Dưới đây là bài văn mẫu phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến trong chương trình Ngữ văn cấp 3. Các bạn hãy sử dụng tham khảo để bài làm văn của mình sâu sắc và sáng tạo nhé!
Bạn đang đọc: Bài văn mẫu phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến
Mùa thu luôn là một trong những mùa tạo nhiều cảm hứng cho các nhà thơ nhà văn sáng tác nên những tác phẩm bất hủ. Mỗi tác giả đều có những góc nhìn khác nhau về mùa thu. Phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, độc giả sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thú vị của mùa thu cũng như thấy được tài năng của tác giả.
Mở bài
Tác giả Nguyễn Khuyến, tên thật là Nguyễn Thắng. Ông được biết đến là một vị quan có phẩm chất thanh cao và thanh liêm, chính trực. Trong dân gian, đã có rất nhiêu gia thoại thú vị kể về sự gắn bó của nhà thơ Nguyễn Khuyến với người dân. Không chỉ là một vị quan chính trực, hết lòng vì nhân dân, Nguyễn Khuyến còn là một người có tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc luôn rộng mở và gắn bó với thiên nhiên, làng quê và quê hương đất nước.
Quá trình phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn màu sắc thu ở đồng bằng Bắc bộ. Chùm thơ thu là những bức tranh thu đặc sắc, với ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, thể hiện tình yêu thiên nhiên tha thiết của tác giả.
Chi tiết phần thân bài
Luận điểm 1: phân tích bài Thu điếu
Nhắc đến Nguyễn Khuyến độc giả sẽ nhớ ngay đến chùm thơ thu gồm 3 bài: Thu điếu, Thu vịnh và Thu ẩm. Mỗi bài thơ là một bức tranh thu với nét đẹp duyên dáng không giống nhau. Trước hết, các bạn hãy cùng phân tích và tìm hiểu về bài thơ Thu điếu.
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.
Mở đầu bài thơ, tác giả miêu tả ao thu. Chỉ miêu tả mặt ao thôi nhưng nhà thơ đã dùng khá nhiều từ để vẽ lên. Đó là “lạnh lẽo”, “trong veo”, “sóng biếc” và “gợn tí”. Có thể thấy, những từ này đều có điểm chung là sự thể hiện sự vắng lặng, cô độc và lạnh lẽo. Đúng vậy, mùa thu tới thường mang theo không khí lạnh, khiến thời tiết hơi se lạnh. Và dường như cái lạnh của thiên nhiên cũng khiến cho lòng người cảm thấy “lạnh lẽo” hiu quạnh. Ở đây, ao thu không còn mang dáng vẻ lãng mạn, dịu dàng nữa mà choáng ngợp bởi nỗi cô độc trong lòng người. Có lẽ chính vì thế mà tác giả đã gieo vần “eo” với một loạt các tính từ xuất hiện ở các câu như “lạnh lẽo”, “trong veo”, “bé tẻo teo”, “khẽ đưa vèo”. Ở đây, để miêu tả vẻ hiu quạnh, mênh mang của bức tranh thu này, nhà thơ Nguyễn Khuyến còn sử dụng bút pháp lấy động tả tĩnh. Tác giả vẽ chiếc thuyền trôi lững lờ chậm chạm mà như không trôi, nhưng chiếc lá lại rơi xuống khẽ đưa vèo đã tạo nên sự cao trào về vẻ tĩnh lặng.
Sau khi quan sát mặt nước, tác giả chuyển hướng nhìn lên không gian bầu trời và mặt đất. Và ở đâu cũng chỉ thấy một màu cô độc, hoang vắng:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Tác giả nhìn thấy bầu trời thu xanh ngắt là chỉ có tầng mây lửng lơ, nhẹ nhàng trôi. Điều đó, tạo cảm giác lạc lõng, không biết trôi về đâu, với mục đích gì. Tầng mây ấy giống như con người cô độc đang nhìn kia, cũng đang cảm thấy côn đơn, không tìm ra lối thoát. Đến những ngõ trúc thường có bạn sang chơi nhưng hôm nay cũng vắng teo người không một ai, kể cả người xa lạ. Quá chán chường với những khung cảnh hiện tại, tác giả lại quay về với thú vui câu cá của mình:
“Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Ở nơi mặt ao vắng lặng, nước lại trong veo thì ắt hẳn câu cá không dễ. Chính vì thế mà tác giả mới bảo là câu lâu chẳng được. Nhưng ở đây nhà thơ đặc biệt đặt hình ảnh “tựa gối ôm cần”. Điều này nhằm nhấn mạnh tâm trạng của chính nhà thơ. Nhà thơ không ung dung ngồi câu cá mà trong lòng vẫn chứa đựng trắc ẩn. Dù đã về quê ở ẩn nhưng trong lòng thi nhân vẫn cảm thấy bế tắc, buồn bã trước thời thế.
Luận điểm 2: phân tích bài Thu ẩm
“Năm gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt ?
Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy.
Độ năm ba chén đã say nhè”.
Phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, độc giả không thể không nhắc đến tác phẩm “Thu ẩm”. Nếu như Thu điếu là mùa thu câu cá thì Thu ẩm là mùa thu uống rượu.
Trong bài Thu ẩm này, độc giả cảm nhận hồn thu, dáng thu và tâm tư của nhà thơ. Nhà thơ giới thiệu nhà, vườn ra tới cánh động, rặng tre, ao vườn, hàng giậu, ngõ xóm. Chúng mang dáng vẻ hun hút, quanh co… Đọc những câu thơ, chúng tả cảm nhận lúc này Nguyễn Khuyến không còn là thi nhân nữa mà trở thành ông già đang khề khà chén rượu để giả sầu. Chính với cái nhìn say sưa đó mà cảnh vật biến đổi đầy thú vị và bất ngờ:
“Ba gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu, đóm lập loè.
Bức tranh thu của tác giả hiện lên với hình ảnh ngôi nhà cỏ thấp le te. Thấp le te có nghĩa là rất đơn sơ và lụp xụp, mái tranh cũng xác xơ và rách nát. “Đã thế, lại điểm thêm những đốm sáng lập lòe của đom đóm trong ngõi tối đêm sâu, trông càng heo hút, cô quạnh:
“Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Bức tranh thu ẩm ấy hiện lên sau lớp sương thu mỏng phớt phơ như làn khói mỏng. Khiến cho khung cảnh trở nên thật mờ nhạt trong màu đêm chập choạng. Đặc biệt, hình ảnh ao thu ở đây không lạnh lẽo trong veo nữa mà là lóng lánh bóng trăng. Có nghĩa là bóng trăng lúc dồn lại, lúc tỏa ra liên tiếp biến dạng, trông thật thú vị nhưng cũng đong đầy cảm xúc:
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt,
Mắt lão không vẩy cũng đỏ hoe”.
Ban đêm mà thi nhân thấy bầu trời xanh ngắt, còn mắt không vầy mà cũng đỏ hoe. Thật kỳ lạ! Nhưng đó chính xác là diễn tả tâm trạng buồn bã chán chường, tìm đến rượu để giải sầu của tác giả. Chẳng thế mà thi nhân mới nói “Rượu tiếng rằng hay hay chả mấy – Độ năm ba chén đã say nhè”. Không phải say túy lúy mà chỉ say nhè, say nhẹ, say rồi ngủ mà không bê tha, phá phách. Có thể thấy theo Nguyễn Khuyến, mùa thu thật hợp để có thể lè nhè đôi ba chén rượu.
Luận điểm 3: phân tích bài thơ Thu vịnh
Thu vịnh còn được biết đến là tác phẩm mùa thu ngồi mát ngâm thơ.
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.
Có thể thấy, mở đầu bức tranh là hình ảnh bầu trời bát ngát bao la:
“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”
Nếu như trong Thu điếu, bầu trời có từng lớp mây lửng lỡ trôi, thì bầu trời ở Thu vịnh đã trở nên xanh thăm thẳm, mấy từng cao. Tưởng chừng như rất cao, nhiều tầng tầng lớp lớp. Giữa bầu trời bao la ấy, nổi bật lên hình ảnh một chiếc cần trúc, tức là cây trúc non non với dáng đứng cong cong đang rung rinh, lơ phơ trước gió. Thật là một cảnh tượng vừa động vừa tĩnh đầy cuốn rũ và hấp dẫn của mùa thu.
“Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào”
Sau khi vẽ bức tranh thu qua những chấm phá trên bầu trời, nhà thơ tiếp tục vẽ dáng thu qua những nét dưới mặt đất. Đó là nước biếc của mặt ao lờ mờ như bị một tầng khói bao phủ. Nước biếc lúc này không còn có màu xanh thông thường nữa là lẫn vào màu khói trở nên huyền ảo và mông lung. Tiếp đến là hình ảnh song thưa. Song thưa là cái cửa sổ của căn nhà, khiến khung cảnh trở nên thật bình dị khi để ánh trăng lọt vào. Có thể thấy, cảnh vật ở bốn câu thơ này, được tác giả miêu tả ở các thời điểm khác nhau. Mỗi hình ảnh mang một vẻ đẹp không giống nhau nhưng tất cả đều chưa đựng tâm trạng nỗi lòng của thi nhân.
“Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?”
Nếu như những câu trên, nhà thơ miêu tả cảnh vật với cái nhìn khách quan thì ở đây, tác giả đã để lộ cảm xúc của bản thân. Tác giả nhìn hoa đang nở trước mắt mà lại cảm nhận thấy đó là hoa năm ngoái. Điều đó có nghĩa, tâm trạng lúc này của tác giả đang lùi về quá khứ. Để rồi bất chợ nghe thấy tiếng ngỗng nước nào. Tác giả không hiểu âm thanh ấy phát ra từ đâu, mặc dù đó là âm thanh rất quen thuộc mỗi độ thu về.
“Nhân hứng cũng vừa toan cắt bút,
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”
Nhìn thấy cảnh thu đó, tác giả bỗng hứng muốn làm thơ, nhưng rồi chợt nhận ra tài thơ của mình đang kém. Ông cho rằng mình chưa đủ nhân cách và khí phashc như Đào Tiềm nên cảm thấy thẹn. Một lời thơ kết lấp lửng nhưng kín đáo, đã khiến cho bài thơ thêm chất suy tư, chiêm nghiệm.
Phần kết bài chi tiết
Qua việc phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến, độc giả cảm nhận được vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của mùa thu. Mặc dù mỗi bức tranh thiên nhiên thu ấy là một vẻ khác nhau nhưng đều chất chứa những nỗi buồn mênh mang. Từ cảnh vật cho đến tâm trạng con người. Qua đó, chúng ta cũng cảm nhận được tình yêu thiên nhiên đất nước của nhà thơ. Mặc dù đã lui về ở ẩn, vui thú điền viên nhưng tận sâu trong tâm hồn thi nhân vẫn đau đáu nỗi lo vận mện của đất nước. Thông qua cảnh vật, nhà thơ muốn gửi gắm sự xót xa, tiếc nuối trước tình cảnh nước nhà đang bị giặc ngoại xâm. Qua chùm thơ cũng thấy rõ được tài năng thơ ca của tác giả. Chỉ những người có tâm hồn tinh tế mới có thể viết nên những câu thơ lay động lòng người đến vậy.