Phân tích ý nghĩa bát cháo hành – Tài liệu văn mẫu chuẩn nhất

Để biết điều gì làm nên “nhà văn lớn” Nam Cao, ta cần phân tích ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo.

Bạn đang đọc: Phân tích ý nghĩa bát cháo hành – Tài liệu văn mẫu chuẩn nhất

Mở bài

Tên thật của Nam Cao là Trần Hữu Tri, sinh năm 1915. Quê quán của Nam Cao là làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là Lý Nhân, Hà Nam). Bút danh của ông là từ được ghép của hai chữ của tên tổng và tên huyện.

Nam Cao từng phải chật vật làm nhiều nghề để kiếm sống, ông đến với văn chương ban đầu là để mưu sinh. Ông là một trong những thành viên đầu tiên của Hội văn hóa cứu quốc. Năm 1951, trên đường đi công tác, ông bị giặc Pháp phục kích và bắn chết, khi mới chỉ 36 tuổi. Tuy vậy, ông để lại di sản văn chương với nhiều tác phẩm ở các thể loại tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn. Chí Phèo là một tác phẩm tiêu biểu còn được nhắc mãi qua bao thế hệ người đọc.

Để phân tích ý nghĩa bát cháo hành xác đáng nhất, ta cần nắm được bối cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ được phản ánh qua trào lưu văn học hiện thực giai đoạn 1930-1945. Trong giai đoạn này, người nông dân, bối cảnh nông thôn là đề tài mang đến nhiều cảm hứng cho các nhà văn. Là lớp nhà văn đi sau, khi đề tài này đã được khai thác ở nhiều tác phẩm, nhưng với cái tài hoa và hơn hết là sự đồng cảm, tình thương đối với những con người nghèo khổ, Nam Cao đã tạo nên tác phẩm có vị thế riêng trên văn đàn. Vì thế Chí Phèo được đánh giá là một đỉnh cao của Văn học hiện thực Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

Thân bài

Phân tích ý nghĩa bát cháo hành và tư tưởng chủ đạo của tác phẩm Chí Phèo

“Chí Phèo” phản ánh hiện xã hội nông thôn Việt Nam những năm trước 1945, thời điểm một bộ phận người nông dân lương thiện bị xã hội vùi dập, đẩy vào con đường tha hóa. Trong tác phẩm, Nam Cao lên án và kết an cái xã hội tàn bạo, dồn những con người nghèo khổ đến đường cùng. Đồng thời, tác giả khẳng định bản tính thiện lương của người nông dân ngay cả khi họ bị chèn ép vùi dập cả nhân hình, nhân tính. Đặc biệt là đề cao phẩm chất tốt đẹp của Chí Phèo, Thị Nở. Ngoài ra, tác phẩm của Nam cao còn phản ánh mối quan hệ xung đột giữa các tầng lớp trong xã hội phong kiến.

Trong bối cảnh xã hội phong kiến thối nát, lại thêm kẻ xâm lược tàn ác, tác phẩm của Chí Phèo mang giá trị hiện thực cũng như giá trị nhân đạo sâu sắc. Đặc biệt, khi phân tích ý nghĩa bát cháo hành, ta thấy ở đó còn hiện lên tình người, tình yêu và sự lãng mạn từ những con người có phẩm chất tốt đẹp, cao quý.

Phân tích ý nghĩa bát cháo hành theo luận điểm

Luận điểm 1: Những cảm xúc của Chí Phèo khi nhận bát cháo hành từ Thị Nở

Chí Phèo sau khi ra tù chạy đến nhà Bá Kiến chửi đổng và tính trả thù. Nhưng không trả được thù mà trước một kẻ khôn ranh róc đời như Bá Kiến, Chí lại trở thành tay sai vặt của lão. Và cũng tự đây, Chí bị đẩy vào con đường tha hóa. Cả làng Vũ Đại đều né tránh, sợ hắn vì hắn chỉ biết cướp bóc, đốt phá. Hắn cứ uống rượu say lại chửi, mà trong làng ai cũng nghĩ, chắc hắn trừ mình ra.

Tưởng rằng cả đời hắn sẽ chẳng bao giờ biết đến tình người, biết đến gần gũi với người khác. Nhưng trời như rủ lòng thương với cuộc đời bi kịch, cô độc của Chí, nên cho hắn gặp Thị Nở. Và cũng chính cuộc gặp gỡ này đã dẫn đến chi tiết bát cháo hành mang nhiều lớp nghĩa.

Chi tiết bát cháo hành là chi tiết xuất hiện hiện ở gần cuối tác phẩm. Sau khi uống rượu ở nhà Tự Lãng, Chí Phèo không về túp liều để ngủ mà đi ra bờ sông. Tại đây, hắn gặp Thị Nở, người đàn bà mà Nam Cao miêu tả là “ngớ ngẩn”, “xấu ma chê quỷ hờn” đi lấy nước như lại ngủ quên ở bờ sông. Cái khung cảnh gặp gỡ giữa hai con người xấu xí, hai mảnh đời khốn khổ mới hữu tình, lãng mạn làm sao. Trên mặt sông là làn nước lấp lánh, gió ngày hè thổi mát rượi, những chiếc tàu chuối thì “giãy đành đạch như hứng tình”. Chính khung cảnh lãng mạn này cùng với cái ngà say của Chí Phèo đã tác thành mối duyên Chí Phèo – Thị Nở. Sau đêm say tình ấy, Chí Phèo bị cảm, Thị Nở thấy thương tình nên chạy đi tìm gạo nấu một bát cháo hành rồi mang cho Chí.

Bát cháo hành, không chỉ giúp Chí khỏe lại mà còn làm sống dậy nhiều cảm xúc trong Chí. Khi thấy bát cháo hành, hắn ngạc nhiên rồi hắn xúc động, bởi đã bao giờ hắn được người ta cái gì đâu. “Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Bởi vì lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì…” Và quả thực, đây là lần đầu tiên trong đời, hắn nhận được sự quan tâm chân thành từ một người đàn bà. Khi phân tích ý nghĩa bát cháo hành, ta sẽ thấy cái tài của Nam Cao cũng như lòng thương người ở ông.

Luận điểm 2: Phân tích ý nghĩa bát cháo hành – biểu tượng của tình yêu, tình người và một biểu tượng nghệ thuật đặc sắc

Khi nhận được bát cháo hành, Chí thấy mắt mình “ươn ướt”. Bởi suốt đời hắn cho đến nay, nếu không chém giết, không rạch mặt ăn vạ thì nào có được thứ gì. Bát cháo hành này như là biểu tượng của tình người ấm nóng duy nhất mà hắn được nhận ở làng Vũ Đại. Có thể với những người có cuộc sống bình thường, bát cháo hành chỉ là món ăn đơn sơ, mà lại được nấu bởi bàn tay Thị Nở, biết rằng nó có ngon hay không. Nhưng bát cháo ấy không kể đến mùi vị mà quan trọng nó chứa chan tình người dành cho một kẻ đáng thương. Bát cũng cũng chứa bao sự quan tâm của Thị Nở, Thị nghĩ lúc này mà bỏ hắn thì bạc bẽo quá. Và Thị nghĩ, ốm thì chỉ có ăn cháo hành mới khỏi.

Lúc này phân tích ý nghĩa bát cháo hành ta thấy, ở khía cạnh lý tính, bát cháo hành chính là một bài thuốc giải cảm cho người ốm như Chí Phèo. Khi nhận bát cháo hành từ Thị Nở và sau một thời gian dài sau khi ra tù, lần đều tiên Chí cảm thấy mình đang sống. Hắn nghe thấy những âm thanh của cuộc sống đời thường, hắn thấy “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá”, hắn nghe “tiếng anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá” và cả “tiếng những người đi chợ trò chuyện… Trong cảm xúc này, Chí nhớ về một ước mơ xa lắm rồi. Đó là hắn từng mơ sẽ có một gia đình nhỏ của riêng mình, cuộc sống bình yên khi chồng cuốc mướn cày thuê, vợ ở nhà dệt vải. Rồi hắn cùng vợ sẽ nuôi một con lợn, lúc khá giả hơn thì mua vài sào ruộng.

Có thể nói trận ốm, mà chính xác hơn là bát cháo giải cảm Thi Nở đã giúp hắn thoát khỏi cơn say triền miên ngày tháng để nhận thức lại mình, để nhớ về cái khao khát một thời. Trong lần đầu tiên tỉnh táo này, hắn nhận ra mình đã ở cái dốc bên kia của cuộc đời và cũng là lần đầu tiên, hắn sợ hãi tuổi già, sợ ốm, sợ cô độc. Cái nỗi sợ này mới đáng quý làm sao, bởi có lẽ cả nửa đời trước hắn chưa bao giờ nghĩ tới.

Nhận bát cháo hành từ Thị Nở, hắn hết ngạc nhiên, xúc động rồi dường lần đầu tiên hắn cảm thấy ăn năn. Hắn ăn năn vì đã sống như một con quỷ, nhưng như Nam Cao viết rằng “người ta thường ăn năn về những việc mình làm khi người ta không ác được nữa”. Dẫu sao, sự ăn ăn ấy không phải muộn màng. Đối với Chí, bát cháo hành ấy mới ngon làm sao. Ngon bởi đó là tình người ấm áp Chí lần đầu tiên nhận được trong đời. Sự chăm sóc thô vụng của Thị Nở có ý nghĩa với hắn biết bao. Cái cảm giác khi bị ốm còng queo mà được người khác chăm sóc, nấu cho ăn thì mới đáng trân trọng, đáng quý biết bao. Và Chí lúc nào khao khát làm sao có được bàn tay chăm sóc như thế. Trước sự quan tâm của Thị Nở, Chí nghĩ đến bà Ba nhà Bá Kiến. Hai người đàn bà ở hai tầng lớp khác nhau, nhưng người mặt hoa da phấn, quần áo lượt là tâm địa thì độc ác, chỉ cốt vui lấy mình, thỏa lấy mình. Còn Thị Nở, người đàn bà xấu đến ma chê quỷ hờn nhưng ấm áp, chân thành.

Không chỉ là bát cháo tình người, bát cháo giải cảm, khi phân tích ý nghĩa bát cháo hành ta thấy bát cháo hành còn như một vị thuốc giải cho cuộc đời chịu nhiều độc tố của Chí. Bởi bát cháo hình tình người đã đánh thức phần lương tri ngủ quên lâu nay trong “con quỷ dữ” Chí Phèo. Chí xúc động, Chí ăn năn rồi hắn hối hận, nhưng còn hơn cả thế, Chí bỗng thèo được lương thiện, được sống cuộc sống như trước kia. Bát cháo hành lúc này chính là ánh sáng chỉ đường, làm sáng lên niềm hi vọng hoàn lương của Chí. Hắn nghĩ rằng, chắc sẽ tốt đẹp thôi bởi Thị Nở có thể làm hóa với hắn thì mọi người cũng có thể làm bạn với hắn. Cái khát khao lương thiện bùng dậy trong Chí, khiến hắn đặt hết hi vọng vào Thị Nở, ánh sáng bỗng lóe lên trong cuộc đời hắn, cây cầu, sợi dây kết nối đưa hắn trở lại sống thiện lương, ý nghĩa. Nam Cao mới tài tình làm sao, một bát cháo hành thôi nhưng mang cả một thiên chức khơi gọi chất người, làm bùng dậy khát khao về những điều tốt đẹp và sự lương thiện ở Chí.

Nhưng ta hiểu, bát cháo hành mặc dù đã khơi gợi một ước mơ tốt đẹp, nhưng sau cùng nó là chi tiết đẩy bi kịch của Chí Phèo tới đỉnh điểm, là nút thắt của cuộc đời Chí nhưng mở ra lại là một kết thúc thảm thương không thể đau đớn hơn. Bởi cái xã hội phong kiến bạo tàn ấy, sẽ không bao giờ tác thành cho hạnh phúc của Chí.

Thì Nở ở cùng Chí Phèo năm ngày, năm ngày hai kẻ chưa từng được hạnh phúc đã cho nhau hạnh phúc. Nhưng bỗng Thị nhớ ra mình còn có một bà cô trên đời nên quyết định sẽ về xin ý kiến bà cô. Thị bị bà cô chửi rủa, xỉa xói khi xin phép yêu Chí Phèo. Và Thị quay lại nhà Chí mà chửi Chí bằng tất cả những lời người bà cô đã nói mắng nhiếc Thị rồi vùng vằng đi về. Ánh sáng của cuộc đời Chí thế là tắt. Chí tuyệt vọng vì tình người duy nhất từ Thị Nở cũng không còn, Thị đã phụ bạc hắn và hắn thấy mình không còn cơ hội sống cuộc sống lương thiện nữa. Hắn quay trở lại uống rượu, nhưng lần này hắn không say mà trái lại càng uống càng tỉnh. Đau đớn làm sao khi càng uống hắn càng nghe thấy “hơi cháo hành” thoang thoảng. Lúc này hơi cháo hành chính hương là của tình người, của tình thương vừa mới có đã vội bay đi, nên hắn càng đau khổ mà “khóc rưng rức”.

Trong cơn tuyệt vọng và cũng là trong khi nhận thức được bản thân không còn cơ hội để sống tốt đẹp, Chí mang dao đến nhà Bá Kiến, đâm Bá Kiến rồi sau đó tự sát. Bởi bát cháo hành, hơi cháo hành ngọt tình người ấy không cho phép hắn trở lại làm một con quỷ. Để trở về với lương thiện, để hết đau khổ dày vò hắn chỉ còn cách chết đi. Và khi phân tích ý nghĩa bát cháo hành ta hiểu dụng ý của Nam Cao, bát cháo hành đã đánh thức chất “người” trong Chí, khiến Chí biết ăn năn, biết đến hạnh phúc và cuối cùng Chí kết thúc đời mình bởi bát cháo hành để thoát khỏi kiếp khốn khổ đọa đày.

Bên cạnh những giá trị nhân đạo, hiện thực nêu trên, bát cháo hành còn là một chi tiết nghệ thuật vô cùng dụng công của Nam Cao. Chi tiết này giúp nhà văn thể hiện rõ tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Đó là lời kết án rằng thứ mà chúng ta, xã hội thiếu là lòng tốt, thứ lòng tốt, mà thứ lòng tốt bình thường thôi cũng có thể cứu rỗi một cuộc đời, một con người. Và cuối cùng, cái bi kịch thảm thương, cái chết của Chí Phèo được tác giả gửi gắm một niềm tin vào bản tính lương thiện của con người, dù cho bị vùi dập nhân hình lẫn nhân tính. Bản tính thiện lương luôn tồn ở con người, đặc biệt là ở những người nông dân sẽ là sức mạnh cho sự bùng lên đấu tranh, mà có lẽ kết quả chính là cuộc cách mạng Tháng Tám sau này.

Kết luận

Qua việc phân tích ý nghĩa bát cháo hành, một lần nữa phải khẳng định giá trị hiện thực, nhân đạo và nghệ thuật đẹp đẽ của một chi tiết nhỏ nhưng ý nghĩa lớn lao mà Nam Cao đã dụng công xây dựng. Từ bi kịch của Chí Phèo, nhà văn phản ánh hiện thực những định kiến của nông thôn Việt Nam trước năm 1945 đã tước đi quyền được sống lương thiện, sống tốt đẹp với hạnh phúc giản đơn của con người. Cũng qua tác phẩm, tác giả cũng nêu lên lời kêu gọi cấp thiết phải “thay máu” cho xã hội đã mục nát để bảo vệ quyền sống cơ bản của con người, đó là ít nhất được sống với bản tính thiện lương.

Và không thể phủ nhận, chi tiết bát cháo hành đã làm nên một nhà văn lớn, Nam Cao. Gấp lại trang sách, gác lại tác phẩm, hẳn rằng chúng ta còn nghe đâu đó tiếng Chí Phèo đòi lương thiện hay còn thấy dư vị ấm áp mà xót xa của tình người được gửi gắm qua chi tiết nghệ thuật bát cháo hành.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *