Phân tích bài thơ Ngắm trăng, ta sẽ thấy tác phẩm đã thành công cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn mà hàm súc, sử dụng nghệ thuật đối và đặc biệt là nhân hóa trăng như một người tri kỷ, Hồ Chí Minh đã tạo ra một bài thơ hay, mang nhiều giá trị sâu sắc.
Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Ngắm trăng của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh
Bài mẫu phân tích bài thơ Ngắm trăng
Từ trước đến nay, trăng là đề tài quen thuộc trong thơ ca nhạc họa, nói đến trăng người ta nghĩ ngay đến một người bạn tâm tình, một nguồn cảm hứng dạt dào cảm xúc. Trong thơ Bác, trăng đã từng xuất hiện đầy bình dị và đẹp đẽ, có mối giao cảm đặc biệt với con người. Điều này được thể hiện qua bài thơ Ngắm trăng, là tác phẩm số 20 in trong tập Nhật ký trong tù, được Bác viết khi đang bị giam giữ ở nhà tù Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc. Hãy cùng phân tích bài thơ Ngắm trăng để cảm được cái mỹ, cái tình mà vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta đã viết nên.
Nhật ký trong tù ra đời trong hoàn cảnh “người khai sinh” nó đang chịu cảnh tù đày khổ ải, ăn bữa “lưng bát cháo bụng cồn cào”, “không rau, không muối”, phải cuốc bộ “năm mươi ba dặm một ngày trời” chuyển từ nhà tù này đến nhà tù khác, chân tay gông cùm, đầy thương tích. Chính vì có được ý chí và nghị lực phi thường cùng một tinh thần cách mạng đặc biệt, Hồ Chí Minh đã tạo nên một giá trị tinh thần to lớn, có ý nghĩa về văn học, lịch sử, chính trị, lý luận và thực tiễn sâu sắc để đời sau vô cùng thán phục và không ngừng học tập.
Nói đến trăng, người ta thường ngắm nó trong một bầu không khí thư thái, lãng mạn, có thêm rượu và hoa, ngân nga vài câu thơ cho đậm tình nghệ sĩ. Thế nhưng ở đây hoàn cảnh ngắm trăng của Bác lại hoàn toàn khác:
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?”
(Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.)
Câu thơ đầu Bác viết đã tả thực cảnh tù lao khắc nghiệt Người đang đối diện hiện tại, từ “không” được lặp lại hai lần nhằm nhấn mạnh sự thiếu thốn vật chất, thiếu những cái đáng lẽ ra phải có ngay lúc này là hoa, rượu và cả sự tự do. Thời gian Bác ngắm trăng là nửa đêm, không gian là nhà tù lạnh lẽo, xung quanh chỉ có bốn bức tường tối tăm và xiềng xích.
Qua vỏn vẹn bảy con chữ giản dị, khiêm tốn, ta thấy được hoàn cảnh đầy gian khổ, thiếu thốn nơi ngục tù. Thế nhưng ở cái nơi mà người ta đang quay quắt với cái đói, cái đau, chỉ có thể nghĩ đến sự hận thù và cái chết này thì Bác lại dường như quên đi thực tại, quên đi thân phận tù nhân của mình mà thoải mái ngắm trăng, hòa mình vào cảnh đẹp của thiên nhiên và ngân nga đôi ba câu thơ lãng mạn. Trước cảnh trăng “khó hững hờ” như thế, ta thấy có tâm hồn đang băn khoăn, bối rối. Câu thơ thứ hai là một câu hỏi tu từ thể hiện tâm trạng của Bác trước cảnh đẹp ngoài song sắt, trăng đã xuất hiện đẹp đẽ như vậy nhưng Bác lại không có gì để đáp lại trăng. Chính tình yêu không nhỏ đối với vạn vật đã làm cho người nghệ sĩ xốn xang, không biết phải làm thế nào. Qua đây mới thấy sự hơn Người của Bác không chỉ có tri thức mà còn ở tâm hồn, tình cảm, sự nhạy bén với thiên nhiên cảnh vật. Trong những năm tháng tù đày này của vị Cha già dân tộc, có lẽ chúng ta sẽ không biết được Người đã “vượt ngục tinh thần” bao nhiêu lần, như chính Người cũng đã từng tâm sự rằng:
“Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao”
Kẻ thù có thể giam cầm và hành hạ thể xác Bác tuy nhiên muốn “bỏ tù” tinh thần, ý chí, cảm xúc của Người là điều không thể và không bao giờ có thể. Sau một hồi băn khoăn trước người bạn tri âm là trăng, cuối cùng Bác đã tìm được cách giải quyết đầy chân tình đó là lấy tấm lòng để đáp lại tấm lòng:
“Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song thích khán thi gia.”
(Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.)
Mặc cho tình cảnh thiếu thốn khổ ải, mặc cho không gian chật hẹp u tối đôi khi làm “túng quẫn” lòng người, người đã vẫn tìm đến trăng và trăng ngoài kia cũng gần người hơn mà thắp tỏa. Qua song sắt của nhà tù, khi tầm nhìn chỉ còn là một khung cửa sổ nhỏ bé Bác vẫn cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống bên ngoài, của ánh trăng đang tròn vành soi sáng. Đây là sự khẳng định chắc nịch rằng xiềng xích, gông cùm không thể ngăn được tâm hồn thi nhân tìm đến với thiên nhiên rộng lớn, với cái đẹp, cái thiện lương.
Để ý kỹ ở đây chúng ta sẽ thấy hai câu thơ ở bản dịch kém phần đăng đối hơn so với phiên âm thêm vào đó từ “nhòm” và “ngắm” là từ đồng nghĩa nên đã khiến cho bản dịch không được đảm bảo về ý tứ mà tác giả muốn truyền tải. Ở hai câu thơ này, Bác đã sử dụng nghệ thuật đăng đối tài tình, mỗi câu thơ chia làm ba đối tượng, một bên là thi nhân, một bên là trăng và ở giữa là song sắt nhà tù. Cấu trúc đối này đã vẽ ra một bức tranh rành mạch hoàn cảnh thực tại để người đọc có thể hình dung được rõ ràng rằng song sắt nhà tù chia rẽ người và trăng. Ở trong này là tù giam, bóng tối, đau khổ và lạnh lẽo còn ngoài kia là tự do, ánh sáng, hạnh phúc và ấm áp.
Thế nhưng hai thế cực hoàn toàn đối lập nhau đó không còn quan trọng bởi vì linh hồn trong cả hai đang tìm đến với nhau, thi nhân và ánh trăng dường như đã “gặp” nhau ở một nơi nào đó khác xa lệ thường, một tình bạn tri âm tri kỷ đầy xúc động. Người đã vì cảm mến trăng mà vượt qua rào cản tù đày hiện tại, trăng vì tình cảm của người mà lăn mình qua song đau sắt lạnh, đặt chân vào chốn tù lao ẩm thấp, tối tăm. Hẳn vì trăng mà người bình thường muốn trở thành thi sĩ và hẳn vì người mà trăng muốn sáng hơn, ấm áp hơn bội phần.
Từ trước đến nay có mấy ai ngắm trăng như Bác vì Người ngắm trăng không phải chỉ là nhìn, là thưởng thức mà bằng cả tình yêu, đặc biệt là với phong thái ung dung, ý chí, nghị lực kiên cường của người chiến sĩ cách mạng. Không quan tâm hoàn cảnh, không vướng bận vật chất hay thân thể chịu bao gông cùm, Bác vẫn tự tại mà ngắm trăng, hòa mình vào thiên nhiên đất trời. Hướng về trăng, về ánh sáng ấm áp ngoài kia Bác như hướng về bầu trời tự do, về vận mệnh, tương lai của dân tộc. Hoài Thanh đã từng nhận xét: “Thơ Bác đầy trăng”, một thế giới trăng hữu tình chứa chan thi vị nhưng cùng đầy nỗi đau đáu lo lắng cho đất nước, như trong bài thơ Cảnh khuya Bác từng viết:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Bác ngắm trăng vì yêu trăng và yêu tự do, ánh sáng của trăng tượng trưng cho hy vọng muốn giải phóng dân tộc của người chiến sĩ cách mạng. Ở bài thơ Ngắm trăng này, ta thấy Bác hiện lên qua hai hình ảnh: thi sĩ và chiến sĩ, cả hai tưởng là đối nghịch nhau giữa mềm mại và cứng rắn thế nhưng lại bổ sung, dung hòa cùng nhau, tạo nên một con người thật sự đặc biệt và tài giỏi. Giữa cuộc sống nhà tù vô nhân đạo, có một trái tim biết rung cảm trước vẻ đẹp vĩnh hằng của tạo hóa, có một ý chí kiên cường với khát vọng tự do mãnh liệt, muốn chèo lái con thuyền dân tộc đến bến bờ độc lập, hạnh phúc.
Phân tích bài thơ Ngắm trăng, ta thấy tác phẩm đã thành công cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn mà hàm súc, sử dụng nghệ thuật đối và đặc biệt là nhân hóa trăng như một người tri kỷ, Hồ Chí Minh đã tạo ra một bài thơ hay, mang nhiều giá trị sâu sắc. Đọc thơ của Bác, ta có cơ hội hiểu thêm về Bác cũng như được mở mang vốn kiến thức, câu từ.