Tràng giang là bài thơ nổi bật của tác giả Huy Cận. Dưới đây là phân tích bài Tràng giang Huy Cận hay và chi tiết nhất.
Bạn đang đọc: Phân tích bài Tràng giang Huy Cận cực hay và dễ hiểu
Phân tích bài Tràng giang Huy Cận
Thơ Mới nổi lên đầu thế kỉ XX đã để lại nhiều tác giả với các tác phẩm xuất chúng. Trong đó, Tràng giang được đánh giá là bài thơ nổi bật, có nhiều nét độc đáo riêng. Thông qua phân tích bài Tràng giang Huy Cận, ta sẽ thấy được thiên nhiên đẹp đẽ cùng nỗi niềm của chính nhà thơ.
Khái quát tác giả, tác phẩm
Huy Cận sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh. Ông có khiếu văn chương từ rất sớm, học cao. Ông có thơ đăng báo từ năm 15 tuổi. Sau đó trở nên nổi tiếng qua tập thơ “Lửa thiêng”. Trước Cách mạng, ông được biết đến là một trong những nhà thơ hàng đầu trong phong trào Thơ mới. Thời gian này, thơ của ông có nỗi ám ảnh thường trực là nỗi buồn của nhân thế, nỗi sầu bi kéo dài trong mỗi tác phẩm. Sau Cách mạng, phong cách thơ văn của Huy Cận thay đổi rõ rệt. Thơ ông tràn đầy niềm lạc quan, yêu đời, căng tràn sức sống mãnh liệt.
“Tràng giang” được Huy Cận sáng tác vào một chiều thu năm 1939. Khi đó, tác giả đang đứng ở bờ Nam bến Chèm sông Hồng ngắm cảnh thiên nhiên. Chính cái không gian mênh mang, hiu quạnh của sông Hồng và những trăn trở về kiếp người nhỏ bé, trôi nổi, vô định của nhà thơ đã tạo nên cảm hứng để ông sáng tác bài thơ này.
Phân tích chi tiết
Ngay từ nhan đề bài thơ, tác giả Huy Cận đã khéo léo gợi lên vẻ đẹp cổ điển xen lẫn nét hiện đại cho bài thơ. “Tràng giang” là một cách nói lệch đầy sáng tạo của tác giả. Hai âm “ang” sử dụng liền nhau đã gợi lên trong lòng người đọc cảm giác về con sông không chỉ có chiều dài vô cùng mà còn rộng bát ngát, mênh mông. Hai chữ “tràng giang” đã mang một sắc thái cổ điển trang nhã. Nó gợi liên tưởng về dòng Trường Giang nổi tiếng trong Đường thi. Đó là dòng sông của muôn thuở vĩnh hằng, dòng sông của tâm tưởng, huyền ảo và rộng lớn. Cùng với đó, lời đề từ đã nhấn mạnh không gian mênh mông, rộng lớn và nỗi nhớ da diết trong tâm hồn con người.
- Luận điểm 1: Khổ thơ đầu
Ở khổ thơ đầu, không gian thiên nhiên đã được Huy Cận khắc họa rõ nét:
“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;
Củi một cành khô lạc mấy dòng.”
Ngay từ câu thơ mở đầu, hình ảnh sông nước mênh mông được mở ra. Từ láy “điệp điệp” đã gợi lên hình ảnh những đợt sóng nối đuôi nhau vỗ vào bờ. Chúng vỗ không ngừng nghỉ, tưởng như không thể dứt. Từ đó đã giúp tô đậm thêm không gian rộng lớn, bao la của thiên nhiên. Cùng với đó, hình ảnh “con thuyền xuôi mái nước” lại gợi lên sự nhỏ bé, mong manh. Đây là hai hình ảnh đối lập giữa không gian sông nước mênh mông với hình con thuyền nhỏ nhoi, chòng chành giữa không gian. Nhờ vậy mà sự cô đơn, lẻ loi của con người lại càng được nhấn mạnh.
Hai câu thơ tiếp theo với hình ảnh “thuyền” và “nước” đã tạo nên một nỗi buồn chia lìa đang đón chờ phía trước. Vì vậy mà khiến cho con người cảm thấy lòng “sầu trăm ngả”. Thêm đó, người đọc lại thêm ám ảnh với hình ảnh “củi một cành khô lạc mấy dòng”. Nó gợi lên những suy tưởng về về cõi nhân sinh và sự lạc lõng, bơ vơ, không biết rồi sẽ trôi dạt về đâu của con người.
- Luận điểm 2: Khổ thơ hai
Tiếp theo, tác giả đã nâng tầm mắt ra xa để miêu tả thiên nhiên rộng lớn hơn:
“Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.”
Hai câu thơ đầu của khổ thơ đã khắc hoạ nên một không gian thiên nhiên vô cùng hoang vắng và hiu quạnh. Ở đây, Huy Cận đã sử dụng nghệ thuật đảo ngữ cùng từ láy “lơ thơ”, “đìu hiu” đặc biệt gợi cảm. Nhờ vậy mà gợi lên sự lạnh lẽo, thưa thớt, hoang vắng tột cùng của không gian.
Câu thơ “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều” là câu thơ có nhiều cách hiểu khác nhau. Thế nhưng dù có hiểu theo cách nào đi nữa, thì câu thơ ấy vẫn gợi lên trong lòng độc giả một nỗi buồn man mác. Đồng thời thể hiện được sự cô tịch, tàn tạ, thiếu vắng sự sống của con người của không gian.
Ở hai câu thơ sau, tác giả đã mở rộng không gian về cả về bốn phía. Từ đó làm cho cảnh vật vốn đã vắng vẻ nay lại càng thêm cô tịch và hoang vắng hơn. Qua không gian ấy, nỗi buồn, sự cô đơn đến tột cùng của tâm hồn con người được thể hiện rõ nét.
- Luận điểm 3: Khổ thơ ba
Tiếp nối nỗi buồn ở khổ thơ trên, đến những vần thơ tiếp theo, tâm trạng con người lại càng được bộc lộ rõ ràng:
“Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.”
Hình ảnh “bèo dạt về đâu hàng nối hàng” được tác giả sử dụng đã gợi lên hình ảnh về kiếp người, cõi nhân sinh. Đó là một kiếp người trôi nổi, vô định, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Giữa không gian rộng lớn, con người càng trở nên nhỏ bé và cô đơn đến tận cùng. Ở đây, Huy Cận đã sử dụng lặp lại nghệ thuật phủ định “không một chuyến đò ngang” – “không cầu”. Nó đã giúp thể hiện ý tứ của tác giả một cách rõ ràng. Ở nơi đây, thiên nhiên không hề có bất cứ thứ gì gắn kết đôi bờ với nhau. Nó thiếu đi hoàn toàn dấu vết của sự sống, của bóng hình con người. Và hơn hết là thiếu vắng đi tình người, không có nổi một mối giao hòa, thân mật bình thường giữa con người với con người.
- Luận điểm 4: Khổ thơ cuối
Càng về cuối, tâm trạng con người lại càng được khắc họa rõ nét hơn:
“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.”
Bức tranh thiên nhiên buổi chiều tà hiện lên với sự hùng vĩ, nên thơ thông qua hai câu thơ đầu của khổ thơ cuối. Hình ảnh những đám mây trắng nối tiếp nhau hết lớp này đến lớp khác, “đùn” lên dưới ánh nắng chiều như tạo nên những dãy núi dát bạc, nổi bật giữa trời chiều. Bên cạnh đó, hình ảnh cánh chim xuất hiện dường như ánh lên một tia ấm áp cho cảnh vật. Thế nhưng nó vẫn không thể làm vơi đi nỗi buồn trong sâu thẳm trái tim và tâm hồn của thi sĩ Huy Cận.
Đến hai câu thơ cuối, tác giả đã thể hiện nỗi nhớ quê hương một cách da diết, cháy bỏng. Hình ảnh “dợn dợn vời con nước” không chỉ nhằm miêu tả những đợt sóng lan xa. Hơn thế, nó còn gợi lên cảm giác buồn bã và nhớ nhung đến vô tận của nhà thơ. Đó là nỗi buồn của người con xa xứ nơi đất khách quê người, đang đau đáu một nỗi nhớ quê hương da diết, cháy bỏng. Câu thơ cuối đậm chất cổ điển đã khép lại bài thơ, diễn tả niềm thương nhớ quê hương đất nước của tác giả một cách rõ nét nhất. Xưa kia phải có khói bếp, giọng quê hay bất cứ dấu hiệu nào của nơi chôn rau cắt rốn,… thì nỗi nhớ quê mới dâng trào. Còn giờ đây, tác giả lại nhớ quê tha thiết dù “không khói hoàng hôn”. Đó là nỗi nhớ thường trực, khắc khoải trong trái tim và tâm hồn người con xa xứ.
Kết bài phân tích bài Tràng giang Huy Cận
Với giọng thơ đậm chất Đường thi cùng những hình ảnh độc đáo, Tràng giang đã khắc họa thiên nhiên chiều tà đẹp, hùng vĩ mà đượm buồn. Đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước đau đáu của tác giả.