy cái nhìn yêu thương, bao dung của tác giả với con người và những số phận bất hạnh.
>> Tham khảo thêm: Phân tích giá trị nhân đạo của Truyện Kiều