Phân tích Trao duyên Ngữ văn 10 là một trong những cách giúp học sinh cảm thụ sâu sắc trích đoạn trong tác phẩm kinh điển của nhà thơ Nguyễn Du. Bằng tài năng và trái tim nhân hậu, ông đã để lại cho đời một câu chuyện tình yêu, tình cảm gia đình lay động lòng người.
Bạn đang đọc: Phân tích Trao duyên Ngữ văn 10 hay nhất dành cho học sinh giỏi
Tình yêu đôi lứa luôn là nguồn cảm hứng vô tận để các thi sĩ khai thác. Tuy nhiên, việc gửi gắm tình yêu, chia sẻ tình yêu cho người khác thì chỉ mới có Nguyễn Du là làm tốt hơn cả. Phân tích Trao duyên Ngữ văn 10, các bạn sẽ càng hiểu sâu sắc hơn về câu chuyện cảm động này.
Chi tiết phân tích Trao duyên Ngữ văn 10
Mở bài
Nhắc đến đại thi hào Nguyễn Du là nhắc tới tác phẩm bất hủ “Truyện Kiều”. Nếu như ông là một thiên tài văn học, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam thì “Truyện Kiều” được xem là báu vật quốc gia. Trong khi Nguyễn Du được vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới thì “Truyện Kiều” lại trở thành một trong những thành tựu tiêu biểu nhất trong nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm là bức tranh bằng thơ, phản ảnh sinh động xã hội phong kiến thối nát, bất công, chèn ép con người vào bước đường cùng. Truyện xoay quanh câu chuyện về cuộc đời nàng Kiều. Một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn nhưng bạc mệnh.
Mỗi phần trong tác phẩm đều lột tả rõ nét mỗi chương, mỗi bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Thúy Kiều. Trong đó, có đoạn trích Trao duyên. Phân tích Trao duyên Ngữ văn 10, độc giả sẽ thấy rõ sự mục ruỗng của xã hội lúc bấy giờ. Nhà thơ cho biết, Thúy Kiều vì để cứu cha và em, đã phải bán mình và đành trao gửi mối tình dang dở với Kim Trọng cho em gái là Thúy Vân. Dù đau đớn xót xa nhưng Kiều vẫn phải cắn rang chịu đựng nhờ cậy em.
Thân bài
Câu chuyện xảy ra sau đêm Thúy Kiều và Kim Trọng cùng nhau thề nguyền. Vì có việc gia đình, phải về hộ tang chú ở Liễu Dương nên Kim Trọng phải về gấp. Nhưng đâu ngời, tai ương bất ngờ ập đến gia đình Thúy Kiều. Thằng bán tơ vu oan cho nhà Kiều, khiến cha và em trai bị quan quân bắt, tài sản bị chúng vơ vét và cướp sạch. Để cứu cha và em, phận làm con làm chị Thúy Kiều đã hy sinh thân mình, bán thân để chuộc cha và em. Lo liệu đâu đã vào đấy, nhưng khi nghĩ mối duyên tình với Kim Trọng, nàng không biết phải làm sao. Thế là trong đêm cuối cùng ở nhà, trước khi theo Mã Giám Sinh, Kiều đã xót xa, cậy nhà em gái là Thúy Vân tiếp nhận hộ mối tình với Kim Trọng. Dù rằng nàng biết làm thế là gây khó dễ cho em nhưng vì không muốn chàng Kim đau khổ nên nàng đã thử. Và thế, Thúy Kiều đã trao duyên cho em.
- Luận điểm 1: Tình huống Thúy Kiều trao duyên, nhờ cậy Thúy Vân trả nghĩa chàng Kim
Ngay từ những câu thơ đầu phân tích Trao duyên Ngữ văn 10, Nguyễn Du đã cho độc giả tiếp cận ngay với tình huống chuyện xảy ra:
“Cậy em, em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa,
Giữa đường đứt gánh tương tư,
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc, em’’.
Vào giữa đêm khuya, khi “Thúy Vân chợt tỉnh giấc xuân” thì nàng thấy chị gái đang thổn thức. Nàng ân cần dịu dàng hỏi han chị. Thấy em quan tâm, Thúy Kiều đành bày tỏ nỗi lòng. Thúy Kiều bảo em ngồi dậy để nàng cúi lạy rồi sẽ thưa. Trước đó, nàng đã hỏi Vân rằng, “cậy em” liệu rằng Vân có chịu lắng nghe rồi nghe lời không. Sở dĩ, Nguyễn Du được mệnh danh là đại thi hào bởi ông quá tài năng trong cách dùng từ. Động từ “cậy” ở đây mâng thanh trắc, với sắc thái nặng nề u uất của người nói. Nó không phải “nhờ”, không phải “giúp” mà là một sự cậy hàm chứa cả sự tin tưởng, niềm hy vọng tha thiết của người gửi dành cho người nhận. Động từ “chịu” ở đây cũng mang thanh trắc đầy nặng nề, khiến người nhận cảm nhận rõ sự đau đớn của người nói và buộc Thúy Vân không thể không nhận sự cậy nhờ này. Đã thế, Thúy Kiều còn sử dụng hành động vô cùng trang trọng và kính cẩn, thể hiện sự hàm ơn, đáp nghĩa của một người đi cậy nhờ với một người dang rộng vòng tay giúp đỡ. Thúy Kiều bày tỏ nỗi lòng luôn mà nàng xin phép em lạy rồi mới thưa. Bởi nàng coi Vân là ân nhân của mình đồng thời nàng cũng thể hiện sự trân quý mối tình với chàng Kim. Nàng thẳng thắn chia sẻ với em rằng mối tương tư với chàng Kim nửa đường bị đứt gánh, nên mối tơ thừa này nàng mặc em. Hành động và lời nói của Thúy Kiều quá hợp tình hợp lý khiến Vân không nỡ và không thể chối từ.
- Luận điểm 2: Vì sao nên nỗi trao duyên?
Sau khi đã mở được tấm lòng với em, Thúy Kiều như gặp được tri kỉ, nàng giải bày tâm sự chất chứa bấy lâu. Nàng kể hết với em mọi chuyện về chàng Kim đồng thời nói rõ lí do vì sao nhờ em nhận thay duyên mình:
“Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Sự đâu sóng gió bất kỳ,
Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”.
Kiều kể rằng mình và chàng Kim đã thề non hẹn biển. Hai người thực sự yêu nhau và trân trọng mối tình trong trắng này. Thế nhưng sự thể ập đến. Thân là đàn bà, phận làm con làm chị, Thúy Kiều không còn cách nào khác để chữ hiếu và chữ tình có thể vẹn cả đôi đường. Vì thế, dù biết rằng mối tơ thừa này em rất khó nhận nhưng hãy xót tình máu mủ chị em hơn nữa, tuổi xuân em còn dài nên hãy thay lời nước non mà chấp nhận giúp chị. Thúy Kiều chia sẻ sự khó xử của mình để em cảm thông và thấu hiểu, đồng thời khẳng định tương lai phía trước của Thúy Vân rất cần một người như Kim Trọng. Nếu Vân đồng ý, thì dù Thúy Kiều đã có chết cũng sẽ ngậm cười nơi chin suối. Nàng ngậm ngùi dùng cái chết đầy mãn nguyện để khẳng định tầm quan trọng của việc em nhận lời. Phân tích Trao duyên Ngữ văn 10 đến đây, độc giả dường như cảm nhận trái tim Kiều đang rỉ máu theo mỗi câu mỗi chữ nói với Thúy Vân. Không những cảm nhận rõ nỗi đau của Kiều, người đọc còn thấy được ở nàng một tài năng thiên bẩm. Nàng sắc sảo và vô cùng tinh tế. Nàng khéo ăn khéo nói, giàu đức hi sinh, biết nghĩ cho người khác, hiếu thảo và trọng tình trọng nghĩa.
- Luận điểm 3: Tâm trạng của Thúy Kiều khi trao kỷ vật và căn dặn Thúy Vân
Trong tình yêu đôi lứa, khi thề hẹn ước nguyện, người ta thường trao cho những kỷ vật để làm tin. Kim Trọng và Thúy Kiều cũng vậy. Cả hai đã trao nhau chiếc thoa và bức tờ mây. Tuy rằng nó không có nhiều giá trị về tiền bạc nhưng là vô cùng thiêng liêng, gợi nhớ về quá khứ hạnh phúc của đôi uyên ương. Thế nhưng, trước lúc phải ra đi, Kiều đã trao lại cho Vân để em làm tin và giữ làm của chung:
“Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Dù em nên vợ nên chồng,
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên!
Mất người còn chút của tin,
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ gió cây,
Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan”.
Nàng yêu chàng Kim bao nhiêu thì càng xót xa trong lòng bấy nhiêu. Nhưng nàng cũng xác định ra đi lần này sẽ chẳng biết có bao giờ gặp lại. Vì thế, nàng nhờ Vân giữ kỷ vật làm chung. Nàng không thể dối lừa em rằng mình đã hết yêu chàng Kim. Vì thế, của làm tin sẽ là của chung của 3 người. Dù sau này nàng có chết, dù Kim và Vân có nên nghĩa vợ chồng thì vẫn không quên Kiều. Và Kiều vẫn mãi mãi và luôn luôn giữ mối duyên với chàng Kim làm của riêng mình.
Trao hết cho em xong, Kiều quay ra độc thoại với chính mình về một tương lai mù mịt với cái chết đang chờ phía trước. Thúy Kiều hay chính là tác giả đã vẻ ra một viễn cảnh thật ai oán. Kiều dặn Vân rằng khi thấy hiu hiu gió nghĩa là hồn chị trở về. Kiều nói với Vân hết thảy những suy tư của bản thân về những dự cảm không lành và về sự tuyệt vọng tột cùng. Nàng biết rằng mình sẽ chết trong oan ức, chết trong tủi hận. Vì còn nặng lời thề với chàng Kim nên hồn nàng sẽ không thể siêu thoát. Kiều tưởng tượng ra cảnh mình chết oan, chết hận. Hồn không sao siêu thoát được bởi trong lòng đang nặng lời thề ước với Kim Trọng. Trong đoạn thơ này, tác giả sử dụng khá nhiều thành ngữ cổ cũng như điển tích điển cố. Nhờ đó, ý thơ càng làm nổi bật lên nếp sống, nét văn hóa của thời đại bấy giờ. Đó là thành ngữ “Đền nghì trúc mai” hay “rảy xin chén nước”… Tất cả những điều ấy cũng càng thể hiện một kiến thức uyên bác, thâm sâu của Thúy Kiều. Dù đang trong tận cùng của nỗi đau, nàng vẫn không quên bộn phận làm chị, làm con. Nàng vẫn nhận ra xã hội thối nát bất công ấy chính là lí do khiến cuộc đời nàng và cả gia đình nàng gặp bất hạnh.
- Luận điểm 4: Nỗi lòng Kiều trước thực tại và nỗi nhớ da diết chàng Kim
Sau khi cậy nhờ, dặn dò em xong, Thúy Kiều chuyển từ đối thoại sang độc thoại tự bao giờ. Nàng dường như quên mất mình đang nói chuyện với em mà chuyển sang tâm sự cùng chàng Kim. Nàng như rơi vào ảo giác. Nàng như thấy chàng Kim trước mặt và cứ thế nói một mình, thổ lộ hết mọi tâm tình:
“Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”
Nàng chia sẻ với chàng Kim rằng giờ trâm đã gãy bình đã tan. Mọi việc đến quá bất ngờ nên “muôn vàn ái ân” với chàng Kim, nàng làm sao kể hết. Nàng đau đớn nhận ra hiện thực phũ phàng. Nàng nói trong nước mắt, quỳ lạy “tình quân” trong tận cùng của xót xa. Mỗi lời của nàng Kiều được thốt lên từ sâu thẳm trong trái tim đang rỉ máu. Nàng qoằn qoại, giằng xé tâm can. Nàng không can tâm nhưng chỉ đành cam chịu số phận bạc như vôi để tình yêu đầu đời của nàng phải dang dở. Thúy Kiều quỳ lạy Kim Trọng trong ảo giác không chỉ vì yêu chàng, trân quý tình cảm của chàng mà điều này còn thể hiện sự hối lỗi của nàng. Nàng tự nhận mình là kẻ bội bạc, đã phụ chân tình của chàng Kim. Nàng phá bỏ lời thề ước với chàng để chàng phải đau khổ. Thế nhưng, Kiều đâu có tội tình gì. Có trách thì chi trách xã hội kia quá thối nát, đã cướp đi quyền sống của con người. Phân tích Trao duyên Ngữ văn 10 đến đoạn này, độc giả không khỏi xúc động rung rung trước tiếng gọi đầy thê lương của Thúy Kiều tới chàng Kim: “Ôi Kim Lang! hỡi Kim Lang!/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Hàng loạt câu từ cảm thán, càng nhấn mạnh thêm nỗi đau giằng xé tâm can mà Thúy Kiều đang phải chịu đựng. Những từ như “Kim lang”, “thiếp”, “chàng”… thể hiện với Kiều, Kim Trọng đã là chồng trong tâm tưởng. Nàng coi như mình đã là vợ và trao hết ân tình với chàng Kim. Đồng thời, qua việc sử dụng từ cảm thán “ôi, hỡi, thôi thôi”, tác giả còn muốn thể hiện tiếng kêu xé lòng của các nhân vật để tố cáo xã hội phong kiến tàn nhẫn, bất công.
Kết bài
Sau khi phân tích bài Trao duyên Ngữ văn 10, độc giả càng khâm phục trước tài năng khắc họa tâm lý nhân vật bằng thơ của Nguyễn Du. Với việc sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, hoán dụ, thành ngữ, điển tích… tác giả đã thành công khi phác họa bức tranh “tình chị duyên em” đầy sống động và ấn tượng.
>> Xem thêm: Phân Tích 14 Câu Đầu Bài Trao Duyên Của Nguyễn Du Văn Mẫu Tham Khảo