Tài liệu phân tích tâm trạng bà cụ Tứ đặc sắc nhất dưới đây sẽ cung cấp đầy đủ luận điểm, giúp các bạn học sinh làm văn hiệu quả. Hãy tham khảo những luận điểm cụ thể, sáng tạo dưới đây để hoàn thiện bài văn chất lượng nhất nhé!
Bạn đang đọc: Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” hay nhất 2021
Chi tiết phân tích tâm trạng bà cụ Tứ
Mở bài
Phân tích tâm trạng bà cụ Tứ đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, không chỉ cần nắm bắt tác phẩm, mà còn tìm hiểu về phong cách của Kim Lân. Cây bút của Kim Lân thường tập trung vào chủ đề những người nông dân và cuộc sống ở nông thôn Việt Nam. Trong đó, “Vợ nhặt” in trong tập “Con chó xấu xí” là một trong tác phẩm đặc sắc, để lại nhiều cảm xúc cho người đọc khi miêu tả chân thực về nạn đói năm 1945, ca ngợi tình người, tình mẫu tử, khát vọng sống. Kim Lân có biệt tài miêu tả tâm lý nhân vật. Bà cụ Tứ – mẹ Tràng là một nhân vật có tâm trạng phức tạp mà nhân hậu, tràn đầy yêu thương, là đại diện cho vẻ đẹp của người mẹ Việt Nam. Ngòi bút tài hoa, nhân đạo của Kim Lân đã diễn tả rất thành công trạng thái tâm lý đó thông qua tình huống khi con trai “nhặt” được vợ trong hoàn cảnh nạn đói cái chết đang rình rập đến từng nhà.
Thân bài phân tích tâm trạng bà cụ Tứ
- Luận điểm 1: giới thiệu bà cụ Tứ
Để phân tích tâm trạng bà cụ Tứ không thể thiếu phần giới thiệu nhân vật. Bà cụ Tứ là dân ngụ cư, là một bà mẹ nghèo khổ, già nua, góa bụa. Bà sống với anh con trai làm nghề phụ xe nghèo. Bà được Kim Lân miêu tả ngoại hình chi tiết, đó là: dáng đi lọng khọng, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa ho húng hắng, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già. Trong tác phẩm, bà xuất hiện trong bóng hoàng hôn tê tái. Nhà văn Kim Lân đã đặt nhân vật này vào hoàn cảnh bất ngờ là việc con trai đưa một người đàn bà về nhà làm vợ vào giữa ngày tháng đói khủng khiếp và cái chết đang rình rập gõ cửa từng nhà. Chính hoàn cảnh này đã làm nổi bật lên nét đẹp của bà cụ Tứ. Sự nghèo đói được lột tả chi tiết trong từng câu chữ và miêu tả nhân vật bà cụ Tứ. Trong hoàn cảnh nghèo khổ ấy đã đẩy tâm trạng của bà cụ Tứ lên, giúp nhân vật bộc lộ được tâm lý, nhân cách.
- Luận điểm 2: Tâm trạng ngạc nhiên đến sững sờ
Trước sự đon đả của đứa con trai ngờ nghệch, bà cụ Tứ có tâm trạng phấp phỏng khi trở về nhà trong bóng hoàng hôn tê tái . Bà không hề hay biết con trai mình “nhặt” một người đàn bà gặp ngoài đường về làm vợ. Bà không hiểu có chuyện gì xảy ra mà con trai Tràng của mình vồn vã khác thường, đón bà từ ngoài.
Bà ngạc nhiên khi có một người đàn bà ở trong nhà, ngồi ở đầu giường con mình. Một loạt lời độc thoại: “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường con trai mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ?”. Bà cụ Tứ ngạc nhiên hơn khi thấy người phụ nữ ấy chào mình bằng “u” và được Tràng giới thiệu: “Kìa nhà tôi nó chào u”, “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”. Bà sững sờ đến không tin vào tai mắt mình. “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhòe đi thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay sang nhìn con tỏ ý không hiểu”.
Ngạc nhiên, sững sờ vì giữa thời buổi đói khát, nuôi thân chẳng xong, ngoài đường người chết đói đầy ra, mà con trai mình nghèo, xấu xí, lại là dân ngụ cư mà còn dám lấy vợ, rước thêm miệng ăn về nhà.
- Luận điểm 3: Vừa mừng vừa tủi
Sau tâm trạng ngạc nhiên đến sững sờ, trong lòng bà cụ lại ngổn ngang những lo âu, tủi cực khi nghe Tràng cắt nghĩa. “Bà lão cúi đầu nín lặng”. Bà mừng vì con trai bà lấy được vợ, yên bề gia thất tìm được vợ trong cái đói, khát như thế này. “Các con đã phải duyên… u cùng mừng lòng”, “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ” lại có người theo con trai bà về làm vợ.
Bà buồn tủi thương xót cho con trai, con dâu. Trong tâm trí bà ập đến sự ám ảnh của một dĩ vãng nặng trĩu những đắng cay. Bà nghĩ đến người chồng quá cố, đến đứa con Út đã chết, đến cuộc đời cơ cực dài dằng dặc của mình mà thương, tủi cực xót xa. Bà buồn tủi cho con trai phải lấy vợ nhặt. Bà còn hờn tủi cho chính mình, cảm thấy có lỗi với con trai bởi không thể lo được chuyện dựng vợ gả chồng cho con chu đáo. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì…” Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai hàng nước mắt. Bà cũng cảm thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà, thương cho sự ngờ nghệch của đứa con trai. “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được … ”. Bà cụ thương con, tủi phận mình nên “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.
Phần diễn biến tâm trạng này cũng thể hiện tình yêu thương chân thành tha thiết của người mẹ đầy giản dị, mộc mạc. Bà cụ Tứ mở lòng đón nhận nàng dâu mới. Bà nói với con dâu giọng ân cần, nhẹ nhàng: “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Bà xưng hô với con dâu mới “u” với “con”.
- Luận điểm 4: Nỗi lo
Bà cụ Tứ còn chất chứa bao nhiêu nỗi lo cho con trai, con dâu, cho cái gia đình nghèo túng giữa lúc đói kém này liệu có nuôi nổi nhau? Tương lai rồi sẽ ra sao. Bà lo lắng liệu “vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Bà chỉ biết khuyên các con yêu thương nhau, ăn ở hòa thuận để cùng vượt qua cơn khốn khó. Bà động viên “cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”.
- Luận điểm 5: Niềm tin vào tương lai
Nhưng trong cái mừng, tủi, lo lắng, vẫn thấy ánh lên niềm tin lấp lánh từ cụ Tứ. Vui trong bữa cơm sáng – bữa cơm đầu tiên có con dâu, bà làm một bữa tiệc với món cháo loãng và món “chè khoái” đắng chát, nhưng bà cố tạo ra ra niềm vui để động viên an ủi con trai, con dâu. Buổi sáng hôm ấy, căn nhà của bà cụ Tứ thay đổi hẳn – bà có con dâu. Con dâu cùng bà dậy sớm thu dọn, quét nhà cửa. “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Bà nói chuyện vui về tương lai “Mấy hôm nữa mua ít nứa về ngăn cho khỏi trống, có tiền nuôi mấy con gà chẳng mấy chốc có cả đàn gà”.
Bà có niềm tin vào tương lai tốt đẹp. “Rồi ra may mà ông giời cho khá…”, “ai giàu ba họ ai khó ba đời”. Mặc dù cuộc sống khắc nghiệt, éo le đến tàn bạo có đầy đọa mẹ con bà nhưng bà vẫn cố tạo ra không khí hòa thuận, ấm cúng, lấp lánh niềm tin vào cuộc sống cho các con bà mặc dù tiếng trống thúc thuế vẫn dồn dập, tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết.
Kết bài
Qua tình huống con trai mang người đàn bà lạ về nhà, tâm trạng của bà cụ Tứ đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Tâm trạng bà cụ Tứ với những diễn biến phức tạp, dưới ngòi bút của nhà văn Kim Lân, người đọc không chỉ cảm nhận được sự đói khổ cùng cực của nạn đói 1945, mà còn cảm động trước tình yêu thương của người mẹ dành cho con. Nét đẹp nhân hậu vốn có trong bà đã được miêu tả qua tình tiết, ngôn ngữ tinh tế, chọn lọc. Dù trong đói khổ rình rập nhưng vẫn ánh lên ngọn lửa tình mẫu tử, từ đó có niềm tin vào tương lai tương sáng.