Phân tích đoạn thơ nhớ khi giặc đến giặc lùng trong Việt Bắc của Tố Hữu

Phân tích đoạn thơ nhớ khi giặc đến giặc lùng – Tài liệu phân tích dưới đây sẽ giúp cho các em nắm được nội dung tác phẩm, phân tích chính xác từng luận điểm, luận cứ và hành văn hay.

Bạn đang đọc: Phân tích đoạn thơ nhớ khi giặc đến giặc lùng trong Việt Bắc của Tố Hữu

Văn mẫu phân tích

Mở bài

Tố Hữu là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam và là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc. Thơ ông có sự hòa quyện mềm mại giữa yếu tố chính trị và yếu tố thơ ca, vì vậy tác phậm vừa đậm chất trữ tình lãng mạn, vừa có yếu tố chính trị. Những tác phẩm của ông chủ yếu viết về cách mạng, con người cách mạng. Trong đó, tác phẩm Việt Bắc tiêu biểu cho thơ của Tố Hữu, được sáng tác trong hoàn cảnh cơ quan của Đảng chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội. Trong đoạn trích “Nhớ khi giặc đến giặc lùng… Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng” là khúc ca ân nghĩa qua khung cảnh hùng tráng của Việt Bắc được tác giả hồi tưởng đầy xúc động và ân tình.

Thân bài

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội rừng vây quân thù

Cả khổ thơ tái hiện hoàn cảnh chiến tranh vô cùng căng thẳng và đày khó khăn. Nhớ khi giặc đến giặc lùng – một cảm xúc bao trùm đoạn thơ là nỗi nhớ. Khác với những đoạn trước, nỗi nhớ tràn ngập yêu thương da diết và đều là những cảm xúc hạnh phúc, bình yên. Thì trong câu thơ này, nỗi nhớ mang âm điệu sôi sục của này kháng chiến. Thời gian chiến đấu khắc nghiệt, hình dung ra cảnh giặc lùng từng chiến sĩ, căng thẳng vô cùng. Có như vậy mới biết các chiến sĩ cách mạng gan dạ và phải chiến đấu anh dũng thế nào để thoát khỏi họng súng của kẻ thù.

Điều đáng nói, khi giặc đến lùng thì từ con người đến thiên nhiên đều trở thành “thần hộ vệ” cho các chiến sĩ. Cả rừng cây, núi đá đều cùng các chiến sĩ cách mạng đánh giặc, núi thì giăng thành lũy sắt dày, rừng thì che cho bộ đội ẩn mình để chống giặc. So với những đoạn thơ trước, đoạn thơ đã tạo nên một âm điệu sử thi hào hùng. Cả quân và dân và thiên nhiên núi rừng như hòa vào với nhau, tạo nên một khối sức mạnh vô cùng vững chãi, đồng lòng đánh quân xâm lược. Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc không hề vô tri vô giác mà vô cùng sống động, thể hiện sự gắn bó, đồng lòng, đoàn kết cùng con người Việt Bắc bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng đất nước.

Mênh mông bốn mặt sương mù

Đất trời ta cả chiến khu một lòng

Cả câu thơ mở ra một không gian vô cùng lớn, bốn mặt sương mù, sương giăng khắp nơi khiến cho khung cảnh mờ ảo và vô cùng hiểm nguy. Khung cảnh có phần uy linh nhưng cũng không kém phần lãng mạn. Hình ảnh “Mênh mông bốn mặt sương mù” cũng thể hiện sự phát triển của kháng chiến, chiến khu giải phóng ngày càng rộn lớn hơn. Đặc biệt, không chỉ thiên nhiên núi rừng mà ngay cả đất trời cũng đều là của ta, đều một lòng chống giặc.

Hàm ý câu thơ thứ hai chính là khẳng định chủ quyền của vùng giải phóng. Sông núi này là của chúng ta, đất trời này là của chúng ta và thực dân Pháp đang xâm phạm chủ quyền cần phải đánh đổi. Cả hai câu thơ cũng thể hiện sự đoàn kết, cùng hướng về đất nước của dân Việt Bắc nói riêng và dân ta nói chung trong cuộc kháng chiến trường kì này.

Ai về ai có nhớ không ?

Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng

Nhớ sông Lô, nhớ Phố Ràng

Nhớ từ Cao – Lạng, nhớ sang Nhị Hà.

Trong đoạn thơ này tác giả sử dụng câu hỏi tu từ, hỏi mà như không hỏi. Đọc qua thôi chúng ta cũng cảm nhận nỗi nhớ của người đi và kẻ ở. Các chiến sĩ cách mạng về xuôi không nguôi nhớ những người dân Việt Bắc đã bao bọc, cưu mang, che chở trong những năm gian khó. Và ngược lại, những con người Việt Bắc cũng không thể quên những người chiến sĩ cộng sản gan dạ, dám hi sinh vì tổ quốc. Sau câu hỏi tu từ là đại từ “Ta”, một đại từ thể hiện sự rộng lớn, đại diện cho một thế hệ, và khẳng định nỗi nhớ của Ta – những người chiến sĩ về xuôi dành cho đồng bào Việt Bắc là lớn lao, là cụ thể. Nhớ từ Phủ Thông đến đèo Giàng, từ sông Lo đến Phố Ràng, từ Cao lạng sang Nhị Hà. Nỗi nhớ trải dài khắp miền Việt Bắc, cho thấy một tình cảm thâm sâu và in đậm trong trí nhớ.

Đây cũng là những địa danh ghi lại những chiến công hào hùng của dân tộc. Đó là sự kiện Phủ Thông – Đèo Giàng – nơi diễn ra các trận hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Sông lô – phố Ràng nơi đánh tàu chiếm Pháp trong chiến dịch Việt Bắc và trận đánh đồn Phố Ràng. Riêng địa danh Cao Bằng, lạng sơn thì ta mở chiến dịch giải phóng biên giới Việt trung. Như vậy, trong nỗi nhớ còn chứa đựng niềm tự hào về những chiến công hào hùng, càng khẳng định vai trò của con người quan trọng biết nhường nào.

Điệp từ nhớ nghe nhẹ nhàng mà sâu lắng, lúc trầm, lúc bổng, lúc mãnh liệt, và trong khổ thơ này đây nỗi nhớ là sự biết ơn đến những người đã hi sinh trong các trận chiến và sự tự hào về Việt Bắc – cái nôi cách mạng đã nuôi dưỡng những con người lý tưởng của Đảng.

Những đường Việt Bắc của ta

Ðêm đêm rầm rập như là đất rung

Sang khổ thơ tiếp tác giả đã mở rộng thêm không gian của Việt Bắc. Việt Bắc trở thành con đường cách mạng lí tượng, rộng thêm, dài thêm, và đêm đêm râm rập tiếng hành quân. Hai câu thơ cho thấy khí thế hào hùng làm rung chuyển đất trời, càng khẳng định sức mạnh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến, đã sẵn sàng bước vào trận chiến.

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay.

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Ðèn pha bật sáng như ngày mai lên.

Qua khổ thơ chúng ta cảm nhận được một đội quân hùng dũng, đang bước đi thật đều với một tâm thế sẵn sàng bước vào chiến trận. Từ láy “điệp điệp trùng trùng” cho thấy những đoàn quan nối tiếp nhau tạo thành những đợt sóng trào kéo dài vô tận. Đặc biệt hình ảnh “ánh sao đầu súng” một hình ảnh gợi nhiều liên tưởng. Trong gian khó vẫn có sự lãng mạn, sự lạc quan ,tin tưởng vào tự do, vào tương lai. Hình ảnh này khiến chúng ta liên tưởng đến câu thơ: “Trăng treo đầu súng” trong bài thơ đồng chí. Thiên nhiên đã đồng hành cùng chiến sĩ, ánh sao chính là lý tưởng soi sáng, mang đến tinh thần lạc quan, tràn đầy khí thế.

Tiếp sang câu thơ sau chúng ta thấy được hình dân quân với những ngọn đuốc sáng bừng, soi đường, tiếp lương, tải đạn với đầy đủ già trẻ trai gái… Họ bước đi hiên ngang không sợ hãi, không chùn bước, hình tượng bước chân nát đá cho thấy sự dũng mãnh, khẩn trương, không nề hà gian khổ. Có thể nói đội dân quân hùng hậu cũng góp phần rất lớn vào sự đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Cả khổ thơ là sự hào hùng, khí thế, mạnh mẽ của quân và dân ta, vượt qua mọi khó khăn chông gai, sẵn sàng chiến đấu chống giặc.

Tiếp sang hình ảnh của đoàn ô tô quân sự, xe kéo pháo, chở súng đạn, thuốc men lương thực rùng rùng ra trận. Trong đêm tối, ánh đèn pha chiếu sáng không chỉ xuyên thủng màn đêm mà còn soi sáng tư tưởng xuyên qua những đêm dài tăm tối. Câu thơ “nghìn đêm thăm thẳm sương dày” cính là ngụ ý nói đến những khó khăn vất vả thiếu thốn trong hiện tại và quá khứ và giờ đây được ánh sáng của Đảng chiếu sáng, xóa đi những đêm tăm tối, thoát khỏi kiếp vùng lầy nô lệ.

Với nhịp điệu thơ dồn dập, mạnh mẽ, gấp gáp hào hùng sôi động và đoạn thơ tràn ngập ánh sáng của đèn xe, của ngôi sao, của đuốc đặc biệt là ánh sáng của niềm tin. Tất cả tạo nên một khúc hùng ca chiến thắng.

Tin vui chiến thắng trăm miền

Hoà Bình, Tây Bắc, Ðiện Biên vui về

Vui từ Ðồng Tháp, An Khê

Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng.

Trong đoạn thơ này tác giả thể hiện một trạng thái vui mừng tả xiết, tự hào khi tin vui chiến thắng đổ dồn dập từ mọi miền đất nước từ miền núi đến đồng bằng, từ bắc tới nam. Niềm vui khó tả xiết, đọc câu thơ người đọc cũng vui lây với tác giả và những con người thời ấy.

Nhịp điệu thơ dồn dập, vui tươi cho thấy tốc độ thần kì, nhanh chóng của chiến thắng. Giọng thơ say mê, náo nực ngập tràn vui sướng. Đây là niềm vui sướng của hàng triệu con người từ Bắc tới Nam.

Kết bài

Đoạn thơ đã nói lên nỗi lòng của tác giả đằng sau nỗi nhớ ấy là những tâm tư tình cảm của nhà thơ dành cho đồng bào Việt Bắc. Đặc biệt, đoạn thơ là sự kết hợp khéo léo hài hòa của chất trữ tình và chính trị, biểu hiện rõ trong nỗi nhớ người ra đi và thể hiện qua sự vận động từ nội dung đến nghệ thuật.

Một lần nữa khẳng định, đoạn trích trên chính là khúc ca ân nghĩa, hùng tráng của Việt Bắc trong kháng chiến. Khúc ca ấy qua hồi tưởng của tố Hữu không chỉ hào hùng mà còn rất đậm tình nghĩa, ân tình. Chặng đường mười lăm năm đã qua của đất nước, nhưng nhìn lại vẫn thấy vô cùng biết ơn những con người Việt Bắc đã cưu mang, nhờ có họ, nhờ có mảnh đất này mà dân quân ta mới có thể dành chiến thắng trước kẻ thù.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *