Phân tích hình tượng ông lái đò của Nguyễn Tuân để thấy được sự tài hoa của tác giả

Phân tích hình tượng ông lái đò của Nguyễn Tuân để thấy được sự tài hoa của tác giả

Văn chương Nguyễn Tuân tài hoa, uyên bác. Phân tích hình tượng ông lái đò, ta sẽ thấy rõ phong cách tùy bút độc đáo, tài hoa của tác giả.

Bạn đang đọc: Phân tích hình tượng ông lái đò của Nguyễn Tuân để thấy được sự tài hoa của tác giả

Phân tích hình tượng ông lái đò chi tiết

Mở bài

Nguyễn Tuân là cây bút tài hoa, uyên bác, cả đời say mê tìm kiếm vẻ đẹp của cuộc sống. Ông đặc biệt có sở trường về thể loại tuỳ bút. Trong đó tùy bút “Người lái đò sông Đà” được đánh giá là tác phẩm nổi bật nhất của ông. Tác phẩm đã khắc họa vẻ đẹp đa dạng của con sông Đà, hiện lên vừa hung bạo vừa trữ tình. Đồng thời cũng là lời ngợi ca người lái đò giản dị mà kì vĩ trên dòng sông. Phân tích hình tượng ông lái đò trong tác phẩm, ta sẽ thấy được niềm tự hào, trân trọng của tác giả với con người, cuộc đời.

Thân bài phân tích hình tượng ông lái đò

Tác phẩm tùy bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập tùy bút “Sông Đà” (1960). Tập sách bao gồm 15 bài tuỳ bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kì xây dựng Chủ nghĩa xã họi ở miền Bắc, là kết quả của chuyến đi thực tế của tác giả đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Trong đó, chuyến đi thực tế năm 1958 được xem là có ảnh hưởng nhiều nhất. Nguyễn Tuân đã đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc thiểu số trên khắp vùng. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới sau kháng chiến ở vùng cao đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho tác giả.

Phân tích hình tượng ông lái đò của Nguyễn Tuân để thấy được sự tài hoa của tác giả

Tác giả Nguyễn Tuân

Trong tác phẩm, tác giả tập trung miêu tả phong cảnh Tây Bắc uy nghiêm, hùng vĩ nhưng cũng rất đỗi thơ mộng. Thế nhưng đặc biệt, Nguyễn Tuân còn có phát hiện, khám phá và trân trọng những điểm quý báu trong tâm hồn con người. Cái mà ông gọi là “thứ vàng mười đã được thử lửa, là chất vàng mười của tâm hồn Tây Bắc.”

  • Luận điểm 1: Lai lịch, xuất thân

Trước hết, tác giả miêu tả nhân vật người lái đò chi tiết về lai lịch, xuất thân của ông. Đó là người lái đò trên sông Đà, hàng ngày phải đối mặt với thiên nhiên hung bạo. Chỉ một vài câu văn, hình ảnh người lao động lam lũ nhưng cũng hết sức yêu nghề hiện lên. Tác giả không đi sâu vào miêu tả nhân thân của nhân vật mà làm nổi bật vẻ đẹp qua ngoại hình. Ông đã gần bảy mươi tuổi nhưng thân hình lại rất rất chắc khỏe “gọn quánh như chất sừng, chất mun”, “tiếng nói ào ào như sông nước”. “hai tay dài lêu nghêu như cái sào lái đò”, “hai chân khuỳnh khuỳnh như đang kẹp chặt cái cuống lái trong tưởng tượng”… Không phải là nhân vật lẫy lừng. Cũng không phải là chàng trai có vẻ ngoài hào nhoáng. Trong đôi mắt của Nguyễn Tuân, đó là chân dung của người lao động bình thường nhưng rất đáng trân trọng.

  • Luận điểm 2: Vẻ đẹp của người lái đò

Qua lăng kính tài hoa của Nguyễn Tuân, hình ảnh người lái đò hiện lên trước hết là một người lao động từng trải, có nhiều kinh nghiệm đò giang. Nhân vật ấy có lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, nhanh nhẹn và cả sự quyết đoán khi đối mặt với thiên nhiên hùng vĩ. Nguyễn Tuân đã đưa nhân vật của mình vào hoàn cảnh khốc liệt mà ở đó, tất cả những phẩm chất ấy được bộc lộ, nếu không phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Tác giả gọi đây là “cuộc chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà”, “trên một quãng thuỷ chiến ở mặt trận sông Đà”. Đó chính là cuộc vượt thác đầy nguy hiểm chết người, diễn ra nhiều hồi, nhiều đợt như một trận đánh mà đối phương trước tiên hiện ra diện mạo và tâm địa của “kẻ thù số một”.

Bằng ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, dòng sông Đà hiện lên vô cùng kì vĩ, trùng điệp hiểm nguy:  “Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong dòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này… Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn…”

Đối mặt với thạch trận ấy, người lái đò vững vàng hai tay để giữ mái chèo khỏi bị hất lên trước trận địa đá đang chực phóng thẳng vào mình. Khi sông Đà tung ra “miếng đòn hiểm độc nhất”, ông lão vẫn không hề nao núng. Ngược lại, bản thân lại vô cùng bình tĩnh, đầy mưu trí như một vị chỉ huy, khéo léo lái con thuyền vượt qua ghềnh thác hiểm trở. Để rồi ngay cả khi bị thương, người lái đò quả cảm vẫn cố nén lại, “hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”, mặt méo bệch như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm.

“Phá xong cái trùng vi thạch trận thứ nhất”, người lái đò “phá luôn vòng vây thứ hai”, không có lấy một giây phút ngừng nghỉ lấy sức nào. Ông lái đò “đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá”, vì vậy không chần chừ mà đối mặt với thạch trận thứ hai với tâm thế hiên ngang. Đến vòng thứ ba, ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Lúc này, ông có thể nhẹ nhàng vượt qua, thế nhưng bản thân lại chủ động “tấn công”: “Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được”. Trong “cuộc chiến không cân sức ấy”, người lái đò chỉ có độc một cán chèo, một con thuyền không có đường lùi. Còn dòng sông dường như lại mang sức mạnh siêu nhiên của loài thuỷ quái, trùng điệp biết bao nguy hiểm rình rập. Thế nhưng cuối cùng, người lái đò ấy vẫn chiến thắng, khiến cho “bọn đá tướng tiu nghỉu bộ mặt xanh lè” bởi vì thua một con người rất đỗi bé nhỏ, đơn độc.

Phân tích hình tượng ông lái đò của Nguyễn Tuân để thấy được sự tài hoa của tác giả

Người lái đò trên sông Đà sau cuộc vượt thác (Ảnh minh họa)

Trong con mắt của Nguyễn Tuân, ông lái đò là một người lao động vô danh, làm lụng âm thầm, giản dị. Nhân vật ấy phải nhờ lao động không ngừng nghỉ mới có thể chinh phục được dòng sông dữ. Và hình tượng ông lái đò cũng trở nên lớn lao, kì vĩ, trở thành đại diện của con người khi đối mặt với thiên nhiên, cuộc đời. Con người, bằng sức mạnh tự thân và nỗ lực không ngừng, sẽ có thể chinh phục và chiến thắng mọi điều dù là thiên nhiên hiểm nguy, vĩ đại, mang sức mạnh của thánh thần. Đó chính là chất “vàng mười” mà Nguyễn Tuân đã khám phá ra trong suốt cuộc đời cầm bút của mình.

Người lái đò của Nguyễn Tuân, dù đã luống tuổi, dù đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời nhưng vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan và yêu mến công việc, cuộc sống. Đó là con người ưa khám phá, ưa những khúc sông gập ghềnh, hiểm nguy, không thích lái đò trên đoạn sông bằng phẳng. Sau khi vượt thác, họ ung dung đối lửa nướng cơm lam, bàn về chuyện cá anh vũ, cá dầm xanh,… Con người nhỏ bé, bình dị mà cũng rất đỗi anh hùng.

Kết bài

Với giọng văn độc đáo, sử dụng các câu văn dài-ngắn linh hoạt cùng các biện pháp nghệ thuật tài tình, Nguyễn Tuân đã khắc họa lên hình tượng ông lái đò với biết bao vẻ đẹp đáng trân trọng. Sau hòa bình, con người vẫn luôn luôn chiến đấu. Không phải là chiến đấu với chiến trường máu lửa, mà là với cuộc đời và tương lai phía trước. Dũng cảm đối mặt, lạc quan yêu đời, sống hết mình và lao động miệt mài, đó chính là vẻ đẹp “vàng mười” ngỡ như phải kiếm tìm cả một đời nhưng lại hiển hiện ngay trước mắt, không đâu xa xôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *