Phân tích truyện Tấm Cám cực hay 2021

“Tấm Cám” là truyện cổ tích quen thuộc với mỗi người. Dưới đây là bài phân tích truyện Tấm Cám chi tiết, cụ thể nhất có thể tham khảo.

Bạn đang đọc: Phân tích truyện Tấm Cám cực hay 2021

Bài mẫu phân tích truyện Tấm Cám

Mở bài

“Tấm Cám” là truyện cổ tích có vị trí quan trọng trong kho tàng văn học Việt Nam. Tác phẩm kể về cuộc đời và sự đấu tranh cho hạnh phúc của Tấm. Phân tích truyện Tấm Cám, ta còn thấy được những khát vọng công lý, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi của người xưa.

Tấm và cá bống

Thân bài

  • Luận điểm 1: Diễn biến xung đột

Tấm và Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Cha mẹ mất sớm, Tấm ở cùng dì ghẻ và người em của mình. Và như dân gian đã có câu:

“Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”

Phân tích truyện Tấm Cám mới thấyTấm sống trong nỗi cơ cực, vất vả và cam chịu. Nàng hiện lên là cô gái hiền lành, thường xuyên bị dì ghẻ và em gái chèn ép. Khi được giao đi xúc tép, Tấm bị Cám lừa trút hết giỏ tép để cướp phần thưởng. Tấm chỉ biết khóc, và Bụt hiện lên, cho nàng chú cá bống bầu bạn. Khi biết được Tấm có cá bống, dì ghẻ lại lừa nàng đi chăn trâu ở xa, còn mình ở nhà giết thịt con cá. Tấm cũng chỉ biết bưng mặt khóc, Bụt hiện lên, dặn nàng tìm xương cá và chôn ở dưới chân giường.

Không chỉ bị bóc lột sức lao động trong cuộc sống thường ngày, Tấm còn bị dì ghẻ chèn ép với những nhu cầu tinh thần bình thường. Khi biết nàng có ý định đi trẩy hội, dì ghẻ trộn thóc với gạo, bắt Tấm nhặt xong mới cho đi. Nàng khóc, Bụt lại sai một đàn chim đến giúp đỡ nàng. Đến khi nàng không có quần áo đẹp, Bụt cũng hiện lên, cho nàng quần áo, khăn, giày và cả xe ngựa. Chính vì thế, nàng mới đánh rơi giày và trở thành hoàng hậu.

Ở nửa đầu câu chuyện, mâu thuẫn giữa các nhân vật xoay quanh những hơn thua vật chất và tinh thần. Tấm bị mẹ con Cám chèn ép, cướp đoạt trắng trợn những thành quả và niềm vui. Và Tấm hiện lên bị động thậm chí có phần nhu nhược, không thể tự giải quyết xung đột mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của Bụt. Sự giúp đỡ ấy chính là sự bênh vực của nhân dân với kẻ yếu, với quan niệm “ở hiền gặp lành”.

Thế nhưng càng về sau, sự chủ động tìm kiếm hạnh phúc của Tấm lại càng rõ ràng hơn. Tấm về giỗ cha, bị mẹ con Cám dụ trèo lên cây cau, sau đó chặt gốc cau. Tấm ngã chết, Cám được đưa vào cung thay thế. Sau khi chết, Tấm chết hóa thành chim vàng anh, tíu tít quanh vua. Mẹ con Cám cũng tìm cách giết chim, ngăn cản Tấm ở bên vua. Sau khi hóa kiếp, Tấm biến thành cây xoan đào, tỏa bóng mát cho nhà vua. Mẹ con Cám cũng chặt cây, làm thành khung cửi dệt vải.Tấm lại hóa thành con ác trên khung cửi, trực tiếp tuyên chiến với kẻ thù. Sợ hãi, mẹ con Cám đốt khung cửi, rắc tro bên vệ đường. Khi này, Tấm hóa thành quả thị, ngày ngày chui ra quét dọn, nấu cơm cho bà hàng nước. Sau đó, Tấm gặp lại nhà vua và trở về làm hoàng hậu.

Tấm sống hạnh phúc bên vua

Phân tích truyện Tấm Cám – Trở về với vị trí của mình, Tấm tự tay đòi lại công lý cho bản thân. Cả hai mẹ con Cám đều phải trả giá và chết một cách rất thảm khốc. Ở nửa sau, mâu thuẫn xung đột được đẩy lên dữ dội, một mất một còn xoay quanh ngôi vị hoàng hậu giữa Tấm và Cám. Đến đây Tấm đã không còn bị động, chỉ biết khóc và phải nhờ Bụt giúp đỡ nữa. Nàng luôn ở trong thế chủ động, đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt. Những lần hóa thân của Tấm cho thấy sự chiến đấu không khoan nhượng, sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện trước những điều xấu xa, tàn ác.

Mặc dù vậy, mâu thuẫn vẫn được giải quyết theo hướng cái thiện sẽ thắng cái ác. Chỉ là cách thức khác nhau và sự chủ động tìm kiếm hạnh phúc, đấu tranh vì công lý thuộc về chính bản thân mình. Đó như một lời nhắn nhủ của tác giả dân gian đến với mỗi người, phải biết đấu tranh cho hạnh phúc của mình, không thể chỉ ngồi trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác. Và chỉ có đứng lên đấu tranh, hạnh phúc đó mới lâu bền và vững chãi.

  • Luận điểm 2: Bản chất của mâu thuẫn, xung đột

Những mâu thuẫn liên tiếp nhau, không có mở đầu mà dường như đã xuất hiện từ rất lâu rồi. Chúng bắt nguồn từ mâu thuẫn trong gia đình phụ hệ: dì ghẻ – con chồng. Mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, Tấm phải sống chung với dì ghẻ và em cùng cha khác mẹ. Vì thế, xung đột không thể tránh khỏi. Đây là mâu thuẫn phổ biến trong xã hội lúc bấy giờ. Nó thể hiện được những nhức nhối còn đang tiếp diễn. Nếu chế độ phụ hệ chưa được xóa bỏ, những đứa trẻ như Tấm sẽ vẫn còn tồn tại. Và không phải ai cũng có thể mạnh mẽ đứng lên đấu tranh cho bản thân.

Bên cạnh đó, xung đột xảy ra còn bởi sự đối nghịch giữa cái thiện và cái ác. Trong đó, Tấm là đại diện cho các nhân vật ở tuyến thiện. Nàng hiện lên với những nét tính cách: hiền lành, nhu mì. Nàng phải chịu nhiều đau khổ, chèn ép nhưng lại luôn nhận được sự giúp đỡ. Đồng thời bản thân Tấm đã dám đứng lên chống lại cái ác, giành hạnh phúc cho mình. Ngược lại, mẹ con Cám lười biếng, nhẫn tâm, độc ác, luôn tìm cách hãm hại Tấm. Mâu thuẫn thiện – ác luôn tồn tại trong xã hội, và cái thiện cần mạnh mẽ, dũng cảm để có thể loại bỏ cái ác, giúp xã hội hạnh phúc hơn.

Qua đó, tác giả dân gian thể hiện quan niệm “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Con người sẽ được đền đáp xứng đáng khi biết khao khát và đấu tranh. Hơn hết, nó còn biểu hiện cho ước mơ về một xã hội công bằng, về một cuộc sống viên mãn, hạnh phúc, không còn điều xấu xa của nhân dân.

  • Luận điểm 3: Hành động trả thù của Tấm

Phân tích truyện Tấm Cám mới thấy hành động trả thù của Tấm ở cuối truyện đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Tấm sau khi trải qua những kiếp nạn đã trở về cung, làm hoàng hậu. Không những thế, nàng còn trẻ đẹp và mặn mà hơn trước. Điều này đã khiến Cám ngỡ ngàng, khát khao được đẹp như chị. Tấm đã bày cách cho Cám xuống hố, dội nước sôi cho trắng đẹp. Cám chết, Tấm làm thành mắm và gửi cho mẹ Cám. Dì ghẻ ăn lọ mắm làm từ thịt con gái thì kinh khiếp, lăn đùng ra chết. Kết cục này, soi chiếu theo bối cảnh và quan niệm xưa kia, là một kết cục vẹn toàn. Hành động báo thù của Tấm phù hợp với quá trình trưởng thành trong đấu tranh của nàng. Tấm từ cô gái hiền lành cam chịu, yếu đuối, giờ đây đã trở nên mạnh mẽ, quyết liệt. Nàng dám chống lại cái ác và cuối cùng ra tay trừng phạt cái ác để giành hạnh phúc cho bản thân.

Đồng thời, nó cũng phù hợp với quan niệm của nhân dân: “Ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”. Theo quan niệm xưa, cái ác phải được trừng trị bởi bạo lực, và phải nhận kết cục xứng đáng với những gì đã gây ra. Bởi lẽ nếu càng nhân nhượng, cái ác sẽ càng lấn tới, chèn ép những điều tốt đẹp của cuộc đời. Do vậy, sự báo thù của Tấm là hợp lý, trọn vẹn.

Kết bài

Với cách xây dựng mâu thuẫn độc đáo, mô típ truyền thống và các yếu tố thần kỳ, “Tấm Cám” là một câu chuyện cổ tích giàu ý nghĩa nhân văn và bài học sâu sắc. Truyện là tiếng nói và khát vọng của nhân dân về một cuộc sống mơ ước. Mà ở đó, cái thiện sẽ được đền đáp, công lý được thực thi và hạnh phúc sẽ đến với những người xứng đáng. Những câu chuyện như “Tấm Cám”, “Sọ Dừa”, “Thạch Sanh”,… sẽ là những hành trang quý báu, đi theo mỗi người đến suốt cuộc đời. Để giúp chúng ta luôn hướng thiện, biết ước mơ và đấu tranh cho hạnh phúc của chính mình.

>> Xem thêm: Phân tích những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi – Văn mẫu chi tiết

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *