Trong chương trình Ngữ văn 10, các bạn học sinh phải phân tích ca dao than thân, yêu thương và tình nghĩa của dân gian Việt Nam. Đây là một trong những bài phân tích khá thú vị, các bạn không thể bỏ qua. Các bạn có thể tận dụng tài liệu dưới đây để làm phong phú hơn bài làm văn của mình nhé!
Bạn đang đọc: Phân tích ca dao than thân, yêu thương và tình nghĩa hay nhất
Ca dao tục ngữ luôn là một trong những nguồn ngôn ngữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Mỗi bài ca dao đều được đúc kết từ những chiêm nghiệm đầy triết lý nhân văn của thế hệ bao đời. Phân tích ca dao than thân, yêu thương và tình nghĩa trong chương trình Ngữ văn 10, các bạn sẽ hiểu hơn về điều này.
Mở bài
Để phân tích ca dao được đầy đủ và sâu sắc, các bạn cần hiểu đây là thể loại như thế nào? Có thể nói, ca dao là thể loại thơ ca trữ tình, nhằm diễn tả cảm xúc, tâm trạng gắn với những hình thức sinh hoạt, lối sống của con người.
Trong chương trình Ngữ văn 10, Bộ Giáo dục đã đưa chùm ca dao than thân, yêu thương, tình nghĩa vào để giảng dạy. Đây là những bài ca dao ý nghĩa và thú vị mang đặc trưng nghệ thuật của ca dao dân gian Việt Nam.
Chi tiết thân bài phân tích ca dao
Luận điểm 1: Phân tích chùm ca dao than thân của người phụ nữ
Cũng như trong văn xuôi, trong ca dao hình tượng thân phận người phụ nữ cũng trở thành một trong những nguồn cảm hứng tạo nên những câu ca độc đáo nhất. Đầu tiên phải kể đến bài:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”.
Nhân vật trữ tình ở đây đích xác là người phụ nữ, qua đại từ nhân xưng “em”. Vì tự than cho số phận của mình, nên người phụ nữ đã khiên nhường trong xưng hô và nhận mình làm phận em. Dân gian sử dụng hình ảnh ẩn dụ so sánh thân người phụ nữ như “tấm lụa đào”. Theo nghĩa đen, lụa đào là loại lụa đẹp, có giá trị lại rất mềm mại. Cũng như người phụ nữ rất xinh đẹp, dịu dàng. Có thể thấy, người phụ nữ ở đây rất ý thức về sắc đẹp và giá trị của bản thân. Thế nhưng ở câu sau lại toát lên một cảnh sống thật trớ trêu. Tấm lụa ấy không được trưng bày hay sử dụng ở nơi cao sang, quyền quý mà lại “phất phơ” giữa chợ. Đó là một nơi giao thương, buôn phường bán chợ rất hỗn tạp. Cũng giống như xã hội mà người phụ nữ đang sống rất rối ren. Qua đây, độc giả có thể nhận thấy người phụ nữ đang tự khóc than cho thân phận bấp bênh, vô định, bất lực trước xã hội bất công, không biết vào tay ai của mình. Đồng thời, bài ca dao cũng thể hiện sự trân trọng phẩm hạnh và sắc đẹp của người phụ nữ, cảm thông, sẻ chia với số phận ba chìm bảy nổi của họ, và lên án tố cáo xã hội phong kiến đã chà đạp lên quyền làm người, quyền sống tự do của người phụ nữ.
Tiếp đến là bài:
“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen
Ai ơi ,nếm thử mà xem!
Nếm ra ,mới biết rằng em ngọt bùi”.
Cũng như bài ca dao trước, bài này, người phụ nữ cũng xưng hô “em” một cách tế nhị. Nhưng hình ảnh so sánh thì lại khá đặc biệt. Đó là “củ ấu gai”, là một loài thực vật có vỏ ngoài màu đen nhưng bên trong thì trắng nõn nà. Có thể thấy, ở đây người phụ nữ ví thân mình như củ ấu là nói về sự lam lũ, nhem nhuốc vất vả của mình nhưng tâm hồn thì vô cùng trong trắng, và trinh khiết. Ở đây, người phụ nữ cũng đã tự khẳng định được giá trị chiều sâu trong tâm hồn của mình. Không dừng lại đó, ở câu ca dao này, người phụ nữ còn tự tin mời mọc mọi người thưởng thức củ ấu, cũng như chính họ đang nói lên lời khát vọng yêu đương, tự do giao cảm.
Luận điểm 2: Chùm ca dao về yêu thương tình nghĩa
Phân tích ca dao yêu thương tình nghĩa trong chương trình Ngữ văn 10, độc giả không khỏi cảm thấy thú vị với tác phẩm đầu tiên:
“Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng nay, khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng
Mình ơi có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời”.
Đây là ca dao chia sẻ nỗi buồn của một chàng trai trước chuyện tình duyên dang dở. Chàng vì quá buồn xót mà trèo lên cây khế đến tận nửa ngày. Một hành động bất thường nhưng trở thành bình thường, cảm thông được trong tình huống này. Chàng tự hỏi “ai” làm lỡ làng chuyện của mình để chỉ tới chế độ phong kiến hà khắc đã chia rẽ đôi uyên ương chỉ vì phân biệt giàu nghèo, môn đăng hộ đối. Câu ca đã đưa ra những hình ảnh đối lập như: Sao hôm – sao mai, mặt trăng – mặt trời. Để nhấn mạnh hơn về sự không thành trong tình duyên của chàng và người yêu. Tuy đối lập nhau nhưng những sự vật này luôn tồn tại cùng với nhau, điều này khẳng định tình yêu của chàng trai và cô gái dù là hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhưng vẫn trường tồn vĩnh cửu. Cuối câu ca là lời thề non hẹn biển, giải bày nỗi lòng của chàng trai. Chàng xưng mình với ta tạo nên sự gần gũi thân thiết và hình ảnh “sao Vượt chờ trăng” càng nhấn mạnh hơn tấm lòng son sắt, thủy chung của chàng dành cho nàng.
Tiếp đến là bài ca dao về nỗi niềm nhung nhớ người yêu của người phụ nữ.
“Khăn thương nhớ ai/ Khăn rơi xuống đất/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn vắt lên vai/ Khăn thương nhớ ai/ Khăn chùi nước mắt/ Đèn thương nhớ ai/ Mà đèn không tắt/ Mắt thương nhớ ai/ Mắt ngủ không yên/ Đêm qua em những lo phiền/ Lo vì một nỗi không yên một bề…”
Ở đây, dân gian sử dụng phép điệp cấu trúc câu nghi vấn để nhấn mạnh đến nỗi thương nhớ người yêu của người phụ nữ. Đó là nỗi nhớ triền miền, không dứt. Hình ảnh chiếc “khăn” xuất hiên để nói về kỷ vật tình yêu của người con gái. Đi cùng với các động từ đối lập như rơi – vắt, lên – xuống, càng lột tả tâm trạng rối bời, ngổn ngang của nhân vật trữ tình. Kết hợp với hành động “chùi nước mắt” để thấy rõ nỗi đau buồn của người phụ nữ. Hình ảnh “đèn” đi cùng với “mắt” thể hiện nỗi ưu tư, buồn phiền thao thức vừa lo lắng và đầy bất an của người con gái. Điều này, thể hiện rõ rệt những cung bậc trong tình yêu của người phụ nữ. Để rồi hai câu cuối, nhân vật trữ tình xuất hiện và thốt lên những lời lo âu phiền muồn. Ở cuối bài ca dao, dân gian sử dụng dấu chấm lửng nhằm tọa nên kết thúc mở, gợi ra cho người đọc những xúc cảm và suy nghĩ khác nhau.
Bài ca dao tiếp theo trong chùm yêu thương tình nghĩa đó là:
“Ước gì sông rộng một gang
Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”
Đây là bài ca dao thể hiện tình yêu mãnh liệt, da diết của thiếu nữ với người mình yêu. Vì quá nhớ thương người yêu, mà cô gái đã có một niềm ước mơ thật phi lí “ước gì sông rộng một gang”. Dòng sông là hình ảnh không gian ngăn cách tình yêu của đôi lứa nên cô gái đã mong dòng sông ấy nhỏ bé lại để để người yêu có thể sang thăm cô. Thật là một ước mong táo bạo nhưng thể hiện tình yêu dữ dội thuần khiết của cô gái. Điều thú vị hơn nữa, cô gái còn muốn làm cây cầu bằng dải yếm để để người yêu cô có thể sang chơi. Độc giả dễ dàng nhận ra, hình ảnh cây cầu là không gian thường gắn liền với những cặp tình nhân, là nơi hẹn hò của đôi lứa. Chiếc cầu này được làm từ yếm của người con gái, có nghĩa là cô gái bắc cầu, cô chủ động trong tình yêu, cô bất chấp mọi rào cản lễ giáo của phong kiến kia. Cô chỉ muốn thể hiện niềm khao khát trong tự do của tình yêu đôi lứa. Qua đây, chúng ta cảm nhận được, dân gian cũng đồng tình và cổ vũ với niềm khát khao trong tình yêu của người phụ nữ. Từ đây, nhấn mạnh và ca ngợi vẻ đẹp trong tâm hồn của người phụ nữ, vô cùng ý nhị nhưng cũng rất mãnh liệt và dữ dội.
Bên cạnh những bài ca dao than thân, tình yêu đôi lứa, thì ca dao còn dành nhiều câ ca cho tình nghĩa vợ chồng gắn bó thủy chung.
“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”.
Ở hai câu đầu, dân gian sử dụng hình ảnh “muối, gừng” để liên tưởng đến những khó khăn, vất vả của con người. Bỏi đây là những món gia vị quen thuộc thuộc trong bữa ăn, cũng là vị thuốc thường nhật trong những gia đình lao động nghèo khó. Ở đây, dân gian còn sử dụng cụm từ chỉ thời gian 3 năm 9 tháng, hàm ý nói về khoảng thời gian dài kết hợp với “muối đang còn mặn”, “gừng hãy còn cay”, nhằm nhấn mạnh những điều vĩnh cửu không đổi thay. Có thể nhận ra, ở hai câu đầu, tác giả dân gian đã mượn quy luật của tự nhiên để khẳng định tình yêu bền vững, gắn bó son sắt thủy chung tình nghĩa vợ chồng. Đồng thời ca ngợi tình nghĩa phu thê càng bền chặt khi đồng cam cộng khổ vượt qua mọi gian lao vất vả của cuộc đời. Ở hai câu, tác giả dân gian cho xuất hiện đại từ “đôi ta” với thành ngữ “nghĩa nặng tình dày” để khẳng định thêm sự thủy chung son sắt đạo nghĩa vợ chồng.
Kết bài
Qua việc phân tích ca dao than thân và yêu thương tình nghĩa, chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc điểm chung về nghệ thuật như thể thơ lục bát, song thất lục bát hoặc lục bát biến thể. Ngôn ngữ sử dụng trong các bài ca dao này đều rất gần gũi với đời sống hàng ngày của con người. Mặc dù ngắn gọn súc tích nhưng bằng những hình ảnh ẩn dụ, so sáng sinh động, những bài ca dao vẫn mang tới cho người đọc những giá trị về đạo đức, lối sống nhân văn sâu sắc.
Những bài ca dao than thân vừa ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, vừa nói lên nỗi niềm của họ vừa lên án và phê phá xã hội với những hủ tục, lề giáo phong kiến bất công, đã chà đạp lên quyền sống tự do của người phụ nữ.
Trong khi ca dao về tình yêu, nghĩa tình lại ca ngợi vẻ đẹp trong tình yêu của chàng trai và cô gái. Đồng thời, thông cảm chia sẻ với nỗi niềm đau xót khi tình duyên dang do xã hội chia cắt của tình yêu đôi lứa. Qua đó cũng ca ngợi đến vẻ đẹp của tình nghĩa vợ chồng son sắt đồng cam cộng khổ vượt qua gian lao vất vả.