Phân tích bài thơ ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên

Vũ Đình Liên là nhà thơ nổi bật với các tác phẩm văn chương mang nặng sự tiếc thương và hoài niệm quá khứ. “Ông đồ” là một bài thơ như thế. Phân tích bài thơ ông đồ để thấy được nỗi cô đơn của ông đồ khi đi qua những ngày huy hoàng cũ.

Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên

Phân tích bài thơ ông đồ chi tiết

Mở bài

Có lẽ không có dịp nào thích hợp hơn để đọc lại bài thơ “Ông đồ” hơn là những ngày giáp Tết. Bài thơ đưa người đọc chìm trong những hoài niệm cũ về một thời người ta hào hứng với câu đối đỏ cạnh bánh Chưng xanh mỗi dịp xuân về. Phân tích bài thơ ông đồ cũng là để gặp lại hình ảnh ông đồ xưa bình dị và có dịp nhìn lại một thời huy hoàng của chữ Nho.

Thân bài

Bài thơ “Ông đồ” được Vũ Đình Liên viết khi Nho học bị thất sủng, văn hóa xin chữ ông đồ đã lụi tạn khi người ta chạy theo thời đại mới với chữ Pháp chữ Tây. Dẫu biết rằng tiến lên là quy luật nhưng nỗi buồn cũ về một thời đã qua mang lại nhiều đồng cảm, tiếc thương ở độc giả.

Bài thơ được Vũ Đình Liên về hình ảnh ông đồ ở hai giai đoạn, khi Nho học ở thời kỳ hoàng kim và khi nền Nho học đã lụi tàn rồi chìm vào dĩ vãng.

  • Luận điểm 1: Ông đồ thời Nho học thịnh hành trong đời sống

Có thể nói, “Ông đồ” là bài thơ giản dị mà nhân văn của nhà thơ Vũ Đình Liên. Trong những ngày sắp đến gần Tết nguyên đán, có lẽ đâu đó trên phố vẫn có người “cho chữ” như một sự níu giữ chút gì của quá khứ. Phân tích bài thơ ông đồ để có dịp nhìn lại truyền thống một thời ấy.

Ở hai đoạn thơ đầu, Vũ Đình Liên dành để nói về những ngày huy hoàng của Nho học, của ông đồ:

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay.

Với đoạn thơ này, ta dễ phát hiện ra rằng, người ta vẫn nói là “cho chữ”, nhưng ở đây là bán chữ vì “bao nhiêu người thuê viết”. Như vậy có thể thấy, thực ra việc mài mực bán chữ nơi vỉa hè là việc bất đắc dĩ và cũng là cái cực của những kẻ sĩ công chưa thành, công chưa toại.

Bởi trước kia, người theo nghiệp khoa bảng, nếu đỗ cao thì thành quan nghè, quan thám; còn đỗ thấp thì cũng được danh là ông cữ ông tú. Người phải bất đắc dĩ về quê dạy học, bốc thuốc hay xem lí số, hay bán chữ nghĩa là chưa đỗ đạt gì. Việc “viết thuê” ấy là nỗi lận đận của kẻ thất thế trước nghiệp khoa bảng. Nhưng dân chúng yêu quý vì tài chữ tài nghĩa mà dành cho những lời khen hào pháo, cũng là một niềm an ủi.

Mặc dù như Vũ Đình Liên viết, “mỗi năm hoa đào nở”, nghĩa là mỗi năm chỉ có một lần bán chữ chứ cũng chẳng nhiều nhặn gì. Nếu đoạn thơ không được xem xét ở cương vị của người ôm hoài bão làm quan, hoài bão khoa cử, thì đây là một đoạn thơ vui. Bởi nhiều người thuê viết, nghĩa là ông đồ đắt hàng, là ông đồ vẫn còn có nghề kiếm sống. Điều này cũng cho thấy, đây là thời kỳ mà chữ Nho hay Nho học còn được ưa chuộng. 

  • Luận điểm 2: Số phận của ông đồ khi Nho học lụi tàn

Dù được nhiều người yêu mến vì nét chữ, vì truyền thống Nho học, nhưng rồi thời cuộc đổi thay, nhu cầu hay ý thích của người đời cũng thay đổi theo thời cuộc. Những thế hệ sau, khi được tiếp cận những điều mới mẻ hơn dường như không còn giữ được mối liên hệ với truyền thống, không còn quyến luyến cái chữ tượng hình mà cha mẹ, ông bà mình yêu thích. Giờ đây họ không còn quan tâm đến cái tài viết chữ “như phượng múa rồng bay” của ông đồ xưa nữa:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài giời mưa bụi bay

Lúc này, khi dần bị lãng quên, ông đồ rơi vào tình cảnh của một người nghệ sĩ không còn công chúng yêu mến, hay như một cô gái đã hết thì nhan sắc. Ông đồ vẫn ngồi đấy, vẫn bày mực tàu giấy đỏ, vẫn phải kiếm người mua chữ để tồn tại. Nhưng chẳng ai hay. 

Cái hiện thực ấy đã chạm vào nỗi lòng thương cảm của tác giả. Thế nên “giấy đỏ buồn không thắm”, còn mực không được mài cũng “đọng trong nghiên” sầu tủi. Và đất trời cũng như đồng cảm với hoàn cảnh ấy của ông đồ, nên mưa phùn gió bấc. Cái ngày ông đồ có nhiều người thuê viết trời yên gió lặng. Nhưng lúc này đây, ở cái buổi hết thời của chữ Nho, của ông đồ, mưa gió và lá vàng cuối mùa thì rơi trên mặt giấy.

Nhưng khi phân tích bài thơ ông đồ ta thấy rằng, cảnh vắng khách, trời mưa rét không chỉ làm hiện lên dáng vẻ buồn tủi của ông đồ mà còn cho thấy sự tiêu điều của xã hội qua mắt ông đồ. Lúc này, nếu thứ gắn liền với ông đồ là bút mực phai màu, trời đất thì gió mưa và ngoài kia, con người ta đã trở nên thờ ơ với việc xin chữ, xin câu đối. Nghĩa rằng mọi thứ đều đã thay đổi, chữ Nho chỉ còn lại chỉ là quá khứ từng lóe sáng.

Và cái quá khứ ấy không thể sống lại, không thể lại một lần nữa huy hoàng trở lại:

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Câu thơ đầu bài thơ “Mỗi năm hoa đào nở” đang diễn tả quy luật Tết đến người người nhộn nhịp xin chữ, nhưng đến đoạn thơ cuối, quy luật này không còn đúng nữa. Những ngày đầu của cuộc lụi tàn, ông đồ vẫn kiên nhẫn ngồi đấy dù mưa phùn gió bấc, nhưng “năm nay” “không thấy ông đồ xưa”. Ông đồ đã từng mong cứu lấy ngày cũ mà bám lấy xã hội hiện đại nhưng dù người ta thấy được sự cố sức, sự kiên trì níu lại của ông lại không làm gì mà chỉ thờ ơ bước qua. Cho đến khi quay nhìn lại, ông đồ đã đi đâu.

Người ta không thấy bởi suy cho cùng, ông đồ không phải chỉ là một người, một nghề mà là cả một thời đại. Khi sự lụi tàn choán lấy, mọi sự luyến tiếc cũng không kéo lại được ngày cũ và thứ còn lại sẽ chỉ là ký ức. Người ta tự hỏi nhau hay hỏi chính mình “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ?” ? Và đó là câu hỏi hay là sự tưởng niệm hay ân hận, sám hối?  Quả thực khi phân tích bài thơ ông đồ ta thấy đây là hai câu thơ hàm súc nhất. Chữ “muôn năm cũ” của câu trên như đang đè sức nặng lên câu cuối bài thơ. Nhưng có lẽ, khi mọi thứ đã lụi tàn, thời đại mới đã bước qua, câu thơ không còn là nỗi đau nhức nhối mà đúng hơn nó là tiếng thở dài cảm thương cho ông đồ, cho một thời đã qua với sự nuối tiếc khôn nguôi.

Kết bài

Chỉ với một bài thơ ngắn, Vũ Đình Liên đã gợi lại một xã hội Nho học đương thời được yêu mến lẫn thời kỳ suy tàn của xã hội ấy. Đồng thời, bài thơ là nỗi lòng cảm thương của tác giả dành cho ông đồ, hay dành cho một thời hoàng kim của Nho giáo.

>> Xem thêm: Phân tích vẻ đẹp sông hương của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường khiến người đọc trầm trồ về vẻ đẹp của đất nước

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *