Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm để thấy được tâm thế sống ung dung, tự tại và quan niệm sống “lánh đục về trong” của cư sĩ ẩn danh.
Bạn đang đọc: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm chính xác từng luận điểm
Nhàn là tác phẩm thơ nôm nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Bài thơ đã nêu lên quan niệm sống nhàn của một bậc ẩn sĩ thanh cao. Đó là cuộc sống bình dị, nhàn nhã chốn thôn quê, bỏ qua những danh lợi tầm thường, của cuộc sống bon chen đến nghẹt thở. Cùng phân tích bài thơ Nhàn để thấy được sự ung dung, tự tại mà Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nhắc tới.
Mở bài phân tích bài thơ Nhàn
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là một tri thức nho sĩ nổi tiếng. Ông sinh vào thời buổi loạn lạc Lê – Mạc xưng hùng, Trịnh – Nguyễn phân tranh. Vì thế, ông chỉ làm quan 8 năm rồi lui về ở ẩn. Bằng tài năng văn học thiên phú, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng ngòi bút của mình để đưa ra những trăn trở, suy nghĩ về cuộc sống con người vào trong thơ ca.
Nhàn là một trong những tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Bỉnh Khiêm nằm trong tập “Bạch Vân quốc ngữ thi”. Tác phẩm được viết bằng thể thơ Thất ngôn bát cú đường luật thể hiện rõ nét triết lý, quan niệm sống của ông, đồng thời cũng đại diện cho lớp các nhà nho sĩ ẩn dật thời bấy giờ.
Thân bài
Bài thơ chỉ vỏn vẹn 8 câu đường luật nhưng trong đó ta thấy được một tâm hồn tự do, tự tại, tràn ngập niềm vui và thanh tịnh. Các phân tích bài thơ Nhàn, càng thấy được một bức tranh cuộc sống an nhàn nơi thôn quê êm ả được mở ra.
- Luận điểm 1: Hoàn cảnh sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Chẳng phải đao to, búa lớn, mở đầu bài thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho người ta thấy được cuộc sống bình dị hết sức:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ở đây, tác giả đã sử dụng biện pháp liệt kê, kết hợp nhịp thơ 2/2/3 thong thả, đều đặn cho ta thấy được cuộc sống lao động chốn thôn quê hết sức bình dị. Những mai, những cuốc, hay cần câu đều là những dụng cụ lao động quen thuộc của người nông dân. Nó chính là những người bạn đồng hành của cuộc sống điền viên, thôn dã. Cuộc sống ấy như một thói quen, lặp đi lặp lại hàng ngày như chẳng bao giờ biết chán.
Nguyễn Bỉnh Khiêm còn kết hợp khéo léo biện pháp điệp ngữ “một” – đó là số ít. Điều này cho thấy cuộc sống nơi điền viên của tác giả vô cùng giản đơn, chẳng tư lợi, bon chen. Hàng ngày chỉ cần xới đất, câu cá là đủ vui thú rồi.
Đến câu thơ thứ hai, tác giả đã bộc lộ rõ quan điểm sống của mình. Ở đây, tác giả sử dụng từ “thơ thẩn” như muốn diễn tả trực tiếp tâm trạng của mình. “Thơ thẩn” chính là thảnh thơi, thanh thản và mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Đó là lối sống ông đã chọn và bằng lòng với nó. Vì thế, “dầu ai vui thú nào” thì cũng không làm thay đổi được cuộc sống thực tại nơi đồng quê của ông.
- Luận điểm 2: Quan niệm sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nếu ở hai câu đề, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cho người đọc thấy được cuộc sống nhàn nhã chốn điền viên. Thì đến hai câu thực, ông lại một lần nữa khẳng định chắc chắn về quan niệm sống xa rời thị phi của mình:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Ở đây, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã rất thành công khi sử dụng nghệ thuật đối “ta – người” “dại – khôn”. Sự đối lập này càng làm nổi bật quan niệm và triết lý sống nhàn của nhà thơ. Đó là cuộc sống không bon chen với đời, không màng vinh hoa phú quý.
Thế nên, sự đối lập giữa “nơi vắng vẻ” – “chốn lao xao” chính là lời giải cho lựa chọn của tác giả. Nơi vắng vẻ là nơi ít người qua lại, biết đến, ở đấy chẳng cần đua chen, cầu cạnh hay tranh giành với ai. Nơi đó có thiên nhiên hòa hợp, trong lành, con người được sống một cách gần gũi nhất với cỏ cây, hoa lá. Trong khi đó “chốn lao xao” là nơi ồn ào, náo nhiệt, nhưng cùng với đó là sự đua chen, giành giật, để sống được ở đó phải luồn cúi, cầu cạnh để rồi phải đánh mất mình. Ở đây ông tự nhận mình là “ta dại”. Nhưng có lẽ đây lại là một so sánh ngược khiến ta phải cảm thán “dại mà hóa khôn, không hóa ra lại dại”. Đó cũng là sự mỉa mai hóm hỉnh mà Nguyễn Bỉnh Khiêm nhắc đến cuộc sống bon chen của thiên hạ.
Để người đọc thấy rõ được lối sống hòa hợp, vui thú điền viên, tác giả đã vẽ nên bức tranh tứ bình vô cùng đẹp trong hai câu thực.
- Luận điểm 3: Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm chốn quê nhà
Để khẳng định cho sự “dại mà khôn” của mình, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không ngần ngại vẽ ra bức tranh tứ bình vô cùng đẹp mắt ở hai câu luận:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Chỉ bằng hai câu thơ, cuộc sống bốn mùa trong năm của Nguyễn Bỉnh Khiêm được khắc họa rõ nét. Cuộc sống ấy gắn liền với thiên nhiên, với những điều thân thuộc nhất. Đó là măng trúc, là giá, là hồ sen, là ao – những món ăn, cảnh vật vô cùng bình dị, gần gũi. Ở đây, tác giả đã vẽ nên được câu chuyện thường nhật của mình. Khi sống ở đây, ông hoàn toàn chủ động và hòa hợp với nhịp sống của thiên nhiên từ trong nếp ăn, nếp sinh hoạt. Những nhu cầu tối thiểu của con người đều được đáp ứng đầy đủ, với mùa nào thức nấy, chẳng cần lo lắng nay mai ăn gì. Dường như chỉ cần bước chân ra ngoài là đã có đồ ăn sẵn sàng: măng trúc, giá. Đó đều là những món ăn tuy đạm bạc nhưng đầy bổ dưỡng.
Cuộc sống đạm bạc của tác giả nơi điền viên ấy được nhắc đến một cách vui vẻ, cách ngắt nhịp 4/3 và cách điệp cấu trúc câu đã cho thấy sự thảnh thơi hiếm có. Dù sống cuộc sống điền viên nhưng Nguyễn Bỉnh khiêm hài lòng với nó, ông thấy cuộc sống ấy thanh cao, tự do thoải mái hơn bao giờ hết.
- Luận điểm 4: Triết lý sống nhàn
Cuộc sống hiện tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm nơi điền viên thôn dã mang đến cho ông sự tự do, tự tại. Thế nên, một lần nữa ông lại khẳng định sự hài lòng với cuộc sống và triết lý sống “nhàn” bằng hai câu kết:
Rượu đến gốc cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Ở hai câu kết này, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khéo léo mượn điển tích giấc mộng dưới gốc cây hòe của Thuần Vu Phần để thể hiện sự thức tỉnh mình và đời. Ông còn mượn rượu để say rồi để tỉnh và nhận ra chân lý cuộc đời đó là công danh, phú quý cuối cùng chỉ như giấc mộng. Ở câu cuối, tác giả đã sử dụng động từ “nhìn xem” để thể hiện sự bất cần với những thứ vinh hoa phú quý ở đời. Nguyễn Bỉnh Khiêm muốn khẳng định rằng khi bỏ được những vinh hoa phù phiếm trong đời thì sẽ có thể đứng cao hơn người một cách đầy tự tin.
Lời kết
Triết lý sống “nhàn” của Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện xuyên suốt trong bài thơ đó chính là vinh hoa phú quý chỉ là giấc mộng trong đời. Nó đến rồi đi nhanh như cơn gió, chẳng ai nhớ được. Chỉ có nhân cách, tâm hồn mới là điều tồn tại mãi mãi.
Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm được kết hợp nhuần nhuyễn giữa thể thơ đường luật với nhiều hình ảnh ước lệ, điển tích. Lời thơ nhẹ nhàng nhưng sâu sắc thể hiện rõ nét lối sống và quan niệm sống vô cùng đẹp đẽ. Phân tích bài thơ nhàn cho thấy tác phẩm cũng là lời khẳng định về quan điểm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm: một cuộc sống hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa những tham – sân – si của cuộc đời, vượt lên những danh vọng tầm thường.