Lặng lẽ Sa Pa là tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9. Dưới đây là bài phân tích Lặng lẽ Sa Pa chi tiết nhất.
Bạn đang đọc: Phân tích Lặng lẽ Sa Pa chi tiết nhất- ngữ văn lớp 9
Bài mẫu phân tích Lặng lẽ Sa Pa
Mở bài
Nguyễn Thành Long (1925 – 1991) được biết đến là cây truyện ngắn xuất sắc thế kỉ trước. “Lặng lẽ Sa Pa” là một trong những tác phẩm nổi bật nhất của tác giả. Phân tích Lặng lẽ Sa Pa, ta sẽ thấy được vẻ đẹp thiên nhiên, con người hiện lên vô cùng tươi đẹp và tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống
Thân bài
- Luận điểm 1: Bức tranh thiên nhiên Sa Pa
“Lặng lẽ Sa Pa” trước tiên hiện lên với vẻ đẹp nên thơ, hữu tình của cảnh sắc thiên nhiên. Nơi vùng núi phía Bắc ấy không hề hoang vu là hiện lên với cảnh trí độc đáo, dịu dàng với những áng mây “hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng”. Giữa sắc xanh của núi rừng, hình ảnh “con suối có thác trắng xóa”, những cây thông “rung tít trong nắng”, hàng tử kinh “màu hoa cà”,… tất cả hiện lên, tạo thành một khung cảnh thơ mộng nhưng không buồn bã mà tràn đầy màu sắc.
Bên cạnh đó, thiên nhiên Sa Pa còn vô cùng tráng lệ. Mùa xuân, Sa Pa với những vườn đào rộng lớn, những đàn bò “cổ đeo chuông” nối đuôi nhau trên những đỉnh đèo như níu chân du khách lại. Mặt trời lên, khiến cho “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn”. Với cách dùng từ độc đáo, mỗi câu văn dường như có đường nét, hình khối riêng, đậm chất thơ, thiên nhiên nơi đây như được họ a ra trước mắt. Khiến cho chúng ta như đang bước vào một không gian vừa thực vừa ảo, thơ mộng nhưng cũng rất đỗi tráng lệ.
- Luận điểm 2: Phân tích hình ảnh con người
Anh thanh niên
Anh thanh niên là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Được miêu tả là người có hoàn cảnh sống, làm việc đặc biệt, Nguyễn Thành Long ưu ái cho nhân vật này nhiều chi tiết đáng chú ý.
Đầu tiên, anh thanh niên làm việc trên độ cao 2600 mét trên đỉnh Yên Sơn, “bốn bề chỉ có cây cỏ và mây mù lạnh lẽo”. Vì cô đơn nên anh rất “thèm người”, muốn được gặp gỡ và trò chuyện với người khác. Tại đây, anh làm công tác thủy văn, kiêm vật lí địa cầu. Công việc hàng ngày của anh là đo nắng, đo mưa, đo gió, đo chấn động mặt đất. Từ đó có thể dự được thời tiết, “phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”. Đây là công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác và tinh thần trách nhiệm cao của người cán bộ.
Công việc của anh thanh niên không khó. Nhưng để có thể say mê, yêu thích và gắn bó với nó lại không phải dễ dàng. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy, lại thiếu thốn tình cảm con người, dễ khiến con người ta nản chí, muốn buông bỏ. Chưa kể còn gian khổ vì phải tiếp xúc với nắng gió hàng ngày. Vì thế, anh thanh niên hiện lên là một người yêu nghề, yêu đời, có trách nhiệm và say mê công việc của mình. Mặc dù không có ai thúc giục, anh vẫn say mê công việc của mình, không một lần quên giờ đo, không một ngày vì mệt mỏi mà lười biếng. Và thật hạnh phúc xiết bao khi biết được, do đo kịp đám mây khô mà anh góp phần vào chiến thắng của không quân ta trên bầu trời Hàm Rồng. Cái niềm hạnh phúc giản đơn đó, anh kể về công việc với niềm say sưa, yêu mến tột cùng. “Công việc của cháu gian khổ thế đấy chứ cất nó đi cháu buồn đến chết mất”. Quả thực, trái với sự tẻ nhạt mà người đọc có thể tưởng tượng, anh thanh niên yêu và hạnh phúc với công việc của mình.
Bên cạnh đó, anh thanh niên còn hiện lên với nhiều phẩm chất tốt đẹp đáng trân trọng khác. Trước hết, anh là một người rất hiếu khách, cởi mở và chân thành. Chính vì “thèm người”, anh đã đẩy một khúc gỗ ra chắn đường để kiếm cớ ra giúp, trò chuyện với mọi người một chút. Anh còn quan tâm đến những chi tiết nhỏ nhặt của những người anh có cơ hội gặp mặt. Anh biếu bác lái xe củ tam thất vì “bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì”. Anh gửi tặng bông hoa, quả trứng tự tay vun trồng, chăm sóc mà có, như một lời cảm ơn và tạm biệt chân thành.
Ngoài ra, anh thanh niên còn là người khiêm tốn, thành thật. Khi bác họa sĩ vẽ chân dung anh anh nói: Không, xin bác đừng mất công vẽ cháu. Cháu không xứng đáng đâu, để cháu giới thiệu với bác những người khác đáng vẽ hơn”. Với anh, bản thân mình quá đỗi bình thường nên không xứng đáng để được nhận danh dự như vậy. So với những người khác anh thấy bản thân mình còn chưa làm được gì. Và mặc dù còn trẻ tuổi, anh đã mang những suy nghĩ rất thấu đáo. Anh yêu mảnh đất Sa Pa, yêu thiên nhiên và con người nơi đây, nơi anh đã gắn bó cả tuổi trẻ và cống hiến sức mình.
Có thể nói, qua cuộc trò chuyện của anh thanh niên, ta có thể hình dung ra một người con trai giản dị và khiêm nhường, đẹp về cả nhân cách lẫn tâm hồn. Con người ấy dù nhỏ bé nhưng lại như một vì sao lặng lẽ tỏa sáng giữa cuộc đời này.
Các nhân vật khác
Bên cạnh nhân vật anh thanh niên, lặng lẽ Sa Pa còn khắc họa nhiều nhân vật với các nét tính cách tốt đẹp. Trước tiên là nhân vật ông họa sĩ. Ông hiện lên là một người có quan niệm nghệ thuật đúng đắn, chân thành. Khi gặp anh thanh niên, ông đã nhận ra đây là nhân vật mà mình tìm kiếm bấy lâu trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Ông tự nhủ rằng “người con trai ấy thật đáng yêu nhưng làm cho ông nhọc quá”. Bởi lẽ khi đã tìm ra được đối tượng của mình, yêu mến đối tượng ấy và muốn gửi gắm vào tác phẩm, ông đã tìm cách làm sao có thể chuyển tải hết được một cách rõ nét và sống động nhất về anh. Đó là quan niệm về nghệ thuật, về công việc rất nghiêm túc mà mỗi người đều phải phấn đấu và cố gắng vì nó.
Thêm vào đó, nhân vật Cô kỹ sư cũng được Nguyễn Thành Long miêu tả với những chi tiết độc đáo. Tình cờ gặp được anh thanh niên, cô bàng hoàng nhận ra mục tiêu và con đường mình lựa chọn là gì và vững vàng và sự lựa chọn ấy. Nó giúp cô hiểu mình đang muốn gì để rồi quyết tâm hơn vào sự lựa chọn của mình. Cùng với sự bàng hoàng ấy, cô cảm ơn và cảm kích người thanh niên vì bó hoa bảo anh trao tặng đến với một người xa lạ như cô. Và hơn cả con vì bó hoa vô hình và chỉ cô biết, “một bó hoa nào khác nữa, bó hoa của những háo hức và mơ mộng ngẫu nhiên anh cho thêm cô”.
Ngoài ra, các nhân vật như bác lái xe, ông kỹ sư vườn rau, anh kỹ sư bản đồ sét,. Chấm. Cũng đều hiện lên rất đẹp. Họ với tâm hồn và nhân cách đáng trân trọng của mình đã làm nên một Sa Pa lặng lẽ nhưng phi thường. Tình yêu con người, yêu công việc, yêu thiên nhiên đã làm từng người, từng người một hiện lên như một bức tranh mà ở đó họ hy sinh nhiều hơn là nhận lại. Tất cả đã được Nguyễn Thành Long khéo léo khắc họa một cách vừa mơ mộng thơ mộng nhưng cũng rất đỗi chân thành.
Thông qua những nhân vật ấy, tác giả Nguyễn Thành Long muốn gửi gắm những quan niệm vì con người, về tình yêu và quan niệm nhân sinh sâu sắc. Tuy họ ở những hoàn cảnh khác nhau, có những nỗi niềm riêng, nhưng tất cả đều hiện lên một sự lạc quan yêu đời, yêu người và trân trọng hiện tại. Đó là sự hy sinh “lặng lẽ” mà không phải ai cũng có được nhưng chúng ta lại có thể tìm thấy tại đây.
Kết bài
Với cách kể chuyện nhẹ nhàng, câu từ đậm chất thơ, sử dụng các chi tiết tinh tế, Nguyễn Thành Long đã khắc họa ra những con người với nhiều vẻ đẹp đáng trân trọng. Đọc và phân tích Lặng lẽ Sa Pa, Ta không chỉ hiểu hơn về phong cách nghệ thuật của tác giả mà còn có cái nhìn sâu sắc về cuộc đời, về sự hy sinh của con người và sự lạc quan vượt qua nghịch cảnh. Đó là những bài học đáng quý, là hành trang cho mỗi người trong tương lai phía trước.