Phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7 cực hay của Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7 ta như được chảy trong mạch cảm xúc yêu đương của nhà thơ, đó là nỗi nhớ mãnh liệt, lòng chung thủy tuyệt đối và một sự tin tưởng khó bề thay đổi trong tình yêu. Mượn hình tượng “sóng” tác giả đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái khi yêu một cách thật chân thành, đẹp đẽ.

Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7 cực hay của Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7 chi tiết

Tình yêu là đề tài muôn thuở trong thơ ca nhạc họa, nó làm con người ta say, biết nhớ thương hờn dỗi, biết lắng lo đau đớn. Thi nhân Việt Nam đã có không ít lần “trải chữ” để bày tỏ nỗi lòng khi trải qua trạng thái đặc biệt này, trong đó có Xuân Quỳnh với bài thơ Sóng. Tác phẩm được nữ thi sĩ viết vào năm 1967, khi cô có chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền, tỉnh Thái Bình. Đứng trước những con sóng vô tận, không ngừng nối tiếp nhau của biển cả, Xuân Quỳnh cảm nhận được sự đồng điệu giữa từng đợt sóng trào với những cung bậc cảm xúc của người phụ nữ khi yêu, từ đó Sóng được ra đời, in trong “Hoa dọc chiến hào”, là tập thơ tiêu biểu của nữ thi sĩ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Có thể nói rằng tình cảm sâu đậm, đáng trân quý của người phụ nữ trong tình yêu được thể hiện rõ nét nhất trong khổ 5, 6, 7 của tác phẩm. Vậy chúng ta hãy cùng phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7 để thấy được điều đó.

Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Có số lượng câu nhiều nhất trong bài là khổ thơ thứ 5, ở bốn câu thơ đầu người đọc được chứng kiến những con sóng lòng không ngừng dâng trào, kéo theo đó là bao nỗi nhớ thương âm ỉ, da diết: 

“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

“Con sóng” được lặp lại nhiều lần tạo nên một giọng thơ sôi nổi, quan trọng hơn nó là hình ảnh ẩn dụ cho nỗi nhớ đang không thôi cuộn trào trong lòng kẻ đang yêu. Bằng ngòi bút tinh tế của mình, Xuân Quỳnh đã khiến cho một hiện tượng rất đời thường trở nên có hồn, chất chứa đầy những suy tư trăn trở như một con người thật sự. Cặp từ đối lập giàu sức gợi hình gợi ảnh “dưới lòng sâu – trên mặt nước”, “ngày – đêm” không chỉ làm cho câu thơ được cân xứng hài hòa, tạo điệu thơ nhịp nhàng mà còn nhấn mạnh được nỗi nhớ bờ khôn nguôi của sóng. Dù ở bất cứ nơi đâu, ngầm lặng trong đại dương sâu thẳm hay hiện diện trên mặt biển bao la thì ở sóng luôn có một điều không bao giờ suy chuyển đó chính là nỗi nhớ bờ, mãi hướng mình về bờ như một chốn dừng chân thân thương, yên bình nhất. Nỗi nhớ ấy dường như bao trùm tất thảy không gian mênh mông của biển cả, trải dài ra theo sự chảy trôi vô tận của thời gian.

Phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7- Tình em như ngàn con sóng biển

Sự “không ngủ được” trong câu thơ thứ tư làm ta nhớ đến những dòng chữ Minh Huệ từng viết:

“Đêm nay Bác không ngủ

Vì một lẽ thường tình

Bác là Hồ Chí Minh”

Ở đây sự chủ động “không ngủ” của Bác là vì nặng lòng với quê hương, đất nước còn “ngày đêm không ngủ được” của Xuân Quỳnh chỉ mang tính tình cảm cá nhân tuy nhiên ấy là nỗi lòng chung của hàng triệu phụ nữ Việt khi phải chịu cảnh chia xa.

“Con sóng” của Xuân Quỳnh phải nói rằng “rất người” bởi nó biết “nhớ”, biết “không ngủ được” để rồi từ đây tác giả bày tỏ nỗi lòng của “em” một cách chính diện, không ngại ngần mấp mé:

“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức.”

Trong văn hóa của người phương Đông, đặc biệt là vào thời điểm lúc bấy giờ chuyện yêu đương nam nữ lúc nào cũng do người đàn ông chủ động bởi chúng ta có tư tưởng “trâu đi tìm cọc”, thế mà ở đây Xuân Quỳnh đã chủ động bày tỏ nỗi lòng của mình, trực tiếp khẳng định tình yêu, phá vỡ mọi rào cản. “Cọc” bây giờ không còn đợi “trâu” đi tìm mà tự dứt mình ra khỏi vị trí được ấn định để tìm trâu, chính tình yêu to lớn đã thúc đẩy cho sự táo bạo đầy dũng cảm này. Không chỉ nhớ anh khi thức, mà trong mơ em cũng luôn nghĩ về người, trong vô thức anh là bóng hình đặc biệt duy nhất mà em nhớ đến. Qua đây mới thấy rằng tình cảm mà người phụ nữ dành cho người mình yêu thật chân thành và mãnh liệt biết bao. Không vẽ nên những lời thề, lời ước hẹn xa xôi, Xuân Quỳnh để chảy trong thơ mình là những lời thủ thỉ hết sức tự nhiên, đằm thắm:

“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh – một phương.”

Phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7- Những con sóng nối tiếp nhau không ngừng vỗ vào bờ

Biện pháp điệp cấu trúc kết hợp với cặp từ đối lập “xuôi – ngược”, “Bắc – Nam” đã bao quát được toàn bộ không gian rộng lớn, không chỉ trong tầm đất nước mà rộng hơn là vũ trụ. Từ “dẫu” được lặp lại nhằm nhấn mạnh sự phủ định, không quan tâm khoảng cách xa xôi cách trở giữa anh và em, em ở đây luôn nghĩ đến anh, một lòng hướng về và chờ đợi anh. Từ “nghĩ” được nhà thơ sử dụng bên cạnh việc mang nghĩa là suy nghĩ đơn thuần trong đầu óc con người thì còn có ý tô đậm ý chí, niềm tin và khát vọng của người con gái. Họ không còn rụt rè, chờ đợi sự chủ động từ đối phương, theo họ tình yêu luôn phải rõ ràng và bình đẳng, khi đã quyết định dành tình cảm cho một ai đó thì phải yêu cho ra yêu, yêu thật trọn vẹn, thật hết lòng. Vì mang tâm ý như vậy mà từng dòng thơ của Xuân Quỳnh khi vang lên không chỉ mang nét gì đó đáng yêu mà còn đầy rắn rỏi, quyết liệt, dứt khoát. Khổ thơ vừa là lời bày tỏ chân thành, vừa là sự hiện thân đẹp đẽ của lòng chung thủy nơi người con gái trong tình yêu. Yêu đương thường khiến người ta chìm vào ảo mộng nhưng với Xuân Quỳnh, nhà thơ nhìn nó bằng đôi mắt rất thực tế rằng:

“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó 

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vàn cách trở”

Khó khăn là thứ luôn thường trực trong cuộc sống và trong tình yêu cũng vậy, nó chưa bao giờ để mình vắng mặt. Song nếu hiểu nhau, vì nhau, biết cùng nhau cố gắng vun đắp thì sẽ nhận được quả ngọt, đưa tình yêu cập được bến bờ hạnh phúc. Ở đây, “em” tin rằng khi có một tình yêu chân chính, đích thực kèm theo niềm tin mãnh liệt sẽ giúp chúng ta vượt qua bao khổ ải, bế tắc của cuộc đời. Như trước mắt em là biển, dưới chân em là sóng, sóng không ngừng vỗ vào bờ, trước khi đến được bến bờ bình yên phẳng lặng này những con sóng ấy đã phải vượt qua biết bao giông tố, gió mưa. “Dù muôn vàn cách trở” là thế nhưng con sóng nào rồi cũng đến bờ vì trong nó có đủ niềm tin và tình yêu to lớn. Đọc những câu thơ này của Xuân Quỳnh, ta thấy sự tương đồng với câu ca dao xưa:

“Yêu nhau mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.”

Tình yêu sẽ cho con người ta sức mạnh để vượt qua những điều tưởng chừng như không thể, tình yêu của nhân vật “em” ở đây tuy chủ động nhưng vẫn giữ được sự nữ tính, cho người đọc cảm nhận được rằng nó luôn cháy và sẽ cháy mạnh hơn nữa để có thể tìm được một hạnh phúc vẹn tròn.

Nhà thơ Xuân Quỳnh

Phân tích bài thơ Sóng khổ 5 6 7 ta như được chảy trong mạch cảm xúc yêu đương của nhà thơ, đó là nỗi nhớ mãnh liệt, lòng chung thủy tuyệt đối và một sự tin tưởng khó bề thay đổi trong tình yêu. Mượn hình tượng “sóng” tác giả đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái khi yêu một cách thật chân thành, đẹp đẽ. Tình yêu trong Sóng tha thiết, nồng nàn và đầy khát vọng, có thể vượt lên trên mọi giới hạn, khó khăn, thử thách. Bài thơ nói chung và ba khổ thơ nói riêng đã để lại trong lòng người đọc những xúc cảm, ấn tượng sâu sắc. Tin chắc rằng dù thời gian có chảy trôi thì đến ngàn đời sau thì những con chữ này của Xuân Quỳnh vẫn mãi là một thanh âm tươi đẹp trong lòng người yêu thơ. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *