Dưới đây là bài phân tích tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đầy đủ nhất. Các bạn cùng tham khảo và vận dụng vào bài làm của mình hiệu quả, sáng tạo nhất nhé!
Bạn đang đọc: Văn mẫu học sinh giỏi phân tích tác phẩm Đất nước của Nguyễn Đình Thi
Tình yêu đất nước là một trong những chủ đề được các thi sĩ khai thác rất nhiều. Mỗi nhà thơ có sự thể hiện khác nhau nhưng tất cả đều chung một điểm đó là yêu quê hương tha thiết. Khi phân tích tác phẩm Đất nước của tác giả Nguyễn Đình Thi, các bạn sẽ càng thấy rõ hơn điều đó.
Chi tiết phân tích tác phẩm Đất nước
Mở bài
Tác giả Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa zi năng. Ông không chỉ là một nhà văn nhà thơ, nhà phê bình văn học mà còn là một nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng thời hiện đại. Không những thế, ông còn là một chiến sĩ anh dũng, tham gia tích cực phong trào kháng chiến và đã giữ nhiều nhiệm vụ, chức vụ quan trọng của Đảng. Văn thơ ông mang phong cách phóng khoáng, lãng mạn, tự do nhưng vẫn chứa đựng nhiều sâu lắng, suy tư.
Khi phân tích tác phẩm Đất nước độc giả sẽ thấy hiện rõ phong cách thơ cũng như tâm hồn thi sĩ. Tác phẩm này được sáng tác vào khoảng từ năm 1948- 1955. Đây cũng là thời gian ông tham gia kháng chiến chống Pháp lần 2. Thông qua bài thơ, ông muốn gửi gắm về tình yêu đất nước. Ông gửi vào đó những hoài niệm về vẻ đẹp đất nước. Ông thể hiện trong đó những đau thương mất mát của dân tộc trong kháng chiến nhưng đồng thời cũng ca ngợi sự kiên cường, oai dũng của toàn dân.
Thân bài chi tiết phân tích tác phẩm Đất nước
- Luận điểm 1: Hình ảnh mùa thu trong hoài niệm của tác giả
Ngay từ những dòng thơ đầu tiên, tác giả đã vẽ ra một bức tranh thu của Hà Nội đẹp đến nao lòng:
“Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.
Đây là mùa thu trong quá khứ khi mà nhà thơ phải chia tay Hà Nội để lên đường đi chiến đấu. Nhà thơ khi ấy là chàng thanh niên đang tràn trề nhựa sống. Trong ký ức của thanh niên ấy thu Hà Nội thật trong lành vào buổi sớm mai. Thu Hà Nội với gió heo may mang theo hương cốm mới, với hình ảnh những con phố cổ kéo dài… Tất cả đều mang tới cho độc giả một cảm giác thân thuộc, đẹp đẽ của mùa thu xưa. Khổ thơ có nhịp điệu chậm rãi, mang âm hưởng nỗi nhớ nhung tràn đầy. Mùa thu mà Đình Thi nhắc tới ấy đẹp thật đấy, man mác thật đấy nhưng lại thấm đượm nỗi buồn. Để rồi mạch cảm xúc đột ngột thay đổi với hình ảnh người ra đi. Ý thơ trong hai câu cuối của khổ thơ đầu thể hiện sự ngạo nghễ của một anh hùng lên đường ra chiến trận. Dẫu biết rằng ra đi sẽ chưa biết ngày trở về. Dẫu biết rằng phía sau lưng là bao nỗi niềm thương nhớ của người thân, của gia đình, của quê hương… nhưng người chiến sĩ ấy vẫn quyết ra đi đầu không ngoảnh lại để bảo vệ cho một lý tưởng cao đẹp hơn, rộng lớn hơn, vĩ đại hơn.
- Luận điểm 2: Mùa thu nay khác rồi
Khi phân tích tác phẩm Đất nước đến đây, độc giả nhận ra thêm một mùa thu thật khác của đất nước. Đó là mùa thi của chiến thắng, của hòa bình, của tự do độc lập:
“Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
Những lời thơ chính là tiếng reo vui của tác giả trước niềm vui của đất nước. Ông thích thú, tự hào với mùa thu Cách mạng sôi nổi, tươi đẹp. Nếu như, khổ thơ đầu là mùa thu Hà Nội xao xác, bó hẹp trong những con phố dài xao xác thì tới đây, mùa thu tươi mới đã tỏa lan ra khắp núi đồi. Từ bầu trời xanh, những cánh đồng, tới những ngã đường, dòng sông đều thay áo mới, đều đang reo ca, ngân vang những lời ca chiến thắng, hạnh phúc. Nhịp thơ nhanh, tiết tấu mạnh mẽ, không chỉ tạo nên bức tranh thu mang nhiều màu sắc tươi sáng mà còn thể hiện tâm tư nhân vật “người ra đi”. Nhân vật trữ tình ấy không còn hoài niệm, không còn suy tư nữa mà đã phơi phới thiết tha trong niềm vui hiện tại. Qua những cách nói nhu ư”Trời xanh đây là của chúng ta”, tác giả đã khẳng định đất nước đã có mùa thu độc lập, tự chủ tự cường. Có thể nói, khổ thơ này là bài ca mừng vui chiến thắng của tác giả, là sự hoan hỉ của đất nước trước sự kiện Cách mạng thành công.
- Luận điểm 3: Đất nước đau thương và kiên cường trong chiến tranh.
Không riêng gì nhà thơ Nguyễn Đình Thi mà mỗi người con nước Việt ở mọi thế hệ, luôn tự hào về truyền thống yêu nước và giữ nước của cha ông. Để nối tiếp truyền thống anh dũng ấy, tác giả không chỉ xung phong ra chiến trận mà còn ghi chép lại những đau thương mất mát, sự kiên trung bất khuất của nhân dân vào thơ ca. Bởi thế, trong những đoạn thơ sau của tác phẩm, nhà thơ đã dành trọn trái tim để nói lên niềm tự hào về đất nước cũng như lên án sự độc ác, tàn bạo của quân thù. Từ những câu:
“Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da…
Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.”
Tất cả đều là những câu chuyện đau thương mà nhân dân phải chịu trong kháng chiến. Liên tục là những hình ảnh như đồng quê chảy máu, dây thép gai đâm nát trời chiều, rồi thì bát cơm chan đầy nước mắt… Hàng loạt những hình đáng sợ man rợ gợi nên sự thương tâm đến cùng cực mà người dân phải chịu đựng. Nhưng để dân ta không dễ dang khuất phục trước khó khăn. Càng khó khăn bao nhiêu, cả đất nước lại càng kiên cường bấy nhiêu. Từ những đau thương đó, chúng ta nuôi chí căm hờn, quyết vùng lên rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Cả nước, người người cùng đồng lòng. Hình ảnh những đêm dài hành quân nung nấu, rồi lời khẳng định xiềng xích cũng không thể khóa được tình yêu nước thương nhà… Tất cả đều khắc họa sâu sắc hình ảnh một đất sáng ngời, quật khởi, không bao giờ lùi bước trước giặc ngoại xâm. Khi phân tích tác phẩm Đất nước đến đây, ta càng khâm phục tài hoa của nhà thơ. Ông đã sử dụng những hình ảnh đầy sức gợi cảm, gợi hình. Các hình ảnh đối lập, tương phản nhau đã, giúp người đọc một mặt căm phẫn với sự tàn bạo của quân giặc, một mặt cảm nhận rõ khí thế hào hùng của toàn dân khi đứng lên chiến đấu. Quả thực, bức tranh đất nước mà tác giả vẽ nên rất giàu tính sử thi, không chỉ lột tả được tư tưởng của toàn tác phẩm mà còn dâng trào tạo nên những cao trào cảm xúc hấp dẫn và kịch tính.
Kết bài
Phân tích tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Đình Thi, độc giả càng cảm nhận rõ hơn không khí những ngày kháng chiến. Từ đó, người đọc càng trân quý hơn sự bình yên, tự do của hiện tại.
Tác phẩm kết thúc bằng ánh sáng của hạnh phúc, của niềm tin và khát vọng mạnh mẽ về một nền độc lập, tự do dân chủ. Qua bài thơ, người độc một lần nữa lại được ngắm thêm một bức tranh lịch sử hào hùng của dân tộc với bao thăng trầm của dân tộc. Quả thực, Đất nước của Nguyễn Đình Thi giống như một cuốn biên niên sử bằng phim hoặc là như một cuốn phim tư liệu. Tác phẩm ấy không chỉ để lại cho người đọc ấn tượng về nội dung sâu sắc mà còn là nghệ thuật sáng tạo độc đáo của nhà thơ.