Phân tích bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu đầy đủ

Phân tích bến quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu giúp các em học sinh nắm được nội dung chính của tác phẩm và phân tích hay, lưu loát, chính xác từng luận điểm, dễ dàng đat điểm cao trong các kì thi hay kiểm tra tới.

Bạn đang đọc: Phân tích bến quê của tác giả Nguyễn Minh Châu đầy đủ

Văn mẫu phân tích Bến quê

Mở bài Phân tích bến quê

Nguyễn Minh Châu là viên ngọc sáng trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Nếu những tác phẩm hiện đại khác ở thời kì kháng chiến chống Mỹ hay hòa bình thường nói đến những cái vất vả, đau đớn của chiến tranh hay sự biến chất của con người ở thời kì mới thì ngược lại, Nguyễn Minh Châu thường khai thác tận sâu vẻ đẹp tâm hồn của con người, nhân vật của ông không ồn ào, náo nhiệt nhưng luôn chứa đựng “hòn ngọc” bên trong, mang nhiều âm hưởng triết lí nhẹ nhàng về cuộc sống. Trong đó, phải kể đến tác phẩm Bến Quê, một tác phẩm gây tiếng vang trong nền văn học nước nhà khi nói về cuộc đời những con người luôn nồng nàn và khắc khoải với cuộc sống.

Thân Bài

  • Luận điểm 1: Giới thiệu qua về nội dung tác phẩm

Phân tích bến quê – Tác giả xây dựng nên một cốt truyện thật đơn giản nhưng cũng rất đặc biệt. Qua cái nhìn của nhân vật chính, người đọc được dẫn dắt vào những suy nghĩ, chiêm nghiệm cuộc đời rất ý nghĩa và sâu sắc. Đó là nhân vật Nhĩ, nhân vật chính của tác phẩm bị liệt toàn thân và đang sống ở những ngày cuối cùng của cuộc đời. Đây là khoảng thời gian Nhĩ nhìn nhận lại mọi chuyện và tâm trạng thay đổi liên tục, chiêm nghiệm cuộc sống và nhận ra nhiều thứ mà khi Nhĩ khỏe mạnh lại không hề hay biết. Cách xây dựng nhân vật vô cùng tinh tế khiến cho độc giả tò mò và không ít lần xúc động.

  • Luận điểm 2: Những cảm xúc của Nhĩ trên giường bệnh

Con người ta chỉ khi chuẩn bị bước vào cửa tử và có sự chuẩn bị thì sẽ có những suy nghĩ, chiêm nghiệm cuộc đời rất sâu sắc. Bởi khi chúng ta khỏe mạnh, chúng ta thường sống vội vã và ít khi hiểu được những triết lí ở cuộc đời. Và Nhĩ chỉ khi anh mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo và biết thời gian sống ít ỏi, anh nhận ra nhiều điều thật ý nghĩa mà bấy lâu anh đã bỏ qua.

Đó là buổi sáng đầu thu khi Nhĩ nhìn ra khung cửa sổ phòng mình. Vẫn là cảnh đó, hoa đó, bến sông đó nhưng giờ đây trong mắt Nhĩ mọi thứ lại hoàn toàn khác, mới mẻ và lạ lẫm. Cảnh vật theo miêu tả của Nhĩ từ xa đến gần và tạo thành một không gian có chiều sâu, rộng. Nhĩ nhìn thấy những ông hoa bằng lăng màu tím ngoài cửa sổ, con sông hồng với màu đỏ và vòm trời, bãi bồi bên sông kia. Tất cả những cảnh vật này đều làm Nhĩ xúc động và mới mẻ. Tác giả đã miêu tả tâm trạng của Nhĩ một cách tinh tế, Nhĩ tưởng như lần đầu tiên anh cảm nhận được tất cả vẻ đẹp và sự giàu có của nó. Đây chính là sự chuyển biến tâm lí rất thật ở những người đi đến cuối cuộc đời như Nhĩ. Cái nhìn như có sự nuối tiếc, một vẻ đẹp bao năm sừng sững ngay trước mặt vậy mà giờ đây, khi cuộc đời ở những phút cuối Nhĩ mới nhận ra. Qua đây chúng ta càng thấm thía rằng, cuộc đời không quá ngắn cũng chẳng quá dài, hãy sống thật chậm, cảm nhận thật chậm để không bao giờ phải tiếc nuối vì điều gì. Và qua đây tác giả cũng như muốn nhắn nhủ con người dù có đi đâu thì cũng hãy luôn nhớ về quê hương, đừng vô tình với quê hương mà hãy gắn bó và trân trọng.

Ngoài việc cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên bình dị ở quê hương, Nhĩ còn nhận ra vẻ đẹp của Liên, một vẻ đẹp tận tụy, hi sinh vì chồng con bao năm vẫn thế, là nơi bình yên của Nhĩ đến tận bây giờ. Những lúc nằm trên giường bệnh Nhĩ mới thấy biết ơn vợ vô cùng. Các cụ xưa có câu “Vợ chồng tương kính như tân” có nghĩa là dù đã là vợ chồng nhưng vẫn phải hành xử, đối với nhau lúc nào cũng kính trọng và như mới quen. Tuy nhiên, ai cũng biết khi đã bước vào cuộc sống vợ chồng, cớm áo gạo tiền, sự quen thuộc mỗi ngày khiến chúng ta thường quên đi tình cảm năm xưa dành cho nhau, chúng ta sống hời hợt, chán nản và ích kỉ hơn. Chỉ khi ở những giây cuối cuộc đời, chúng ta mới chiêm nghiệm, mới nhận ra đâu là bến đỗ thực sự, mới thấy cảm ơn và thương người bạn đời. Và Nhĩ đang ở trong tâm trạng như thế này!  Vẻ đẹp của Liên hiện lên với sự biết ơn sâu sắc của Nhĩ: “Cũng như cánh bãi bồi đang nằm phơi mình bên kia, tâm hồn Liên vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hy sinh từ bao đời xưa, và cũng chính nhờ có điều đó mà sau những ngày tháng bôn tẩu tìm kiếm…Nhĩ đã tìm thấy được nơi nương tựa là gia đình trong những ngày này”.

  • Luận điểm 3: Cảm nhận của Nhĩ về bản thân

Phân tích bến quê – Khi ở cuối cuộc đời, con người ta lại càng sống chậm lại, chiêm nghiệm bản thân và mới nhận ra những giá trị nhân sinh quan của cuộc đời. Vào buổi sáng mùa thu hôm ấy, lần đầu tiên Nhĩ mới thấy được vẻ đẹp của cảnh đẹp bình dị xung quanh mình, vẻ đẹp mà bấy lâu nay vẫn thế vậy mà giờ Nhĩ mới nhận ra. Đặc biệt, Nhĩ mới phát hiện ra cái bờ bên kia sông Hồng Nhĩ chưa bao giờ đặt chân đến. Thật oái ăm thay, một con người như Nhĩ đã đi tới không xót một xó xỉnh nào trên trái đất vậy mà cái bờ bên kia sông Hồng Nhĩ lại chưa bao giờ qua. Cái bờ bên kia sông đối diện ngay cửa nhà mình giờ đây đối với Nhĩ nó quá khó để với tới. Điều khao khát của Nhĩ khiến chúng ta thức tỉnh, những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của đời sống thường bị lãng quên, vô tình, nhất là khi ta còn trẻ ta thường chạy theo những ham muốn xa vời, để khi nhìn lại lại thấy nuối tiếc vì đã bỏ qua những điều tuyệt vời nhất ngay trước mặt. Nhĩ đã vô cùng ân hận xót xa vì anh đã bỏ quên quá nhiều thứ, anh khao khát được một lần đặt chân đến bờ bên kia sông Hồng. Một khát vọng mãnh liệt nhưng trớ trêu thay, ước muốn của anh thật khó thực hiện.

Nhĩ đã đặt hi vọng ấy vào đứa con trai, anh mong muốn nó sẽ thay anh để sang bên kia sông Hồng, giúp anh thực hiện nguyện vọng cuối cùng. Tuy nhiên, đứa con trai nhỏ của anh không thể hiểu hết khát khao mãnh liệt trong anh, nó thực hiện miễn cương. Nhưng nó lại bị sa đà vào trò chơi trên đường và đã bỏ lỡ chuyến đò cuối cùng. Tuy nhiên, thay vì trách con, anh đã hiểu rằng, cuộc sống cũng như thế, con người ta thường sẽ gặp phải những cái vòng vo trong cuộc đời và không thể biết rằng bên kia sông có gì hấp dẫn:  “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái vòng vèo hoặc chùng chình”. Anh không trách đứa con trai bởi giống như anh ngày trước, “nó đã thấy có gì hấp dẫn ở bên kia sông đâu”.

Đặc biệt ở cuối bài, khi Nhĩ có hành động rất kì quặc: “”Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài, giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát – y như đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”. Có thể nói đây là một khát võng mãnh liệt đến nỗi một người bị liệt như anh đã cố gắng dùng sức lực để ra hiệu cho con trai khi chuyến đò cuối cùng đang đến, đừng bỏ lỡ. Một hành động cho thấy con người ta đừng nên sa vào những cái chòng chành trong cuộc đời, hãy dứt khỏi nó, hướng đến những giá trị đích thực, giản dị, gần gũi. Hành động này càng thể hiện sự khao khát của anh mãnh liệt.

Nhĩ là một trong những nhân vật lí tưởng của Nguyễn Minh Châu, một nhân vật không quá khoa trương, tất cả câu chuyện đều được dẫn dắt bằng cảm xúc của anh, sự chuyển hóa trong nội tâm và diễn biến tâm trạng.

Kết bài

Thông qua nhân vật Nhĩ chúng ta càng hiểu và trân trọng cuộc sống, thế giới xung quanh mình, vẻ đẹp bình dị của quê hương, những giá trị giản đơn mà thật. Không cần tìm kiếm những điều xa hoa, xa lạ chỉ cần sống chậm lại, nhìn nhận cuộc sống ở quanh ta, bến nước, con đò, những người thân yêu. Mỗi ngày sống hết mình và yêu thương hết mình để không bao giờ phải nuối tiếc như Nhĩ, con sông ngay trước mặt mà không thể bước qua. Nguyễn Minh châu đã thực sự thành công khi truyền tải thông điệp về cuộc sống, hạnh phúc. Hạnh phúc luôn giản đơn và ngay trước mặt, không cần tìm kiếm đâu xa. Hãy yêu quê hương, trân trọng quê hương và yêu những người thân bên chúng ta. Chỉ có họ mới là điểm tựa vững chắc, là tổ ấm mà lúc nào ở bên chúng ta cũng thấy hạnh phúc, bình yên.

>> Xem thêm: Phân tích nhân vật Nhĩ chi tiết trong truyện ngắn Bến quê

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *