Phân tích Chí khí anh hùng trong Truyện Kiều Nguyễn Du

Cùng phân tích Chí khí anh hùng, một trích đoạn tiêu biểu xây dựng nhân vật Từ Hải, để hiểu hơn ước mơ về người anh hùng cứu dân, dẹp loạn của đại thi hào Nguyễn Du nhé!

Bạn đang đọc: Phân tích Chí khí anh hùng trong Truyện Kiều Nguyễn Du

Phân tích Chí khí anh hùng của Từ Hải chi tiết

Nguyễn Du không chỉ biết đến là danh nhân văn hóa dân tộc mà còn là một đại thi hào lỗi lạc của nền thơ ca Việt Nam. Đặc biệt, tác phẩm Truyện Kiều của ông đã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng. Được đông đảo độc giả trong và ngoài nước đón nhận. Mỗi trường đoạn trong tác phẩm bất hủ Truyện Kiều đều gắn liền với một giai đoạn cuộc đời nàng Kiều. Mỗi phân đoạn đều gửi gắm những tâm tư tình cảm day dứt của tác giả. Hãy cùng phân tích “Chí khí anh hùng”, một trích đoạn tiêu biểu xây dựng nhân vật Từ Hải, để hiểu hơn ước mơ về người anh hùng cứu dân, dẹp loạn của đại thi hào Nguyễn Du.

Trải qua bao sóng gió của cuộc đời, tưởng rằng Thúy Kiều mãi bị tủi nhục, ê chề thì Từ Hải đã xuất hiện. Chàng tới mang theo ánh sáng hi vọng cho cuộc đời Thúy Kiều. Từ Hải đã cứu Kiều thoát khỏi kiếp sống bán thân khi nàng rơi vào lầu xanh lần hai. Từ Hải không chê trách nàng mà đã cưới nàng làm vợ. Hai người sống bên nhau vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, Từ Hải luôn nuôi trong mình “Chí khí anh hùng” làm nên nghiệp lớn. Chàng không muốn cứ ở mãi trong nhà, quẩn quanh chân nàng Kiều. Bởi thế chàng quyết ra đi để thực hiện lý tưởng còn dở dang.

Hình tượng người anh hùng thời loạn

“Nửa năm hương lửa đương nồng

Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương

Trông vời trời bể mênh mang

Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Phân tích Chí khí anh hùng càng dễ dàng nhận ra khát vọng làm nên nghiệp lớn trong Từ Hải. Chàng vốn là người đầu đội trời, chân đạp đất, luôn muốn tung hoành muôn phương. Vì vậy, dù đang tận hưởng những ngày thánh mật ngọt của cuộc đời, những chàng vẫn “động lòng bốn phương”. Khen thay cho cách dùng từ của tác giả. Chỉ bằng động từ “thoắt”, và từ “động”, Nguyễn Du đã thể hiện được thái độ mau lẹ, dứt khoát của người trượng phu khi hành xử. Anh hùng đích thực sẽ luôn qua được ải mỹ nhân.

Người kiên trung sẽ không dùng dằng nửa ở nửa đi, cho tổn thương người và mình. Họ sẽ ra đi với tư thế hiên ngang, quyết đoán. Kết hợp với hình ảnh “trời bể mênh mang”, nơi người anh hùng thỏa sức tung hoành, tác giả đã phần nào gợi ra tầm vóc lớn lao, phi thường của người trượng phu. Bên cạnh đó, chí khí của người anh hùng còn thể hiện sâu sắc qua hình ảnh gươm, ngựa “lên đường thẳng rong”. Không đồ đạc lỉnh kỉnh. Không ngọc ngà châu báu. Không hành lý cồng kềnh. Tất cả chỉ gói gọn trên lựng ngựa và trong bao gươm. Quả thực, những câu từ đó làm nổi bật lên phong thái ung dung, dáng dấp đĩnh đạc, rong ruổi năm châu bốn biển của những anh hùng hào kiệt thời ấy.

  • Lối hành xử của bậc trượng phu

Bậc anh hùng không thể vì nước mắt nữ nhi mà bỏ lỡ chí lớn. Dù rằng cảm động trước tấm chân tình của Kiều nhưng Từ Hải nhất quyết không muốn vướng bận tình cảm. Không những thế, hơn ai hết Từ Hải không hề muốn người mình yêu thương phải xả thân nơi sa trường. Chàng muốn bảo vệ nàng. Thế nên, dù Thúy Kiều mong muốn được ra chiến trường cùng Từ Hải nhưng người anh hùng ấy đã khẳng khái từ chối:

“Từ rằng: Tâm phúc tương tri

Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình

Bao giờ mười vạn tinh binh

Tiếng chiêng dậy đất, bóng binh rợp đường

Làm cho rõ mặt phi thường

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia”

Lời đối thoại giữa hai vợ chồng nghe sao mà hợp tình hợp lý đến thế. Người thì muốn bên cạnh chồng để nâng khăn sửa túi. Kẻ lại mong vợ được bình an và hứa hẹn về tương lai tươi sáng. Chàng hứa rằng khi nghiệp lớn thành công, cơ đồ được gây dựng, lúc đó mới “rước nàng nghi gia”. Đúng là cảnh biệt ly giữa đấng quân tử và nữ đoan trang. Không quá bi lụy nhưng vẫn thật lãng mạn đầy yêu thương. Cả hai đều không để con tim chi phối lí trí. Họ sống bằng cái đầu lạnh nhưng trái tim cũng vô cùng nóng hổi và nhiệt huyết. Chỉ có những anh hùng hào kiệt mới có lối hành xử như vậy, mới có thể nghĩ cho người khác trước cả bản thân như vậy:

“Bằng ngay bốn bể là nhà

Theo càng thêm bận, biết là đi đâu

Đành lòng chờ đó ít lâu

Chầy chăng là một năm sau vội gì”

Từ Hải muốn Kiều hiểu rằng, chàng sẽ không chỉ cho nàng danh phận mà còn trao cho nàng cả tấm lòng. Bởi thế, khi phân tích Chí khí anh hùng, độc giả có thể nhận ra tấm chân tình của chàng Từ. Nếu câu trước chàng trách yêu sự yếu đuối của nàng thì câu sau đã bộc lộ sự quan tâm, an ủi. Chàng bảo nàng hãy chờ ít lâu, một năm sau có gì mà phải vội. Thân chàng đi khắp chốn. Bốn phương đều là nhà thì phận nữ nhi như nàng làm sao chịu được khổ cực. Mà dù nàng có thể chịu được đi chăng nữa thì chàng đâu nỡ lòng nào. Nàng đi chỉ thêm bận, lại không được an toàn. Đưa nàng vào cảnh ngộ hiểm nguy đó, chàng không thể. Cuối cùng, sau bao luyến lưu, Nguyễn Du đã để anh hùng Từ Hải ra đi:

Người anh hùng dứt áo ra đi

“Quyết lời dứt áo ra đi

Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi”

Không thể dùng dằng thêm nữa, chàng lên ngựa phóng đi. Gió mây cuồn cuộn phía sau, bóng chàng khuất dần dặm khơi. Mang theo bao ước vọng, mang theo cả niềm tin và tình yêu của Thúy Kiều, Từ Hải đã quyết chí ra đi.

Chỉ vẻn vẹn trong 14 câu thơ, nhưng tác giả Nguyễn Du đã phác họa rõ nét tâm thế của người anh hùng. Với lối đối thoại gần gũi, giống như chỉ là cuộc trò chuyện thân mật giữa những đôi vợ chồng trẻ, tác giả như đã nói hộ tâm tư của bao thế hệ con người. Không chỉ có nam nhân thời chiến, mà nam nhân của thời đại nào rồi cũng vậy!

Trong trái tim của họ luôn hừng hực sục sôi khí thế anh hùng. Giống như Phạm Ngũ Lão đã từng khẳng định: “Công danh nam tử còn vương nợ/ Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu” (Trích trong Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão). Hay bà Đoàn Thị Điểm đã từng nói: “Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”

Kết bài

Phân tích Chí khí anh hùng, một lần nữa giúp độc giả thêm yêu nhân vật Từ Hải. Nếu như trong những phần trước, Từ Hải xuất hiện với hình ảnh “vai năm tấc rộng/ Thân mười thước cao”, với “râu hùm hàm én mày ngài” thì ở đây lại là tâm thế hiên ngang, đầu đội trời chân đạp đất. Ở Từ Hải như hội tụ đầy đủ những phẩm chất đẹp đẽ, phi thường của người anh hùng hào kiệt. Có lẽ, việc xây dựng nhân vật Từ Hải trong đoạn Chí khí anh hùng, cũng chính là cách đại thi hào Nguyễn Du kín đáo thể hiện quan điểm về người anh hùng và giấc mơ công lí. Dù cho xã hội phong kiến thối nát. Dù cho xã hội ấy đầy rẫy những bất công thì đâu đó, vẫn tồn tại những chí khí anh hùng. Chỉ cần có cơ hội, chỉ cần có thời cơ là chí khí ấy sẽ bùng lên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *