Việt Bắc – một phần máu thịt của dân tộc Việt Nam. Nơi đây cũng chính là cội nguồn của cách mạng. Nhắc đến Việt Bắc chúng sẽ nhớ ngay đến hình ảnh nghèo khó nhưng vẫn nặng tình nặng nghĩa. Đã có rất nhiều nhà thơ viết về Việt Bắc, một trong số đó phải kể đến nhà thơ Tố Hữu với tác phẩm “Việt Bắc”. Bên cạnh hình ảnh con người giàu tình thương, bác ái keo sơn đùn bọc phải kể đến thiên nhiên hùng vĩ mà gần gũi, thân thương.
Bạn đang đọc: Phân tích bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc – Văn mẫu 12
Phân tích bức tranh tứ bình – Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng Viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Quả đúng không sai, mảnh đất ta từng gắn bó cũng như một người tri âm tri kỉ, khi gần thì thấu hiểu, khi đi xa thì da diết nhớ khôn nguôi. Tâm tư này đã được Tố Hữu lột tả rất chân thành trong đoạn thơ tứ bình sau:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”
Việt Bắc trong lòng Tố Hữu đã hóa tâm hồn, dạt dào yêu thương, khi xa rời mà bịn rịn nhớ nhung không nỡ xa. Câu thơ dạt dào tình cảm, xúc động:
“Ta về mình có nhớ ta
Ta về, ta nhớ những hoa cùng người
Đây là câu thơ đối thoại giữa “Ta – mình”. Tố Hữu đã sử dụng biện pháp nhân hóa để nói chuyện với Việt Bắc – mảnh đất gắn bó yêu thương. Tự hỏi lòng mình, đất có nhớ ta không? Còn “ta” về ta nhớ ‘những hoa cùng người”.
Lời thơ như tiếng nhạc ngân nga nhẹ nhàng, tha thiết mà sâu lắng. Phân tích bức tranh tứ bình để hiểu chữ “Ta –mình” mới trìu mến, thân thương làm sao. Vần “a”được sử dụng nhiều nhất như kéo dài câu thơ, kéo dài nỗi nhớ mong. “Hoa cùng người” ở đây chính là thiên nhiên núi rừng Việt Bắc, là những con người nặng nghĩa tình. Tố Hữu nhớ những tháng ngày gian khổ “Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, những tấm lòng Việt Bắc đậm đà lòng son.
Tố Hữu dành một tình cảm đặc biệt cho núi rừng Việt Bắc. Vì vậy mà trong những đoạn thơ tiếp theo, ông đã miêu tả Việt Bắc như một bức tranh tứ bình tuyệt đẹp:
“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng”
Rừng xanh hùng vĩ, một màu xanh bát ngát ấy lại điểm xuyết những đốm đỏ tươi của hoa chuối đầy rực rỡ và màu sắc. Dưới ánh mặt trời, những bông hoa chuối như những bó đuốc thắp sáng, tạo nên một bức tranh nhiều đường nét, vừa đối lập, vừa hài hòa. Đặc biệt” Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” chính là hình ảnh con người trong thiên nhiên. Thiên nhiên hòa cùng con người và con người hòa cùng thiên nhiên. Dưới ánh nắng mùa hè chói chang hình ảnh con người hiện lên thật giản dị, chân thật và đẹp. Bức tranh trở nên trọn vẹn hơn khi điểm vào đó là bóng dáng những con người Việt Bắc lao động hăng say để cung cấp nhiều khoai lúa cho kháng chiến.
Trong thơ Tố Hữu là thế, con người lúc nào cũng trở nên kỳ vĩ, hùng tráng trước thiên nhiên. Thiên nhiên dù rộng lớn thế nào cũng dịu dàng, bao dung con người. Con người vụt sáng trước thiên nhiên, ở một tư thế đẹp nhất “đèo cao”. Trên đỉnh đèo cao ấy, con người chiếm lĩnh núi rừng, tự do, kiêu hãnh và vững chãi.
“Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”
Đông qua, xuân đến. Mùa xuân đã đến rồi, mơ nở trắng rừng như một người thiếu nữ đầy sắc xuân, bung tỏa. Vẻ đẹp dịu dàng, trong trẻo tinh khiết của hoa mơ thật phù hợp với hình ảnh “nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang”. Thấy hoa mơ nở, lại nhớ đến người thiếu nữ. Hình ảnh người thiếu nữ dịu dàng, đẹp thanh nhã tựa như những đóa hoa mở nở giữa rừng trời. Động từ “nở” làm cho sức sống mùa xuân lại tràn về nhựa sống.
Đây không phải lần đầu Tố Hữu viết về màu trắng ấy, năm 1941 ông đã từng viết:
“Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về im lặng con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”
Xuân qua, hè tới, mùa hè mùa rực rỡ vơi tiếng ve kêu, ánh nắng vàng như “mỡ gà” trải dài khắp miền Việt Bắc:
“Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình”
Nói đến mùa hè là nói đến tiếng ve kêu. Tiếng ve đặc trưng của mùa rộn ràng, vui tươi. Thời điểm ve kêu cũng là thời điểm rừng phách đổ vàng. Động từ “đổ” nghe rất mạnh tựa như cả một rừng phách trải dài màu vàng óng ả như tơ lụa.
Tố Hữu thật tài tình thì thiên biến vạn hoa thiên nhiên chỉ trong 2 câu thơ. Chuyển từ đông sang hè với những câu thơ linh hoạt, đầy hình ảnh, màu sắc và tinh tế. Đặc biệt nghề thuật tả cảnh với người. Hình ảnh “cô em gái hái măng một mình” cho thấy sự mộc mạc, giản dị nhưng cũng cô đơn hắt hiu. Câu thơ có phần nào đó tâm trạng trùng xuống vì niềm cảm thương trân trọng của tác giả dành cho cô sơn nữ.
Tiếp sang cảnh mùa thu êm đềm, dịu dàng, tắm ánh trăng mơ mộng:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung
Mùa thu là mùa của bình yên nhẹ nhàng như cô thiếu nữ 16. Đó cũng là ánh trăng tự do, của hòa bình soi sáng niềm vui lên từng núi rừng, bản làng Việt Bắc. Ở đây, tác giả không nói đến thắng trận, không có những khúc hát vang lên. Chỉ có sự nhẹ nhàng nhưng bền bỉ như lòng người kiên định. Đó là tấm lòng thủy chung với núi rừng Việt Bắc “mười năm mặn nồng”.
Bức tranh mùa thu Việt Bắc là một trong những mảnh ghép hoàn hảo tạo nên bức tranh tứ bình tuyệt mỹ của núi rừng Việt Bắc. Toàn bộ bức tranh đã lột tả vẻ đẹp tuyêt vời của thiên nhiên núi rừng qua năm tháng và được miêu tả bằng tấm chân tình người chiến sĩ với 10 năm gắn bó.
Qua Phân tích bức tranh tứ bình ta càng hiểu được lòng người dành cho nhau đậm sâu, ân tình thế nào. Việt Bắc đối với Tố Hữu và những người chiến sĩ cộng sản đã trở thành “máu thịt” không thể quên. Cản người, thiên nhiên nơi đây hòa hợp, sống động và chuyển thành nỗi nhớ nhung qua từng câu thơ mộc mạc, giản dị mà chân thành.
>> Xem thêm: Phân Tích Bài Thơ Viếng Lăng Bác Của Tác Giả Viễn Phương