Phân tích bài Xuất dương lưu biệt của tác giả Phan Bội Châu, chúng ta hiểu thêm về một tác phẩm về lòng yêu nước độc đáo. Hãy cùng theo dõi tài liệu chi tiết dưới đây để vận dụng vào bài làm văn của mình sao cho hiệu quả nhất nhé!
Bạn đang đọc: Phân tích bài Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu hay nhất
Trong chương trình Ngữ văn 11, việc phân tích bài Xuất dương lưu biệt giúp độc giả biết thêm về tác giả Phan Bội Châu. Đây là một trong những nhà yêu nước lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam. Đồng thời cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn của thi đàn văn học dân tộc.
Mở bài
Tác giả của tác phẩm là nhà văn Phan Bội Châu. Ông sinh năm 1867 và mất năm 1940. Quê ông ở Nam Đàn, Nghệ An. Ông đỗ giải Nguyễn năm 1900. Ông là một trong những nhà yêu nước sớm giác ngộ. Phan Bội Châu được biết đến là người sáng lập ra Hội Duy Tân vào năm 1904. Lịch sử ghi lại, vào năm 1905, Phan Bội Châu đã bí mật sang Nhật. Tại đây, ông đã dấy lên phong trào Đông Du và tham gia tích cực trong tổ chức Việt Nam Quang phụ hội. Nhưng đến năm 1925, tại Thượng Hải, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc rồi chúng đưa ông về Hà Nội và kết án tử hình. Nhưng trước làn sóng và sức mạnh đấu tranh của toàn nhân dân ta, thực dân Pháp buộc phải đưa ông về giam lỏng ở Huế. Để rồi, trong khoảng 15 năm cuối đời ở Bến Ngự, nhà yêu nước Phan Bội Châu vẫn luôn giữ trọn phẩm cách cao khiết. Ông tiếp tục theo đuổi Cách mạng và không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng thơ ca. Chính vì thế ông rất được nhân dân yêu mến. Đến ngày 29 tháng 12 năm 1940, Phan Bội Châu mất tại Huế.
Có thể khẳng định, trong suốt cuộc đời của mình, Phan Bội Châu là một người yêu nước vĩ đại. Nhưng đồng thời ông cũng là một nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước trong những năm đầu thế kỷ 20. Những tác phẩm của ông là những áng văn thơ sục sôi về tình yêu đất nước, chứa đựng tinh thần đầy nhiệt huyết của tác giả.
Phân tích bài Xuất dương lưu biệt, chúng ta được biết, nhà yêu nước Phan Bội Châu viết vào năm 1905, vào thời điểm ông phải chia tay các đồng chí, bạn bè, để bí mật sang Nhật và khuấy lên phong trào Đông Du nổi tiếng. Nội dung bài thơ xoay quanh ý nghĩa khẳng định chí làm trai và quyết tâm xuất dương của tác giả. Đó là phải làm nên sự nghiệp lớn, để cứu dân cứu nước thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ.
“Xuất dương lưu biệt
Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.”
Dịch thơ:
Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.
Dịch nghĩa
“Đã sinh làm kẻ nam nhi thì cũng phải mong có điều lạ,
Há lại để trời đất tự chuyển vần lấy sao!
Giữa khoảng trăm năm này, phải có ta chứ,
Chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư?
Non sông đã chết, sống chỉ nhục,
Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!
Mong đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông,
Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.”
Phần thân bài phân tích chi tiết
Luận điểm 1: hai câu đề
“Sinh vi nam tử yếu hy kỳ,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di”
(Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời).
Khi phân tích chi tiết tác phẩm, các bạn có thể thấy ngay hai câu đề đầu tiên, tác giả đã khẳng định về chí làm trai. Theo nhà thơ, kẻ sinh ra làm phận nam nhi trong cõi đời thì phải có khát vọng và ước mong những điều lạ. Có nghĩa là phải có ý chí, biết vươn lên để không sống tầm thường, phải làm nên nghiệp lớn lưu danh muôn đời. Đấng nam nhi nói riêng và con người nói chung sống phải tích cực, sống chru động cuộc đời của mình. Không phải để người khác, hay thiên nhiên làm chủ số phận. Bởi thế, ông mới đưa ra câu hỏi tu từ “há để càn khôn tự chuyển dời”.
Luận điểm 2: phân tích hai câu thực
Phân tích bài Xuất dương lưu biệt của nhà thơ Phan Bội Châu, độc giả nhận ra tác giả đã tự ý thức về cái tôi, bản ngã của mình. Ông rất tự hào và hãnh diện về vai trò của mình trong cuộc đời, trong lịch sử và xã hội.
“Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ”.
(Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?)
Tác giả tiếp tục đưa ra câu hỏi tu từ, hỏi không phải để có câu trả lời mà hỏi để tự nhắc mình, hỏi để nhắc nhở người. Đọc đến đây, chúng ta chợt nhớ tới người đồng hương của ông. Đó là nhà yêu nước, Nguyễn Công Trứ. Ông ấy cũng từng viết: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phái có danh gì với núi sông”. (Nguyễn Công Trứ). Cả hai ông đều cho rằng sống ở trên đời phải để lại lưu danh lại cho núi sông, cho muôn đời. Nhưng Phan Bội Châu còn quan niệm tiến bộ, mới mẻ về chí làm trai không chỉ cho bản thân mình mà còn hướng về Tổ quốc, về nhân dân. Ông đã từng viết: “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ. Tất cả vì nước, vì dân chứ không phải vì nghĩa vua — tôi. Ông khẳng định “Dân là dân nước, nước là nước dân”.
Luận điểm 3: phân tích bài Xuất dương lưu biệt ở hai câu luận
“Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”.
(Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài).
Nếu Nguyễn Công Trứ, Trương Hán Siêu… đều có những khát vọng chí làm trai phải có nghiệp lớn, phải lưu danh muôn đời thì Phan Bội Châu đã nâng tầm chí làm trai hơn một bậc. Đó là ông đã nêu lên quan điểm sống đẹp đẽ cảu kẻ sĩ trước lịch sử dân tộc và trước thời cuộc xã hội. Ông đã khẳng định rằng nếu nong sông chết, dân tộc bị nô lệ thì người hiền tài, thánh nhân có sống cũng thêm nhục. Điều này có nghĩa, chí làm trai của ông luôn đi cùng với tình yêu nước nồng nàn và tha thiết. Qua đó, độc giả cũng cảm nhận được nỗi đau thương mà dân tộc ta đang phải chịu đựng sự thống trị của thực dân Pháp. Nếu như sống trong một dân tộc bị nô lệ, bị giam cầm bị mất hết tư do thì những kẻ sĩ học tài cũng không xứng để lập công danh. Quan niệm này ông cũng đã từng viết trong tác phẩm “Hải ngoại huyết thư”. Ở đó, ông đã nói ý rằng khi hồn nước bơ vơ, thì những kẻ kĩ, kẻ nam nhi đừng nên lập công danh trước hết bằng việc học hành và thi cư. Ý thơ này nhằm phê phán cách học lạc hậu, càng học càng u mê, chỉ đọc sách thánh hiền mà không thể hiện bằng việc làm yêu nước, giúp dân. Quả thực, đây là một quan niệm chí làm trai sâu sắc, tiến bộ nhất của Phan Bội Châu “Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế/ Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si”.
Luận điểm 4: phân tích hai câu kết
“Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.”
(Muốn vượt bể Đông theo cánh gió
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi”.
Phân tích bài Xuất dương lưu biệt đến đây, độc giả thấy niềm khát khao được khẳng định mình, được thỏa chí làm trai vì dân, vì nước của tác giả đã vượt qua ngoài biên giới Tổ quốc. Trong nguyên tác chữ Hán, ông đã dùng hình tượng thơ kỳ vĩ là “trường phong Đông hải”, để nâng tầm chí làm trai ngang hàng với vũ trụ bao la. Tác giả muốn khẳng định ý chí và khát vọng vươn ra biển lớn, không còn muốn quẩn quanh nơi quan trường hoặc chốn trường thi chật hẹp. Ông biết rằng biển khơi ngoài kia sẽ đầy sóng bạc, đầy gian khó nhưng ông vẫn muốn vượt bể Đông theo cánh gió để tìm đường cứu nước, giúp dân. Qua câu thơ, chúng ta biết Phan Bội Châu là một người yêu nước vô cùng nhiệt huyết và chan chứa ý chí nguyện hy sinh bản thân cho hạnh phúc của nhân dân.
Kết bài
Cũng giống như những áng thơ về chí làm trai của các chí sĩ yêu nước trước đây, Xuất dương lưu biệt cũng là tác phẩm thuộc thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, được viết bằng chữ Hán. Tác giả đã sử dụng giọng thơ hào hùng, đĩnh đạc, mạnh mẽ và vô cùng cuốn hút. Nó như một lời tuyên truyền, thúc giục để mọi người lên đường, để mọi người cùng chung tay hành động để cứu dân, cứu nước.
Phân tích bài Xuất dương lưu biệt của Phan Bội Châu, để khẳng định thêm về quan niệm chí làm trai ngày xưa và ngày nay. Đó là phải có ước mơ, có những khát vọng lớn lao, xây dựng sự nghiệp lớn không chỉ lưu danh bản thân với muôn đời mà còn góp phần bảo vệ đất nước, mang tới hạnh phúc cho mọi người. Đó là ý chí của những con người không cam tâm làm nô lệ và quyết đi tìm đường cứu nước. Phan Bội Châu không chỉ nói mà ông đã làm được. Ông trở thành tấm gương cho Bác Hồ noi theo. Để rồi Người cũng vượt biển Đông, ra đi tìm đường cứu nước. Cả hai người đều là những người con của vùng đất Nam Đàn anh hùng linh kiệt. Do đó, khi đọc bài Lưu biệt khi xuất dương, người đọc cảm nhận tình cảm sâu sắc và ý chí làm trai mới mẻ, tiến bộ của nhà thơ người chiến sĩ yêu nước Phan Bội Châu. Bài thơ là bản anh hùng ca chan chứa tình yêu nước nồng nàng và sự quyết tâm lên đường cứu nước của những con người lúc bấy giờ. Dù biết rằng phía trước sẽ có nhiều gian lao vất vả, sẽ có những muôn trùng sóng bể thử thác hy sinh, nhưng vẫn nhất quyết ra đi để mong sao đất nước sớm được yên bình. Cũng như ngày nay, chí làm trai đã được khẳng định qua việc những thanh niên trai tráng xung phong vào tâm dịch, hoặc xung phong vào giải cứu nhân dân trong nhữn trận bão lũ. Điều này có thể thấy, dù thời nào, con người cũng cần phải có ý chí khẳng định cái tôi với non sông đất nước, vừa góp phần xây dựng và bảo vệ dân tộc Việt Nam.