Phân tích chi tiết cảnh phố huyện lúc chiều tàn trong “Hai đứa trẻ”

Phân tích cảnh phố huyện lúc chiều tàn để thấy được sự nghèo khó, đìu hiu của một vùng quê Bắc Bộ.

Bạn đang đọc: Phân tích chi tiết cảnh phố huyện lúc chiều tàn trong “Hai đứa trẻ”

Cảnh phố huyện lúc chiều tàn là một bức tranh hiện thực sâu sắc. Dưới ngòi bút tài hoa của Thạch Lam nó càng trở nên ám ảnh. Đó là hình ảnh đại diện cho bao vùng quê nghèo đói khác. Sự nghèo đói, lam lũ dường như đã bao trùm hết phố huyện nhỏ này. Cùng phân tích cảnh phố huyện lúc chiều tàn để thấy được thực tế phũ phàng ấy.  

Bài mẫu phân tích

Mở bài

Thạch Lam là một trong những cây bút truyện ngắn tài hoa của văn học Việt Nam. Các tác phẩm của ông đi sâu vào đời sống xã hội thể hiện cái nhìn chân thực và tấm lòng nhân đạo sâu sắc. “Hai đứa trẻ” là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông viết về những phận đời nghèo khổ nơi phố huyện nghèo. Khung cảnh phố huyện lúc chiều tàn có lẽ là đoạn tả thực nhất, giàu ý nghĩa nhất trong tác phẩm. Phân tích cảnh phố huyện lúc chiều tàn chi tiết để cảm nhận ý nghĩa sâu sắc mà Thạch Lam đã gửi gắm vào đó. 

Phố huyện lúc chiều tàn là khung cảnh đìu hiu, xơ xác

Thân bài

  • Luận điểm 1: Khung cảnh ngày tàn

“Hai đứa trẻ” mở đầu bằng âm thanh đặc trưng của một buổi chiều quê. Đó là “tiếng trống thu không” khép lại buổi chiều quê lặng lẽ. Tiếng trồng ấy chẳng dồn dập mà “từng tiếng một vang xa” càng tạo nên cái vẻ thê lương cho phố huyện nghèo. 

Sự tĩnh lặng của buổi chiều tàn còn được minh họa bởi tiếng “ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng”, tiếng muỗi vo ve. Những âm thanh ấy xuất hiện càng làm nổi bật thêm sự tĩnh lặng của vùng quê nghèo ấy. Dường như vùng quê ấy yên lặng, tĩnh mịch đến mức những âm thanh nhỏ nhất như tiếng kêu cót két từ cái chõng nan của chị em Liên cũng có thể khiến người ta giật mình. 

Thạch Lam vô cùng khéo léo khi tận dụng hết tất cả các giác quan để cảm nhận sự ảm đạm của không gian nơi phố huyện. Cùng với những âm thanh đặc trưng, tác giả không quên bổ sung thêm những hình ảnh, đường nét chân thực cho bức tranh phố huyện lúc bấy giờ. “Phương Tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn.” Chẳng cần dùng đến những hình ảnh hoa mỹ, chỉ là những cảnh mộc mạc, chân thực mà Thạch Lam đã làm nổi bật lên khung cảnh chiều tàn. Ở đây, tác giả đã dùng hình ảnh mặt trời dần khuất núi để miêu tả sự lụi tàn. Dường như những tia nắng kia đang cố lóe lên “đỏ rực như lửa cháy” lần cuối trước khi lụi tàn. 

Hình ảnh vệt nắng cuối ngày khuất sau rặng tre càng làm cho cảnh vật thêm u buồn

Ngay cả hình ảnh dãy tre làng cũng trở nên vô định trong hư không “Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời”. Đây là một hình ảnh tả thực khiến cho không gian như bao trùm một màu u tối. 

Chẳng cần phải gay gắt, chỉ bằng những hình ảnh, âm thanh cực kỳ thân thuộc, Thạch Lam đã vẽ nên được cái thần và hồn của phong cảnh phố huyện. Đó dường như là phong cảnh ta có thể bắt gặp ở bất cứ làng quê Việt Nam nào, rất thanh bình nhưng lại u buồn và lặng lẽ. 

  • Luận điểm 2: Cảnh chợ tàn và những kiếp người nơi phố huyện

Dạo đầu bằng hình ảnh thiên nhiên thân thuộc, Thạch Lam tiếp tục mở ra cho người đọc khung cảnh sinh hoạt của những kiếp người nơi phố huyện. Không gian chợ tàn được từ từ lật mở “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía”. Liên tục liệt kê ra những thứ còn sót lại sau phiên chợ tàn: rác rưởi, vỏ bưởi, bã mía,… càng làm cho khung cảnh ấy trở nên tiêu điều, xác xơ. 

Ngay giữa cái mùi “âm ẩm bốc lên”, giữa muôn vàn rác rưởi thì “Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi.” Từng đó thôi đủ để thấy số phận của những con người nơi phố huyện. Đó là những người nghèo khổ tới cùng cực. 

Trong bức tranh sinh hoạt của phố huyện những kiếp người tàn lần lượt hiện lên. Đó là mẹ con chị Tí tất bật với gánh hàng nước nhưng chẳng ăn thua. “Ngày chị đi mò cua bắt tép; tối đến chị mới dọn cái hàng nước này dưới gốc cây bàng, bên cạnh cái mốc gạch…. Chị Tí chả kiếm được bao nhiêu, nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng, từ chập tối cho đến đêm”. Rồi tiếng cười khanh khách của bà cụ Thi “một bà già hơi điên, vẫn mua rượu ở hàng Liên”. Ngay cả chị em Liên – vốn dĩ cái tuổi được ăn học nhưng đã phải cùng mẹ đối mặt với cơm áo gạo tiền. 

Sự xuất hiện của những con người ấy càng làm cho phố huyện lúc chập tối thêm đáng thương hơn. Dường như phố huyện nghèo này được Thạch Lam dùng làm hình ảnh tượng trưng cho bao vùng quê nghèo đói khác ở nước ta thời ấy. Đó là thời điểm con người ta lam lũ, rẻ rúm và đáng thương đến cùng cực. 

  • Luận điểm 3: Tâm trạng của Liên trước thời khắc ngày tàn

Qua bức tranh ngày tàn của phố huyện ấy, Thạch Lam lại làm nổi bật lên bức tranh tâm hồn đẹp đẽ của cô bé Liên. Đó là cô bé giàu tình yêu thương, vị tha và có tâm hồn ngây thơ hồn nhiên. Có lẽ vậy nên trong khoảnh khắc tàn úa nhất của một ngày, cô bé Liên ấy vẫn kịp cảm nhận được “mùi riêng của đất, của quê hương này”từ cái mùi âm ẩm bốc lên. Dường như, quê hương trong mắt Liên vẫn rất đẹp, là một nơi cần gắn bó, yêu thương. 

Cô bé Liên được khắc họa với tấm lòng yêu thương người sâu sắc

Và hơn hết đó là tình thương người sâu sắc của cô bé. Thạch Lam đã khéo léo miêu tả “Liên trông thấy động lòng thương nhưng chính chị cũng không có tiền để mà cho chúng nó”, khi Liên quan sát những đứa trẻ lượm lặt sau chợ tàn. Cách kể về cuộc sống của mẹ con chị Tí cũng cho thấy Liên là người sâu sắc đến thế nào. Dù mới 9 tuổi, dù không dám nhìn mặt bà cụ Thi và trong lòng hơi run sợ, nhưng Liên vẫn “lẳng lặng rót một cút rượu ti đầy đưa cho cụ”. Chỉ từng ấy thôi người ta đã thấy cô bé Liên có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế và thương người đến mức nào. Nhưng cũng như những con người ấy, Liên bất lực trước số phận, chẳng biết làm gì để thoát khỏi cảnh nghèo đói này. Thế nên cô bé bám víu vào những hồi tưởng, những ước mơ xa xôi. Có lẽ đâu đó trong tâm hồn Liên cũng có một chút gì Thạch Lam gửi gắm cho quê hương mình. 

Kết bài

Thạch Lam đã rất thành công khi khắc họa được bức tranh phố huyện lúc chiều tàn  mang vẻ đẹp chân thực nhưng đượm buồn. Sử dụng những hình ảnh đơn giản, thân thuộc như lại có tác động sát thương mạnh. Phân tích cảnh phố huyện lúc chiều tàn ta thấy được cuộc sống cơ cực, bần cùng của những kiếp người tàn. Đó là cuộc sống quẩn quanh, bế tắc, chẳng có tương lai. Qua bức tranh này, Thạch Lam cũng muốn bày tỏ niềm cảm thông với những kiếp người ấy.  

>> Xem thêm: Phân tích Hai Đứa Trẻ của nhà văn Thạch Lam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *