Phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác là một trong những việc để các bạn học sinh lớp 9 hoàn thành chương trình Ngữ văn. Với những câu thơ dạt dào cảm xúc, các bạn sẽ có cơ hội cảm nhận rõ rệt tình cảm thiêng liêng cao quý mà mỗi người dân đất Việt dành cho lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Bạn đang đọc: Bài văn mẫu phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác chi tiết nhất
Bác Hồ, vị cho cha già vĩ đại của dân tộc Việt Nam, từ lâu hình ảnh và những câu chuyện cuộc đời người đã đi vào thơ ca như một nguồn cảm hứng bất tận. Tất cả những điều gì liên quan đến Người cũng trở thành đề tài sáng tác của các nhà thơ và nhà văn lỗi lạc. Họ luôn dành cho Bác một thứ tình cảm yêu thương bất tử. Phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác của tác giả Viễn Phương, chúng ta sẽ cảm nhận rõ hơn về điều đó.
Mở bài
Hồ Chí Minh là một danh nhân văn hóa thế giới. Người là người duy nhất được mọi thế hệ người dân Việt Nam gọi với cái tên thân mật là Bác. Bởi với mỗi người dân đất Việt, Hồ Chí Minh là người thân trong gia đình. Bác là người cha, người ông, người đồng chí mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc.
Bác không chỉ có trái tim yêu người, yêu đồng bào bao la mà còn là một trí tuệ vĩ đại và kiệt xuất. Là một vị lãnh tụ cấp cao nhưng Bác lại có một cuộc thanh cao, giản dị. Chính vì vẻ đẹp tâm hồn ngời sáng của Bác đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo vô tận cho hết thảy nhà thơ, nhà văn Việt Nam, trong đó có tác giả Viễn Phương. Với tác phẩm Viếng lăng Bác, bài thơ là tiếng lòng tha thiết của những người con phương Nam lần đầu vào lăng viếng Bác.
Phân tích khổ cuối bài Viếng lăng Bác của tác phẩm, độc giả càng cảm nhận tình cảm yêu mến gắn bó của nhà thơ Viễn Phương với Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thân bài chi tiết phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác
Luận điểm 1: khái quát chung nội dung và hoàn cảnh sáng tác tác phẩm.
Trước khi vào phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác, các bạn cần khái quát qua nội dung và hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.
Theo nhà thơ Viễn Phương, ông viết bài này trong dịp vinh dự cùng đoàn đại biểu miền Nam ra thủ đô viếng lăng Bác. Lúc này là năm 1976, sau một năm ngày đất nước hoàn toàn thống nhất và lăng Bác vừa mới được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Xúc cảm khi lần đầu vào lăng viếng Bác, thấy những cảnh tượng xung quanh lăng Bác, thấy cảnh Bác đang nằm trong lăng như chìm vào giấc ngủ bình yên… tất cả đã khơi gợi trong lòng tác giả những câu từ và tứ thơ. Để rồi sau đó, ông đã viết lên những câu thơ day dứt lòng người. Chính bởi thế, tác phẩm đã để lại ấn tượng đậm sâu trong lòng độc giả và được phổ nhạc thành bài hát quen thuộc.
Luận điểm 2: phân tích khổ thơ cuối
Nằm ở cuối bài thơ, khổ thơ cuối như lời chào tạm biệt day dứt khôn nguôi của một người con không muốn rời xa người cha già vĩ đại.
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.
Luận cứ 1: lời chia tay trong nước mắt
Phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác, ai nấy đều phải xót xa, thương cảm cho sự chi ly trong nước mắt của người con phải rời xa cha:
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”
Ở đây, tác giả bộc bạch thẳng thắn tình cảm của mình. Ông không hề che giấu nỗi xót xa đau đớn của bản thân. Bởi ngày mai thôi, tác giả đã phải về miền Nam xa xôi. Một lần ra Bắc là một lần khó, và chẳng biết bao giờ có cơ hội quay lại. Vì thế, tâm trạng này không chỉ nói cho riêng tác giả mà cho tất cả những người dân Nam Bộ khi ra thăm lăng Bác và phải đến lúc chia tay. Ngày trước việc đi lại không dễ dàng như bây giờ. Và không phải ai cũng dễ dàng vào viếng lăng Bác, thế nên, tác giả vô cùng trân quý khoảnh khắc được đến lăng và thăm Bác. Vì thế, khi biết rằng, ngày mai phải trở về Nam, ngày mai không còn được nhìn thấy Bác, tác giả đã không kìm được nước mắt mà thương trào chảy tràn cả giọt lệ. Tác giả không nề hà mình là con trai mà giấu kín nỗi đau. Lúc này, tác giả để cho lòng mình được tuôn trào xúc cảm.
Ở đây, nhà thơ đã sử dụng một tiếng “thương”, ngôn ngữ của người miền Nam để nói lên sự trọn vẹn tình cảm mà đất và người phương Nam dành cho Bác. Thương không chỉ là yêu là kính trọng con người Bác vĩ đại mà còn là trách nhiệm, bảo vệ và gìn giữ sự nghiệp giải phóng đất nước mà Bác Hồ đã nhọc công xây dựng.
Có rất nhiều nhà thơ cũng viết về Bác với những ca từ và tấm lòng tha thiết. Chúng ta sẽ chẳng thể nào quên câu thơ Tố Hữu dành cho Bác:
“Bác ơi, tim Bác mênh mông thế
Ôm cả non sông, mọi kiếp người”.
Rồi “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”. Vì thấu cảm tình thương Bác dành cho miền Nam, nên tác giả Viễn Phương càng thêm yêu, thêm trân quý những giây phút ở bên Bác. Khi Bác mất, cả đất trời con người Việt Nam đều đau xót. Như nhà thơ Tố Hữu viết “Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa/ Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa…”. Sự ra đi của Bác là sự mất mát lớn lao của cả dân tộc. Bởi Bác ra đi nhưng Bác vẫn “để tình thương cho chúng con” Chữ thương ở đây còn là nỗi xót xa vì nỗi đau mất mát một người thân trong gia đình. Đọc câu thơ lên, chúng ta thực sự cũng cảm thấy cảm động xót thương như mình bản thân đang viếng lăng Bác và tới lúc phải chia tay vậy.
Luận cứ 2: những ước nguyện của tác giả
Phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác, tới những câu cuối, đọc giả nhận thấy, giữa lúc tâm trạng đang nghẹn ngào vì lưu luyến không muốn rời, tác giả đã muốn hóa thân thành những điều nhỏ nhoi để mãi mãi ở bên Bác:
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
Tác giả không phải muốn trở thành những người lính canh giữ Bác. Tác giả cũng không muốn trở thành những điều cao xa quyền quý mà chỉ là muốn trở thành con chim, để mang tiếng hót làm vui lòng Bác. Bởi tác giả biết, Bác rất yêu động vật. Tác giả muốn trở thành đóa hoa nhỏ, ngày đêm rung rinh trước gió để tỏa hương giúp Bác thư thái trong lòng. Bởi tác giả biết, Bác Hồ rất trân quý thiên nhiên, Bác yêu từng tấc đất, ngọn cỏ đóa hoa của nước Việt. Đặc biệt, tác giả muốn là cây tre để đứng quanh lăng bảo vệ, che chở cho giấc ngủ của Bác. Cây tre vốn là hình ảnh đại diện cho sự thành bình của các làng quê Việt Nam. Tre giữ làng giữ nước, giữ mái nhà xanh, giữ đồng lúa chín. Tre đã theo Thành Gióng đi đánh giặc Ân. Tre trở thành biểu tượng vững chắc cho lòng trung hiếu của đất nước. Bởi thế, khi thấy quanh lăng Bác được trồng rất nhiều tre, tác giả đã vô cùng yêu thích. Tác giả mong sao mình cũng có thể giống như những khóm tre kia, có thể mãi mãi ở bên Bác để chở che bảo vệ Bác.
Ở đây, nhà thơ sử dụng điệp ngữ “muốn làm” được nhắc tới ba lần cùng với những hình ảnh mong ước liên tiếp là con chim, đoá hoa, cây tre, nhằm nhấn mạnh thêm nguyện ước da diết của tác giả khi muốn ở bên giúp Bác yên lòng, muốn đền đáp công ơn trời biển của vị lãnh tụ kính quý, và cũng muốn cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, sự nghiệp mà Bác đã dày công vun đắp.
Đó là một ước nguyện thật sâu sắc và hết sức chân thành. Có lẽ điều này không riêng gì của tác giả Viễn Phương mà đó là xúc cảm chung của triệu triệu con tim người dân Nam Bộ trước khi tạm biệt để trở về. Có một lần thực sự được vào lăng viếng Bác mới cảm nhận rõ hơn sự xốn xang xao xuyến khi nhìn thấy Bác trong lăng. Có theo đoàn người chậm rãi đi từng bước trong lặng thinh mới có thể cảm nhận rõ nhịp đập của triệu triệu con tim người Việt đã hòa thành một khi được vào lăng Viếng Bác.
Giờ đây, có thể cảm xúc đó không mạnh mẽ, không tha thiết như những ngày đầu tác giả Viễn Phương vào thăm. Bởi khi đó, đất nước mới trải qua cơn đau thương. Đất nước đã được tư do hạnh phúc thế nhưng Bác lại đã ra đi. Bác đã hy sinh cả cuộc đời chỉ vì điều đó. Nhưng đến khi nó đến thì Bác lại không được một ngày tận hưởng. Thật là xót xa, thật là thương cảm.
Kết bài
Khổ thơ cuối gồm 4 câu, là khổ thơ kết thúc cho toàn bộ tác phẩm nhưng nhờ nó mà đã để lại trong lòng độc giả những ám ảnh khôn nguôi. Toàn khổ thơ toát lên sự nghẹn ngào, sự nức nở của con tim trước cảnh chia ly của người con Nam Bộ đối với Bác Hồ. Đó chính là tình cảm thiêng liêng cao quý mà hết thảy mọi thế hệ người dân Việt Nam dành cho vị lãnh tụ kính quý. Bác là lãnh đạo nhưng cũng là người thân thiết, người mang lại hạnh phúc tự do sự sống cho muôn người, muôn loài của đất nước Việt Nam. Bởi thế, những ước nguyện nhỏ nhoi của tác giả cũng chính là ước nguyện của mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là ước nguyện của những người con Nam Bộ dành cho bác. Ai cũng muốn ở mãi bên Bác. Ai cũng biết rằng, mai về rồi chẳng biết bao giờ mới có cơ hội trở lại. Bởi thế, ai cũng mong muốn hóa thân, nhập vào cảnh vật quan lăng để mãi mãi ở bên Người.
Phân tích khổ thơ cuối bài Viếng lăng Bác không thể không nhắc tới những biện pháp nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng. Đó là cách điệp từ, điệp ngữ dồn dập, thể hiện ước nguyện gấp gáp muốn nhanh chóng thành hiện thực của tác giả vì ngay mai đã phải chia ly. Cách sử dụng những hình ảnh con chim, đóa hoa hay cây tre càng nhấn mạnh hơn tấm lòng trung kiên của những người con Nam Bộ dành cho Bác.