“Chiếu cầu hiền” là tác phẩm nổi bật trong văn học trung đại Việt Nam. Để phân tích Chiếu cầu hiền, hãy tham khảo bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Phân tích “Chiếu cầu hiền” – tác giả Ngô Thì Nhậm chi tiết nhất
Bài mẫu phân tích Chiếu cầu hiền
Mở bài
Trong kho tàng văn học Việt Nam, không chỉ có những tác phẩm thơ, truyện,… mà còn có nhiều tác phẩm thuộc thể loại khác. Chúng cũng góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước nhà. Trong đó chiếu cầu hiền Được đánh giá là tác phẩm nổi bật cho thể loại chính luận trung đại. Phân tích Chiếu cầu hiền, ta sẽ hiểu rõ hơn phong cách nghệ thuật và tấm lòng vì nước vì dân của tác giả Ngô Thì Nhậm.
Thân bài
- Khái quát về tác giả, tác phẩm
Ngô Thì Nhậm là một nho sĩ toàn tài, có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp của triều đại Tây Sơn. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có ý nghĩa lớn không chỉ về mặt lịch sử, văn hóa mà còn có vị trí quan trọng trong văn học Việt Nam.
“Chiếu cầu hiền” được sáng tác trong buổi cảnh triều đại Tây Sơn còn non trẻ. Vua Quang Trung mong muốn chiêu dụ người tài để đứng ra xây dựng đất nước. Vua đã giao cho Ngô Thì Nhậm trọng trách ấy để kêu gọi hiền tài có thể cùng vua chấn hưng đất nước. Phân tích Chiếu cầu hiền để hiểu hơn về mối quan hệ vua tôi.
- Luận điểm 1: Quy luật xử thế của người hiền và mối quan hệ giữa người hiền và thiên tử
Trước tiên, tác giả nêu ra quy luật xử thế của người hiền và mối quan hệ giữa người hiền và thiên tử. Tác giả nhấn mạnh: “Người hiền như sao sáng trên trời”. Hình ảnh so sánh nhấn mạnh và đề cao vai trò của người hiền đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc. Hình ảnh “sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần” ám chỉ một quy luật tự nhiên. Người hiền tài, ắt sẽ một lòng phụng sự cho thiên tử để trị vì đất nước. Đây là một cách xử thế đúng đắn, thuận theo tất yếu, hợp với ý trời.
Để nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của mối quan hệ thiên tử – hiền tài, tác giả còn khẳng định: “Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy.” Với tác giả, người hiền nếu như sống ẩn dật, không quan tâm thế sự thì cũng như ánh sáng bị che lấp, như vẻ đẹp bị vùi giấu đi. Ở đây, hiền tài như những vì sao sáng, cần ra sức phụ tá thiên tử xây dựng cơ đồ. Nếu không là đi ngược lại với ý trời, làm sai đạo lý cơ bản nhất. Chỉ với vài câu đầu, Phân tích Chiếu cầu hiền ta đã thấy được lập luận chặt chẽ, sắc bén của tác giả. Vấn đề được đặt ra tài tình, hấp dẫn và giàu sức thuyết phục.
- Luận điểm 2: Cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà và nhu cầu của đất nước
Sau những lời khẳng định về quy luật giữa hiền tài với thiên tử, tác giả đưa ra nhận xét về cách hành xử của sĩ phu Bắc Hà. Khi thời thế suy vi, họ quay về sống đời sống ẩn dật, không dám ra làm quan. Đó là hành động bỏ phí tài năng, cũng là thể hiện sự nhu nhược, sợ hãi, không có trách nhiệm với trọng trách của mình. Nhiều người thì “ra biển vào đông”, mỗi người một phương. Tác giả không nói thẳng vào những thực trạng đáng trách ấy mà sử dụng hình ảnh của Nho gia, tạo ra cách nói tế nhị nhưng châm biếm nhẹ nhàng. Phân tích Chiếu cầu hiền càng làm nổi bật kiến thức uyên thâm, sâu rộng của bậc minh tướng.
Thời loạn thì vậy, thế nhưng hòa bình đã lập, vẫn “chưa thấy có ai tìm đến”. Tâm trạng của vua Quang Trung đầy khắc khoải, chờ mong người hiền ra tay giúp nước, phò vua. Tác giả đã sử dụng câu hỏi tu từ: “Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?” như thôi thúc, khiến người nghe suy ngẫm về nỗi trăn trở ấy. Cách đặt câu hỏi thể hiện sự khiêm tốn nhưng lại rất thuyết phục của vị minh vương. Nó tác động vào nhận thức của người nghe, buộc các bậc hiền tài phải hành động đúng với trọng trách bản thân gánh vác.
Ngoài ra, tác giả còn đưa ra thực trạng của đất nước và nhu cầu cần củng cố phát triển. Đất nước hiện giờ vừa mới giành được chủ quyền, đang bước vào giai đoạn bắt đầu xây dựng nên triều chính chưa ổn định. Bên cạnh đó, biên ải cũng chưa yên, quân giặc vẫn còn nhăm nhe xâm lược thêm lần nữa. Dân chúng còn khổ ải, những hậu quả chiến tranh gây ra còn chưa kịp hồi phục. Trong khi đó, đức của vua vẫn chưa thấm nhuần khắp nơi, chưa được nhân dân thấu hiểu. Do vậy lòng dân và ý mua chưa thuận, khó có thể phát triển đất nước. Tác giả đã đưa ra cái nhìn toàn diện về những khó khăn quốc gia đang gặp phải, không hề trốn tránh hay giấu diếm sự thật.
Chính bởi còn rất nhiều khó khăn như thế, nhu cầu cấp bách hiện tại là các bậc hiền tài phải ra trợ giúp nhà vua. “Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình. Suy đi tính lại trong vòm trời này cứ cái ấp mười nhà ắt phải có người trung thành tín nghĩa.” Tác giả đã sử dụng hình ảnh cụ thể để khẳng định vai trò, đề cao vị trí của người hiền đối với vận mệnh quốc gia. Cùng với câu nói của Khổng Tử, sự tồn tại của nhân tài trong đất nước càng thêm được khẳng định rõ ràng. Với hình ảnh, cách nói độc đáo, tác giả đưa ra kết luận, người tài cần và phải ra phục vụ hết sức mình cho triều đại mới, đưa đất nước phát triển ngang hàng với các quốc gia khác. Cùng với đó, hình ảnh vị vua Quang Trung yêu nước, thương dân, một lòng vì nghiệp lớn hiện lên rất rõ nét.
- Luận điểm 3: Con đường để hiền tài cống hiến cho đất nước
Sau cùng, tác giả đã đưa ra con đường để hiền tài cống hiến cho đất nước. Mọi tầng lớp trong xã hội đều có cơ hội cùng nhau phò trợ thiên tử bằng cách dâng thư bày tỏ ý kiến của mình về mọi vấn đề của đất nước. Quan tướng nếu có ai tài giỏi, hiền đức thì tiến cử với vua, cùng nhau xây dựng cơ đồ. Kẻ sĩ ẩn dật được phép tự mình dâng sớ tự tiến cử. Những biện pháp cụ thể ấy đã giúp cho toàn bộ dân chúng có thể hiểu rõ và thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Chúng đều rất dễ thực hiện, thiết thực với tình hình đất nước bấy giờ.
Tác giả đưa ra lời kêu gọi, động viên mọi người, đặc biệt là các bậc hiền tài cùng nhau đứng lên xây dựng cơ đồ: “những ai có tài có đức hãy cùng cố gắng lên, ghi tên tại triều đình, cùng nhau cung kính, cùng nhau hưởng phúc lành tôn vinh.” Điều này đã thể hiện tư tưởng tiến bộ, nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung.
Thông qua bài chiếu, ta thấy được tài năng biết tôn trọng người tài, luôn lắng nghe nhân dân của bậc minh vương. Đó là những phẩm chất rất đáng quý, hứa hẹn một tương lai rộng mở với đất nước dưới sự dẫn dắt của vị vua hiền đức ấy.
Với cách nói sùng cổ, lời văn ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, “Chiếu cầu hiền” là tác phẩm chuẩn mực cho thể loại chiếu trong văn học Việt Nam. Những giá trị nghệ thuật với sự khúc chiết đủ lí, đủ tình giúp cho những tác phẩm sau đó có thể học hỏi, tiếp nhận và dựa vào như một chuẩn mực. Nhờ vậy mà các tác giả sau có thể góp thêm nhiều tác phẩm có vị trí quan trọng với văn học nước nhà.
Kết bài
“Chiếu cầu hiền” với những giá trị nghệ thuật độc đáo đã giúp văn học Việt Nam có thêm nhiều màu sắc. Tác phẩm đã thể hiện tầm nhìn chiến lược của tác giả, nhà vua và triều đình Tây Sơn trong việc chiêu dụ người tài, phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Giúp cho triều đại Tây Sơn có được nhiều thành tựu quan trọng trong tương lai.
>> Xem thêm: Phân Tích Hình Tượng Người Nông Dân Nghĩa Sĩ trong tác phẩm Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc