Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu ngưng bích để thấy được cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của nàng Kiều.
Bạn đang đọc: Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu ngưng bích – Văn mẫu siêu chuẩn
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích cần tìm hiểu kỹ về tác giả, tác phẩm. Nguyễn Du là danh nhân văn hóa, là một tác gia lỗi lạc của văn học Việt Nam. Ông đã đóng góp cho kho tàng văn học Việt Nam nhiều giá trị đi theo năm tháng. Trong đó, Truyện Kiều là một trong những kiệt tác nghệ thuật Nguyễn Du đã để lại cho nền thơ ca. Dưới ngòi bút và tài hoa của mình, Nguyễn Du đã tạo ra giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc trong Truyện Kiều.
Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác thơ ca của mọi thời đại. Tác phẩm là nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều nhà thơ, nhà văn hiện đại sau này. Những chi tiết trong Truyện Kiều được sử dụng làm chất liệu trong thơ, ca, nhạc, họa.
Mở bài
Đọc Truyện Kiều, chúng ta chắc hẳn không thể quên được đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích”. Đoạn trích này nằm trong phần “Gia biến, lưu lạc” khi Kiều bán mình chuộc cha và em trai, sau đó bị Mã Giám Sinh lừa bán vào thanh lâu. Đây là đoạn trích lột tả được tâm trạng của Thúy Kiều một cách chân thực nhất. Qua đó, chúng ta còn thấy được sự tài tình của Nguyễn Du khi sử dụng những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Cùng phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích để thấy rõ ý đồ cũng như sự tài hoa của tác giả.
Thân bài
- Luận điểm 1: Cảnh cô đơn, tủi phận của Thúy Kiều
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.”
Mở đầu đoạn trích, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được sự cô đơn, tủi phận của Thúy Kiểu ở chốn tha phương. Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng từ ngũ để miêu tả tình cảnh của Kiều lúc này. “Khóa xuân” cho thấy tuổi trẻ của Kiều đã bị chôn vùi chốn lầu xanh, rơi vào cảnh “chim lồng cá chậu”. Sử dụng từ ngữ ấy Nguyễn Du không đơn thuần nói tới phận người con gái cấm cung, mà còn là sự mỉa mai, chua xót cho phận nàng Kiều. Giữa không gian mênh mông, hoang vắng, nàng Kiều một mình nơi đây xa cha mẹ, xa quê hương chịu phận ô nhục.
Để thấy được hoàn cảnh của Kiều, Nguyễn Du đã khéo léo miêu tả phong cảnh nơi đây. Đó là một nơi tuyệt đẹp, hữu tình với “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”. Thế nhưng, trước cảnh đẹp ấy, Kiều lại chẳng thể nào vui được. Dường như sự mênh mang của thiên nhiên càng làm cho Lầu Ngưng Bích nơi Kiều ở trở nên nhỏ bé. Giờ đây nàng Kiều chỉ còn biết quẩn quanh “mây sớm đèn khuya” giữa chốn thiên nhiên ấy.
Một nàng Kiều đang mơn mởn tuổi xuân, đang tràn trề sức trẻ ấy thế mà bị giam cầm nơi lầu Ngưng Bích thì còn gì đáng buồn hơn. Càng nghĩ tới phận mình, Kiều càng cảm thấy “bẽ bàng”, buồn tủi. Giờ đây nàng chỉ biết làm bạn với mây, gió, với cảnh vật hoang vu cho qua ngày đoạn tháng.
- Luận điểm 2: Nỗi niềm thương nhớ Kim Trọng và cha mẹ
Trong nỗi cô đơn, buồn tủi giữa chốn lầu xanh, Kiều cảm thấy trơ trọi một mình. Giờ đây nàng mong ngóng một hình bóng quen thuộc, nàng nhớ quê hương, cha mẹ và cả người yêu của mình. Có lẽ trong một phút nào đó Kiều muốn được thoát khỏi khung cảnh ấy, thoát ra khỏi chốn giam cầm cách biệt nơi đất khách quê người này.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Chỉ mấy câu thơ, Nguyễn Du đã làm rõ nét tâm lý, tấm lòng chung thủy của Kiều. Dù bị giam cầm nhưng lòng Kiều vẫn “tưởng”, “trông”, “chờ” đến người yêu của mình. Đó là nỗi nhớ khôn nguôi, nhớ về lời hẹn ước trăm năm. Kiều càng đau lòng hơn khi tưởng về cảnh Kim Trọng đang “rày trông mai chờ”, nhưng không biết rằng người con gái mình yêu đang bị giam cầm chốn lầu xanh. Điều này càng khiến Kiều thêm xót xa, lo âu. Thế rồi Kiều lại nghĩ về phận mình mà bật lên câu hỏi “bên trời góc bể bơ vơ/ Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”. Đó là sự lo lắng làm sao gột rửa sạch những hoen ố của tấm lòng chung thủy để đáp lại tình yêu của Kim Trọng. Dường như nàng cảm thấy hổ thẹn với bản thân mình, thấy bản thân không còn xứng đáng với Kim Trọng. Và thời gian để gột rửa được những hoen ố ấy là vô định.
Không chỉ thương nhớ Kim Trọng, ở nơi đất khách quê người buồn tủi, Kiều cũng không nguôi nhớ thương, lo lắng cho những người thân sinh của mình.
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm
Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng ngôn ngữ độc thoại để thấy được sự ngổn ngang trong tâm trạng của Kiều. Nỗi nhớ cha mẹ của nàng kéo dài theo năm tháng, nàng ngày đêm lo lắng sợ cha mẹ “tựa cửa hôm mai” mong ngóng tin con. Trong đoạn này, Nguyễn Du đã sử dụng thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh” cùng với điển tích “Sân Lai” “Gốc tử” để nói lên tấm lòng hiếu thảo, tâm trạng nhớ nhung cha mẹ da diết của Kiều.
Giữa muôn trùng cách trở ấy, nàng sợ mọi thứ đã thay đổi, cha mẹ ngày càng già yếu, không ai chăm sóc, phụng dưỡng. Càng nghĩ tới cha mẹ già nàng càng day dứt, áy náy vì chưa tròn bổn phận phụng dưỡng cha mẹ. Thông qua những điều này ta thấy Kiều không chỉ sở hữu nét đẹp “sắc nước nghiêng thành” mà còn có tấm lòng vị tha, hiếu thảo hiếm có.
Trong cảnh ngộ của Kiều đáng nhẽ nàng phải lo lắng cho phận mình trước tiên. Nhưng không, dù cô đơn, tủi nhục, nàng đã quên đi cảnh ngộ của mình để lo lắng cho những người thân yêu của mình. Nguyễn Du đã thông qua cảnh vật bên ngoài để diễn tả chiều sâu tâm trạng của Kiều.
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa
Hình ảnh “cửa bể chiều hôm” càng gợi lên sự cô độc của Kiều. Đó là thời điểm những tia nắng cuối ngày chợt tắt, thay vào đó là sự bao trùm của màn đêm tăm tối. Nó làm cho ta thấy được sự da diết, lưu luyến của Kiều. Cùng với những từ ngữ gợi hình “thấp thoáng”, “xa xa” càng khiến sự đơn độc của Kiều càng thêm thâm sâu. Hình ảnh “cánh buồm xa xa” gợi nên sự nhỏ bé giữa biển nước mênh mông. Nó giống như số phận của Kiều vậy. Đây cũng có lẽ là hy vọng của Kiều, hy vọng về một con thuyền sẽ đến cứu. Vậy nhưng chiếc thuyền ấy chỉ như tia sáng nhỏ le lói, lênh đênh rồi mất hút phía chân trời.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu
Tâm trạng của Kiều được Nguyễn Du đặc tả rõ qua từ “buồn trông”. Dường như nỗi cô đơn, trống trải đã ăn sâu vào con người nàng, khiến nàng chẳng thế nào chống chọi được với “ngọn nước mới sa”. Số phận của Kiều cũng giống như ngọn nước ấy bị dòng đời đẩy đưa. Cuộc đời của Kiều giống như “hoa trôi” trong vô định, không “biết là về đâu”, chẳng biết bao giờ mới được về với quê hương, với người mình yêu thường.
Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm trạng Kiều chất chứa bao nhiêu nỗi buồn tủi, càng làm cho cỏ cây cũng “rầu rầu”
Buồn trông nội cỏ rầu rầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh
Sắc xanh qua đôi mắt buồn tủi của Kiều sao mà sầu thảm đến vậy. Dường như khi buồn, chẳng có điều gì trở nên tươi sáng, đến nội cỏ cũng phải “rầu rầu” xơ xác đến thảm thương. Xung quanh Kiều mọi thứ trở nên mờ mịt, tối đen. Ngay cả màu xanh hy vọng cũng tàn úa trong mắt Kiều. Nó giống như niềm hy vọng của nàng đang ngày một cạn dần nơi lầu Ngưng Bích.
Từ tâm trạng buồn tủi đến lặng im, giờ đây không gian bỗng dậy sóng:
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi
Dùng hình ảnh dậy sóng của thiên nhiên, có lẽ Nguyễn Du muốn nhắc đến những bão tố phong ba đang chờ Kiều phía trước. Những tai họa ấy sẽ ập đến đời của Kiều liên tục như những tiếng sóng “ầm ầm”, “gió cuốn mặt duềnh”. Đó chắc hẳn là những điều làm cho Kiều càng thêm sầu thảm.
Sử dụng điệp ngữ “buồn trông” ở bốn câu lục bát liên tiếp giống như tiếng thở dài buồn bã của Kiều. Đó là tiếng thở dài của số phận cô gái trẻ bị giam cầm, tiếng thở dài cho tuổi trẻ, cho gia đình, cho quê hương.
Lời kết
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích ta thấy được sự tài hoa của Nguyễn Du. Bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được một Thúy Kiều sâu sắc, vị tha, chung thủy và hiếu thảo. Có lẽ chính điều ấy đã làm cho đoạn trích này đi vào tâm tưởng bao thế hệ chẳng thể nào quên.
>> Xem thêm: Phân tích vẻ đẹp của Thúy Kiều trong đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”